Xây dựng văn hóa Sở Hữu trí tuệ

- Thứ Ba, 07/07/2020, 23:42 - Chia sẻ
Tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày này đã vượt qua khỏi việc bảo hộ một cách đơn thuần các sáng tạo trí tuệ, trở thành một lĩnh vực vô cùng năng động, đã và đang tác động tới mọi mặt của đời sống văn hóa và xã hội. Nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, nhu cầu phát triển khoa học, cộng nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng tăng thì việc nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ là vô cùng quan trọng.
Toàn cảnh buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ với Cục Sở hữu trí tuệ
Toàn cảnh buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ với Cục Sở hữu trí tuệ

Hoàn thiện cơ chế phát triển kinh tế - xã hội

Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ vừa qua, Cục trưởng Cục Sở Hữu trí tuệ (SHTT), Đinh Hữu Phí cho biết, Cục đã phối hợp với các cơ quan của Bộ Công thương xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật SHTT để trình Quốc hội thông qua vào ngày 14.6.2019; triển khai xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật SHTT để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, nội luật hóa các cam kết quốc tế và giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn áp dụng; đặc biệt, đã hoàn thành việc xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược SHTT đến năm 2030.

Cục cũng triển khai nhiều nhiệm vụ/hoạt động cụ thể để đưa SHTT trở thành công cụ phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể đã cấp 9 GCN đăng ký CDĐL và 280 GCN đăng ký nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm đặc thù của địa phương trong năm 2019; triển khai Dự án “Xây dựng biểu trưng CDĐL quốc gia”; đẩy mạnh bảo hộ quyền SHTT cho các sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tích cực tham gia Chương trình thương hiệu quốc gia, các Chương trình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chủ lực quốc gia, ngành và địa phương và triển khai Dự án Xây dựng Mạng lưới các Trung tâm phát triển tài sản trí tuệ tại các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp (IP-HUB/TISC).

Trong quan hệ quốc tế, Cục đã tham gia tích cực vào các diễn đàn, tổ chức quốc tế có nội dung hợp tác về SHTT như APEC, ASEAN, WTO và Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) và đàm phán nội dung SHTT trong các Hiệp định thương mại quốc tế (CPTPP, EVFTA, v.v.). Đến nay, Cục có quan hệ hợp tác chặt chẽ với WIPO, với Cơ quan SHTT của các nước ASEAN. Cục có Thỏa thuận hợp tác về SHTT với các Cơ quan SHTT của cả 5 nước thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và Nhóm 5 Cơ quan SHTT lớn nhất thế giới (Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc), cũng như các nước đối tác truyền thống như Nga, Pháp, Lào, Cu-ba, v.v. và tất cả các nước trong khu vực ASEAN. Đặc biệt, Việt Nam đã được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Đại hội đồng WIPO nhiệm kỳ 2018-2019 và đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Nhóm công tác về Hợp tác SHTT các nước ASEAN.

Hỗ trợ tối đa doanh nghiệp sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ trong kinh doanh
Hỗ trợ tối đa doanh nghiệp sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ trong kinh doanh. Nguồn: ITN

Hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ

Chúng ta có thể ghi nhận khái niệm về “bản quyền” hay quyền sở hữu trí tuệ đã có từ thế kỷ 17 ở nước Anh với luật bảo vệ những tác phẩm sáng tạo của văn sỹ, nghệ sỹ, ca sỹ và sau này là các nhà làm phim và chuyên gia viết phần mềm. Các nghệ sỹ và người sáng tác cần phải được hưởng thành quả lao động của mình trong một khoảng thời gian nhất định và sau đó thì những thành quả này sẽ thuộc về toàn thể xã hội. Xã hội được lợi bởi quy định này sẽ khuyến khích sáng tạo và tạo ra những sản phẩm văn hóa phong phú đa dạng cho mọi người. Có thể nói rằng bảo hộ bản quyền là điều cần thiết để đảm bảo sự sáng tạo trong xã hội.

Để tối đa hóa quyền lợi của cả xã hội, việc hình thành văn hóa bảo hộ sở hữu trí tuệ là vô cùng quan trọng. Thông qua công tác hoàn thiện cơ chế, nâng cao năng lực thực thi quyền SHTT cũng như triển khai các chương trình, dự án của Nhà nước đã góp phần thúc đẩy các hoạt động phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ đó, dần hoàn thiện văn hóa sở hữu trí tuệ trong cộng đồng.

Trong giai đoạn 2010-2020, Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đã hỗ trợ bảo hộ SHTT cho 118 sản phẩm chủ lực của các địa phương; hỗ trợ, tư vấn thành lập 63 tổ chức tập thể kiểm soát, quản lý sản phẩm được bảo hộ; tập huấn về SHTT cho 37.000 lượt người; đào tạo cho trên 10.000 lượt người; hỗ trợ 5.000 số phát sóng trên đài truyền hình TW và địa phương; hỗ trợ đăng ký bảo hộ 50 sáng chế cho người Việt Nam… 

Theo thống kê của Cục Sở Hữu trí tuệ, lượng đơn đăng ký SHTT được xử lý trong năm 2019 tăng 51,7% so với năm 2018, trong đó, nhãn hiệu quốc gia tăng 67%, sáng chế tăng 48,7%. Số văn bằng bảo hộ SHCN cấp ra năm 2019 tăng trên 40% so với năm 2018. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhưng lượng đơn xử lý được trong 5 tháng đầu năm 2020 đạt 26.036 (tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2019); số văn bằng bảo hộ SHCN cấp tăng 18,1%, trong đó số Bằng độc quyền sáng chế tăng 56,7%.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19, nhưng lượng đơn xử lý được trong 5 tháng đầu năm 2020 đạt 26.036 đơn (tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2019); số văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp được cấp tăng 18,1%, trong đó số bằng độc quyền sáng chế tăng 56,7%” – ông Đinh Hữu Phí chia sẻ.

Có thể thấy, phát triển tài sản trí tuệ đang được người dân và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn. Nhiều địa phương đã coi sở hữu trí tuệ (SHTT) là công cụ hữu hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của địa phương.

Tuy nhiên, một số cá nhân, doanh nghiệp chưa nhận thức được đầy đủ lợi ích, giá trị của việc xác lập, bảo hộ tài sản trí tuệ, cho nên chưa quan tâm tạo dựng, phát triển tài sản trí tuệ để gây dựng thương hiệu sản phẩm. Nhiều tài sản trí tuệ của các địa phương chưa khai thác được hết giá trị, thậm chí một số tài sản trí tuệ không duy trì sản xuất hoặc không đóng phí gia hạn văn bằng bảo hộ dẫn đến bị hủy bỏ hiệu lực bảo hộ. 

Để đưa SHTT thực sự trở thành công cụ phục vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng như phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh yêu cầu Cục SHTT và các đơn vị có liên quan khẩn trương xây dựng Kế hoạch xây dựng Luật SHTT (sửa đổi), khẩn trương triển khai các nội dung của Chiến lược SHTT để đạt được các mục tiêu đề ra, cũng như nghiên cứu các biện pháp rút ngắn thời gian xử lý đơn SHCN.

Ngoài ra, Bộ trưởng lưu ý, nhiều chính sách vĩ mô của đất nước đang thay đổi, sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động của Cục, Cục cần xác định rõ nhiệm vụ trong thời gian tới, đặc biệt là việc đổi mới hoạt động bộ máy cho phù hợp với chính sách chung của đất nước. Tăng cường trang thiết bị CNTT, cơ sở hạ tầng để phục vụ tốt nhất yêu cầu của công việc.

Đồng thời, Bộ trưởng yêu cầu Cục nghiên cứu mô hình tổ chức và hoạt động cho phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Đảng về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, cũng như sự thay đổi về cơ chế, chính sách tài chính của Nhà nước.

Xuân Tùng