Xây dựng đường biên giới Việt Nam- Campuchia hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển

- Thứ Tư, 23/10/2019, 15:17 - Chia sẻ
Ngày 23.10, tại thành phố Long Xuyên (tỉnh An Giang), Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị “Tập huấn chính sách, pháp luật và kỹ năng phổ biến pháp luật về Campuchia”. Hội nghị nhằm nâng cao hiểu biết về chính sách, pháp luật; kỹ năng nghiệp vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kỹ năng thông tin về Campuchia cho lãnh đạo, chuyên viên các Sở Thông tin và Truyền thông các phía Nam và cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại thuộc một số tỉnh có đường biên giới với Campuchia.

Tại hội nghị, Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ: Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng có lịch sử quan hệ gắn bó lâu đời; trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, nhân dân hai nước luôn kề vai sát cánh. Hiện nay, hai nước có nhiều cơ chế hợp tác song phương được tổ chức định kỳ hàng năm nhằm cụ thể hóa các thỏa thuận cấp cao giữa hai bên, triển khai các kế hoạch hợp tác cụ thể trên các lĩnh vực, đưa quan hệ song phương phát hiện thực chất. Việt Nam và Campuchia hợp tác, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực, quốc tế, nhất là tại Liên hợp quốc, khu vực Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) và trong khuôn khổ tiểu vùng sông Mê Kông nhằm giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng củng cố đoàn kết và tự cường trong khu vực. Từ năm 2006 đến nay, trên thực địa hai nước đã phối hợp triển khai và hoàn thành phân giới được khoảng 1.045 km đường biên giới, xây dựng được 2.047 cột mốc tại 1.553 vị trí; hoàn thành 84% khối lượng công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia.


Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: Hiệp ước bổ sung năm 2019 và Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia khẳng định mục tiêu chung của hai nước là xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển bền vững, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, bình đẳng cùng có lợi, vì hạnh phúc và phồn vinh của nhân dân hai nước. Việc giữ ổn định một số diện tích đất ở, đất canh tác, ruộng vườn mà người dân đã và đang sinh sống, canh tác trong quá trình phân giới, cắm mốc được người dân hai bên biên giới ủng hộ, đồng tình…

Cùng với các Hiệp ước, Hiệp định đã ký kết trong những năm 1983, 1985, 2005, Hiệp ước bổ sung năm 2019 và Nghị định thư phân giới cắm mốc, với hệ thống mốc giới khang trang, hiện đại, bền vững đã cắm mốc trên thực địa góp phần nâng cao chất lượng, hoàn thiện đường biên giới Việt Nam – Campuchia cả về mặt pháp lý và thực tiễn, đưa khu vực biên giới trở thành khu vực hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển… Việt Nam và Campuchia đạt được nhiều thành tựu về hợp tác về kinh tế, bảo vệ đường biên giới hòa bình, hữu nghị góp phần quan trọng, củng cố, tăng cường đoàn kết ASEAN, nâng cao uy tín và vị thế của ASEAN trên trường quốc tế.

Trong năm 2020, các hoạt động thông tin tuyên truyền, đối ngoại với Campuchia sẽ tập trung vào việc tăng cường hợp tác trong khuôn khổ đa phương khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020 và Campuchia tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Á- Âu (ASEM 13).

Tại hội nghị, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phổ biến với các đại biểu về đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam với Campuchia; đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong tình hình hiện nay; về chủ trương của Việt Nam quảng bá hình ảnh Việt Nam đổi mới phát triển, là bạn, là đối tác tin cậy của Campuchia, về việc củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết, đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia.

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu cũng nghe ông Lê Văn Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) trình bày tham luận về “Thông tin đối ngoại trong tình hình hiện nay”, trong đó nhấn mạnh đến mục tiêu của Việt Nam kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, các quyền lợi trên biển hợp pháp theo luật pháp quốc tế và giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.

Theo TTXVN