Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong công cuộc đổi mới đất nước

Bài 1: Luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu

- Thứ Tư, 09/09/2020, 05:38 - Chia sẻ

Có nhiều người băn khoăn, thắc mắc về việc tại sao báo cáo chính trị của đại hội đảng bộ ở cấp nào, nhiệm kỳ nào cũng có những cụm từ tương tự nhau, như: Tăng cường công tác xây dựng đảng hoặc xây dựng đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh... Sự trùng lặp, giống nhau là có cơ sở, vì xây dựng Đảng luôn là nhiệm vụ then chốt, quan trọng hàng đầu.

 

Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi ra đời đến nay luôn phấn đấu, rèn luyện xứng đáng là đội tiên phong và đại biểu trung thành của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; các tổ chức của Ðảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.    

Vai trò không thể phủ nhận

Sứ mệnh và vai trò của Ðảng Cộng sản Việt Nam đã được khẳng định ngay từ khi mới thành lập, được chỉ rõ trong Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt. Lịch sử Việt Nam trong những năm 30 của thế kỷ XX đến nay đã đánh dấu nhiều mốc son chói lọi, gắn liền với sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam.

Các Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bình Giang, Hải Dương Khóa XXVIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 ra mắt Đại hội

Đầu tiên phải kể đến là thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Mặc dù Đảng mới thành lập và còn non trẻ nhưng đã lãnh đạo dân tộc ta đứng lên làm cách mạng giải phóng dân tộc, lật đổ chế độ thực dân, phong kiến lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Tiếp đến, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến oanh liệt đánh đuổi các đế quốc hùng mạnh, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đem lại hòa bình cho nhân dân và đánh thắng các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới lãnh thổ của Tổ quốc.

Đặc biệt, trong hơn 30 năm đổi mới càng khẳng định tầm vóc to lớn về vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với hệ thống chính trị và trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Việt Nam đã vươn lên từ một quốc gia nghèo đói, kém phát triển trở thành quốc gia đang phát triển, có thu nhập trung bình. Tăng trưởng kinh tế ghi nhận những dấu mốc quan trọng, luôn gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xây dựng con người, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm.

Việt Nam từng bước hội nhập quốc tế, thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 nước trên thế giới, hoàn thiện mạng lưới đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, nâng tổng số lên 30 đối tác vào năm 2019. Quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chuyển biến mạnh mẽ, quyết liệt, có bước đột phá và đạt nhiều kết quả rõ rệt. Chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững.

Mặc dù còn nhiều khó khăn phải tiếp tục vượt qua, còn những hạn chế trong công tác xây dựng Đảng, nhưng kết quả của công cuộc đổi mới hơn 30 năm qua được đánh giá là một giai đoạn lịch sử quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng. Vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam là không thể phủ nhận.

Xây dựng Đảng luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu

Thể chế chính trị ở nước ta từ khi có Đảng đến nay luôn khẳng định chỉ có một đảng chính trị duy nhất lãnh đạo toàn diện Nhà nước và xã hội là Đảng Cộng sản Việt Nam, không chấp nhận thể chế đa đảng. Sự khẳng định đó được trả lời bằng những thành quả cách mạng to lớn mà nhân dân ta đã giành được dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng.

Trong 90 năm qua, từ khi có Đảng và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn đặt nhiệm vụ xây dựng Đảng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, có tính chất quyết định sự thành bại của cách mạng. Trong giai đoạn đổi mới phát triển đất nước, dù nhiệm vụ phát triển kinh tế là quan trọng để đưa nước ta thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, nhưng Đảng ta vẫn không lơi là nhiệm vụ xây dựng Đảng. Trong cương lĩnh xây dựng đất nước và trong mỗi giai đoạn của thời kỳ đổi mới, Đảng ta luôn quán triệt: Phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt.

Trong thời kỳ đổi mới, với đường lối phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, mặt trái của kinh tế thị trường đã có những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, trong đó có công tác xây dựng Đảng. Chính vì thế, ngay từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đến nay, không có nhiệm kỳ nào Trung ương Đảng không có nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng. Điều đó lý giải rằng, trong mỗi kỳ đại hội Đảng, dù ở tổ chức Đảng cấp nào thì nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được chú trọng, luôn được đưa vào phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm của một nhiệm kỳ và thường được sử dụng trong tiêu đề của báo cáo chính trị. Nếu không có tổ chức Đảng được xây dựng vững mạnh, đủ sức lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ thì công cuộc đổi mới không thể có kết quả tốt.

Chúng ta thường nói, hoặc trong các văn kiện, nghị quyết thường sử dụng cụm từ "xây dựng Đảng và hệ thống chính trị" hay "xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân". Nói như vậy là để nhấn mạnh về công tác xây dựng Đảng trong nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị mà thôi. Còn theo nghĩa rộng, hệ thống chính trị của chúng ta bao gồm ba thành tố: Đảng, Nhà nước và nhân dân (Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức quần chúng là tổ chức đại diện cho nhân dân).

Tuy nhiên, cho đến nay, trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đời sống của nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết của Ðảng hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sự lan tỏa lớn. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có lãnh đạo chủ chốt các cấp chưa xác định rõ trách nhiệm và chưa thật sự gương mẫu trong rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong, còn trục lợi, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Ðặc biệt, có cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật của Ðảng, pháp luật của Nhà nước, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Công tác xây dựng Đảng tiếp tục được coi trọng. Là cán bộ, đảng viên, mỗi người cần tự rèn luyện, phấn đấu để thực sự là "người đầy tớ", là công bộc của dân; đồng thời, tích cực đấu tranh, phê bình để kịp thời ngăn chặn những diễn biến tư tưởng, những biểu hiện tiêu cực trong đội ngũ, những hành vi xâm hại lợi ích của Đảng, của nhân dân.

Lương Anh Tế - Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hải Dương