TP Hồ Chí Minh:

Xây dựng kế hoạch thí điểm kiểm soát khí thải

- Thứ Ba, 19/11/2019, 08:07 - Chia sẻ
Ô nhiễm môi trường do phát thải từ phương tiện giao thông đang trở thành vấn đề đáng báo động, đe dọa chất lượng cuộc sống người dân tại các đô thị lớn, đặc biệt như TP Hồ Chí Minh. Trước thực trạng đó, Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục lấy ý kiến Sở Tài nguyên - Môi trường để đề xuất UBND thành phố xây dựng đề án kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe gắn máy và triển khai thu phí ô nhiễm môi trường.

Nguyên nhân chính gây ô nhiễm

Theo Trung tâm Quan trắc môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, kết quả quan trắc 30 vị trí môi trường trên địa bàn trong tháng 9.2019 cho thấy có sự gia tăng đột biến của các chất ô nhiễm như bụi lơ lửng, NO2, SO2, CO… Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí đến từ 3 nguồn chính là hoạt động giao thông, hoạt động công nghiệp và xây dựng, trong đó, ô nhiễm từ giao thông là lớn nhất, chiếm 45% tổng lượng phát thải.

Hiện TP Hồ Chí Minh có gần 8 triệu phương tiện, trong đó có trên 7,1 triệu xe mô tô, gắn máy. Nhiều phương tiện cá nhân không thực hiện nghiêm túc chế độ bảo dưỡng định kỳ là nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ra môi trường với mức độ độc hại ngày càng lớn. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố hiện vẫn tồn tại 37 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông gây ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là vào các khoảng thời gian đi làm và tan tầm của người dân. Không khó để ghi nhận vào giờ cao điểm, tại các ngã tư, nút giao thông lớn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, hàng nghìn phương tiện nổ máy khiến cho không khí tại các khu vực này luôn ngột ngạt, bức bối.

Với tốc độ tăng xe máy trên địa bàn TP Hồ Chí Minh từ 10% - 15%/năm, mức gây ô nhiễm môi trường càng nặng nề hơn. Cộng với những xe đã qua nhiều năm sử dụng, cũ nát, có chất lượng khí thải kém dần..., tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố tiếp tục gia tăng. Lượng xe máy chiếm 95% phương tiện giao thông, chỉ tiêu thụ 56% lượng xăng nhưng lại thải ra 94% khí HC, 87% CO và 57% NOx trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới.


Báo động tình trạng ô nhiễm môi trường từ phương tiện giao thông cũ, lạc hậu
Nguồn: ITN

Cục Đăng kiểm Việt Nam vừa thực hiện 2 đợt kiểm tra khí thải miễn phí cho mô tô, xe máy tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Cục Đăng kiểm Việt Nam còn lập mô hình thí điểm kiểm tra khí thải những loại xe này tại các đại lý bán xe ở 2 địa phương nêu trên. Theo đó, cơ quan này đang xây dựng dự thảo sửa đổi Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6438, quy định về mức khí thải cho phép của các loại xe, cũng như thống kê và nghiên cứu để đưa ra mức tiêu chuẩn khí thải phù hợp với môtô, xe máy đang lưu hành. Những tiêu chuẩn này sẽ là cơ sở kỹ thuật để các địa phương có thể triển khai, áp dụng quy định kiểm soát khí thải mô tô, xe máy theo điều kiện thực tế trên địa bàn.

Cần có lộ trình thực hiện

Để giảm khí thải trong các hoạt động giao thông vận tải trên địa bàn, Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh đã và đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cùng các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch thí điểm kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe máy tham gia giao thông. Sở Giao thông - Vận tải cũng nêu rõ đề án sẽ có nhiều nội dung, như xây dựng, ban hành bộ tiêu chuẩn địa phương về khí thải mô tô, xe máy cũng như các cơ chế, chính sách và lộ trình thực hiện. Đáng chú ý, với những xe máy cũ gây ô nhiễm sẽ có các biện pháp như thu hồi, phân vùng những xe đạt chuẩn khí thải lưu thông... Ngoài ra, trong việc kiểm soát, Sở cũng sẽ xây dựng, ban hành các chính sách về thuế, giá dịch vụ để phục vụ việc xã hội hóa hoạt động kiểm định, đáp ứng nhu cầu kiểm soát khí thải.

Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh PGS.TS. Nguyễn Đình Tuấn khẳng định, ô nhiễm môi trường do phát thải từ phương tiện giao thông đang trở thành vấn đề đáng báo động, đe dọa chất lượng cuộc sống người dân tại các đô thị lớn, đặc biệt như TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, rất cần sự vào cuộc của các ngành chức năng, các cơ quan quản lý trong việc kiểm soát và khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, phương tiện sử dụng nguyên liệu sạch. Ngoài ra, cũng cần có những chế tài xử phạt đối với những phương tiện vi phạm quy định về lượng khí phát thải. Đối với việc giảm khí thải trong hoạt động giao thông thì giải pháp kiểm soát khí thải xe máy cần phải được tiến hành ngay. Song song với đó là việc phát triển phương tiện công cộng và kêu gọi sử dụng năng lượng sạch. Giải quyết được 3 yếu tố này, thành phố sẽ có hy vọng giảm được ô nhiễm không khí nói riêng và ô nhiễm môi trường nói chung. Đồng quan điểm này, Chủ tịch Hội Không khí sạch Việt Nam TS. Hoàng Dương Tùng, cũng cho biết, bên cạnh các giải pháp hạn chế xe cá nhân, sử dụng nhiên liệu sạch…, TP Hồ Chí Minh cần cấp bách triển khai việc kiểm soát khí thải xe máy.

Bên cạnh đó, các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cũng nhìn nhận, để việc kiểm soát khí thải xe máy phát huy hiệu quả thì nhất thiết phải siết chặt việc thực thi - tức phải xử nghiêm cán bộ “bỏ qua” cho các xe máy vi phạm khi lưu thông trên đường, bởi có rất nhiều quy định ban hành nhưng do việc thực thi không nghiêm khắc đã khiến nhiều người nhờn luật.

Lan Chi