An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập

Xây dựng quy hoạch tổng thể cho từng giai đoạn

- Chủ Nhật, 05/07/2020, 08:09 - Chia sẻ
Trước thực trạng các hồ, đập chứa nước có nguy cơ mất an toàn cao, trong khi biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, đây là những“quả bom nổ chậm”, khi xảy ra sự cố thì hậu quả thiệt hại sẽ vô cùng nặng nề. Vì vậy, các địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, nơi Đoàn vừa có chuyến khảo sát phải sớm xây dựng quy hoạch tổng thể, chi tiết về thủy lợi, an toàn hồ đập, an ninh nguồn nước cho từng giai đoạn.

Cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nguồn nước

Từ thực tế làm việc, khảo sát về an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, các thành viên Đoàn công tác của Quốc hội cho rằng, với hệ thống sông chính và số lượng hệ thống công trình thủy lợi dày đặc thì cả 3 địa phương đều đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng nguồn nước trong sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Tuy nhiên, báo cáo của UBND các địa phương này cũng cho thấy, cả Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đang đứng trước nhiều khó khăn liên quan đến vấn đề an ninh nguồn nước. Qua trực tiếp khảo sát tại một số công trình trên địa bàn, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận thấy, mặc dù về lượng nước, các địa phương đều có thể tự cân đối nhưng vẫn còn tình trạng “thừa vẫn thừa mà thiếu vẫn thiếu” - lũ vào mùa mưa và thiếu nước vào mùa khô. Nhiều hồ chứa hiện đang ở mực nước chết khiến năng lực tưới bị hạn chế, dẫn đến còn nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp không đủ nước tưới. Về nguồn nước sinh hoạt hiện mới cơ bản đáp ứng nhu cầu của khu vực đô thị, còn lại tỷ lệ sử dụng nguồn nước bảo đảm an toàn tại khu vực nông thôn, miền núi còn thấp, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người dân.

Bằng chứng là tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn quốc gia còn khá thấp, như Thanh Hóa mới đạt 54,7%, Hà Tĩnh là 50,2%. Hay với Nghệ An, đến hết năm 2019, dù đã đưa 510 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung vào hoạt động, thì cũng có đến 218 công trình hoạt động không bền vững, 136 công trình tương đối bền vững và chỉ có 29 công trình hoạt động bền vững.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Đoàn công tác khảo sát hệ thống thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, tỉnh Hà Tĩnh  

Ảnh: Trung Thành 

Bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân

Một trong những băn khoăn lớn nhất của Đoàn công tác, đó là vấn đề an toàn hồ, đập tại 3 địa phương với hiện trạng nhiều công trình bị hư hỏng nhưng chưa được sửa chữa kịp thời. Với Thanh Hóa, trong số 297/610 hồ chưa được sửa chữa, nâng cấp thì có đến 78 hồ bị hư hỏng, khả năng gây mất an toàn ngay trong mùa mưa lũ 2020 này. Còn Hà Tĩnh thì phần lớn hồ chứa được xây dựng cách đây đã 40 - 50 năm, nên nhiều công trình có nguy cơ mất an toàn cao, với 90 hồ chứa bị hư hỏng, trong đó có đến 57 hồ chứa có nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ…

Trước thực trạng các hồ, đập chứa nước có nguy cơ mất an toàn cao, trong khi tình hình biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, đặc biệt là hiện tượng mưa lũ ngày càng bất thường, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, vấn đề mất an toàn hồ, đập tại các địa phương như những “quả bom nổ chậm”, mà khi xảy ra sự cố thì hậu quả thiệt hại sẽ vô cùng nặng nề. Một ví dụ thực tế, đó là việc đập thủy lợi Đầm Thìn (xã Cấp Dẫn, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) bất ngờ bị vỡ đã khiến nhiều hộ dân phải sơ tán khẩn cấp, nhiều diện tích hoa màu và ao cá của người dân bị thiệt hại. Dẫn ra ví dụ này, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập luôn được Quốc hội và các đại biểu Quốc hội quan tâm, vì ảnh hưởng trực tiếp của nó đến đời sống, tài sản, thậm chí là sinh mạng của người dân.

Mặc dù hàng năm, kinh phí các địa phương dành cho việc tu sửa công trình để bảo đảm an toàn hồ chứa, nhưng do số lượng nhiều, thiên tai, bão lũ lại xảy ra thường xuyên nên chưa thể đáp ứng được hết các nhu cầu. Do đó, để bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ năm nay, Phó Chủ tịch Quốc hội  đề nghị, chính quyền và cơ quan chức năng cần thường xuyên bố trí lực lượng túc trực tại các hồ chứa để phát hiện, báo cáo kịp thời các sự cố có thể xảy ra và tổ chức ứng cứu kịp thời. Các đơn vị, các địa phương quản lý hồ chứa nước cần nâng cao năng lực quản lý, vận hành, bảo đảm kỹ thuật, đồng thời phải linh hoạt, chủ động, nhằm bảo đảm tối đa sự an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, giảm thiệt hại ở mức thấp nhất.

Thực tế cũng cho thấy, hiện nhiều địa phương đang giao cho xã quản lý nhiều hồ, đập lớn, trong khi đó với năng lực và nguồn lực của mình, cấp xã khó có thể đảm trách nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho các hồ, đập lớn như vậy. Đấy là chưa kể hiện mới chỉ có một số hồ được kiểm định, có quy trình thực hiện và vận hành. Trước hiện trạng này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị cần nghiên cứu sớm ban hành cơ chế phối hợp với từng chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện, trong đó quy định rõ trách nhiệm trong việc thông tin, vận hành, giám sát, điều tiết, xả lũ. Và với tầm nhìn xa hơn, phải sớm xây dựng quy hoạch tổng thể, chi tiết về thủy lợi, an toàn hồ đập, an ninh nguồn nước cho từng giai đoạn. Có như vậy, an toàn hồ, đập mới không là mối lo trở đi trở lại của người dân mỗi khi mùa mưa lũ. 

Trung Thành