Nâng cao chất lượng tham mưu, giúp việc Hội Đồng Nhân Dân

Xây dựng chính sách đặc thù thu hút cán bộ

- Thứ Tư, 19/02/2020, 09:32 - Chia sẻ
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ hoạt động của HĐND, yêu cầu thực tiễn đặt ra là cần ban hành chính sách đặc thù cho công chức, người lao động công tác tại Văn phòng HĐND để thu hút cán bộ giỏi, có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn ở các sở, ban, ngành, địa phương về công tác tại Văn phòng HĐND tỉnh. Cùng với đó, cần sớm tổng kết việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh và quyết định mô hình Văn phòng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.

Phát huy năng lực, sở trường công tác

Văn phòng HĐND tỉnh Điện Biên được được tách từ Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tháng 7.2016, với số lượng biên chế giảm từ 35 xuống còn 24 biên chế. Vào đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu HĐND được tăng thêm nhiều thẩm quyền theo quy định. Cùng với đó, khối lượng công việc của Văn phòng tăng lên và đúng vào thời điểm chia tách, thành lập, sắp xếp lại bộ máy Văn phòng theo Nghị định số 48/2016/NĐ-CP ngày 27.5.2016 của Chính phủ, với số lượng phòng giảm từ 3 xuống còn 2 phòng, mỗi phòng có Trưởng phòng và 1 Phó trưởng phòng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý, động lực phấn đấu cũng như trách nhiệm với công tác được giao. 


Văn phòng HĐND tỉnh Điện Biên tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020
Ảnh: Lê Hùng

Trong bối cảnh đó, để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, Văn phòng HĐND tỉnh Điện Biên vừa tập trung rà soát, xác định lại vị trí việc làm, vừa chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng tham mưu, giúp việc. Cụ thể, đã tham mưu cho HĐND, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo thẩm quyền, trong đó một số việc lần đầu tiên tổ chức thực hiện (tổ chức giải trình bằng hình thức trực tuyến đến các Tổ đại biểu, đến Thường trực HĐND các huyện, thị, thành phố trên địa bàn; thông qua nghị quyết về chương trình giám sát, nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề…); thường xuyên tham mưu đổi mới hoạt động của HĐND theo hướng phát huy trí tuệ tập thể, dân chủ thảo luận, bàn bạc, tạo sự thống nhất cao trong quyết định các vấn đề quan trọng...

Đạt được kết quả trên, Văn phòng HĐND tỉnh đã vận dụng linh hoạt các quy định của Trung ương phù hợp với điều kiện thực tế như: Áp dụng cơ chế Thủ trưởng đối với hoạt động tham mưu, giúp việc cho Thường trực HĐND tỉnh; cơ chế chuyên viên và phân công cụ thể chuyên viên tham mưu, giúp việc trực tiếp cho các Ban, Tổ đại biểu HĐND. Đối với các Tổ đại biểu HĐND, chuyên viên được phân công trực tiếp giúp việc phải thực hiện nhiệm vụ như một Văn phòng, từ tham mưu chuẩn bị nội dung, chương trình và tổ chức thực hiện chương trình TXCT, giám sát của Tổ đại biểu, làm thư ký họp Tổ, dự trù kinh phí đến hoàn tất thủ tục thanh toán chế độ, chính sách cho Tổ đại biểu theo quy định… Phát huy trách nhiệm Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh của Chánh Văn phòng trong việc yêu cầu, đôn đốc giám đốc các sở, ngành (thường là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh) cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo phục vụ HĐND, Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND thực hiện nhiệm vụ theo quy định.

Cùng với đó là việc tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc chuyên môn và hành chính để tiết kiệm thời gian, công sức, tăng tính hiệu quả của công tác tham mưu, đề xuất. Đặc biệt, thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ gắn với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức. Trên cơ sở đó, phân công, bố trí công việc cho công chức phù hợp với năng lực, trình độ và cơ cấu ngạch công chức bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, phát huy được năng lực và sở trường công tác.

Cần chính sách đặc thù cho cán bộ, công chức

Bên cạnh kết quả đạt được, một số nội dung quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND chưa được tham mưu đầy đủ, kịp thời; việc tin học hóa trong hoạt động quản lý chưa đồng bộ. Do chỉ có 1 Phòng Tổng hợp tham mưu, giúp việc nhiệm vụ chuyên môn cho Thường trực, các Ban của HĐND tỉnh với cơ cấu Trưởng phòng và 1 Phó trưởng phòng dẫn đến khó khăn trong việc thu hút được cán bộ giỏi, có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn ở các sở, ban, ngành của địa phương về công tác.

Hơn nữa, Phòng Tổng hợp được giao nhiệm vụ nắm bắt, tham mưu tất cả các lĩnh vực chuyên môn của các ban HĐND, trong khi mỗi cá nhân chỉ có chuyên môn sâu trên một số lĩnh vực nhất định, vì vậy lãnh đạo phòng khó có thể nắm bắt, chỉ đạo tốt công tác tham mưu, phục vụ trên tất cả các lĩnh vực. Các Ban HĐND có nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau và trực tiếp điều hành, chỉ đạo chuyên viên giúp việc theo lĩnh vực được phân công nên có một số công việc Chánh Văn phòng không hoàn toàn chỉ đạo, điều hành theo chế độ Thủ trưởng. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho bộ máy tham mưu, phục vụ của Văn phòng có lúc, có nơi thiếu tính đồng bộ, thông suốt theo một đầu mối lãnh đạo và việc quản lý, theo dõi, đánh giá công chức dưới quyền có lúc chưa thực sự sâu sát, toàn diện và đầy đủ.

Từ thực tế trên, để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ trong thời gian tới, yêu cầu thực tiễn đặt ra là cần Ban hành chính sách đặc thù cho công chức, người lao động công tác tại Văn phòng HĐND (như chính sách đối với công chức, người lao động Văn phòng Đoàn ĐBQH hiện nay) để thu hút cán bộ giỏi, có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn ở các sở, ban, ngành, địa phương về công tác tại Văn phòng HĐND tỉnh.

Cùng với đó, cần sớm tổng kết việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh và quyết định mô hình Văn phòng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của từng cơ quan Văn phòng được tham mưu. Đồng thời, để bảo đảm chuyên môn hóa và nâng cao năng lực nghiệp vụ của đội ngũ công chức Văn phòng đáp ứng yêu cầu tham mưu, giúp việc hoạt động của HĐND, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, nên tổ chức Văn phòng tham mưu, giúp việc HĐND tỉnh theo hướng: Ngoài phòng Tổng hợp có thêm các phòng chuyên môn tham mưu, giúp việc theo các lĩnh vực Kinh tế - Ngân sách, Văn hóa - Xã hội, Dân tộc, Pháp chế.

LÊ HOA