Xây dựng Yên Bái thành nơi đáng sống

- Thứ Năm, 20/02/2020, 08:28 - Chia sẻ
Đặc biệt ấn tượng trước phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thanh bình, cùng văn hóa truyền thống phong phú và đa dạng của đồng bào các dân tộc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chúc Yên Bái tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, xây dựng tỉnh trở thành vùng đất hạnh phúc và đáng sống.

Khai thác lợi thế, phát triển du lịch

Đến với Tây Bắc đầu Xuân Canh Tý 2020, những bông hoa Tớ dày (hoa đào rừng) với năm cánh hồng, nhụy dài đỏ rực rỡ, đặc trưng của núi rừng Tây Bắc ở Mù Cang Chải, Yên Bái, đã làm tan biến mỏi mệt của chặng đường dài quanh co, đèo dốc.

Là huyện vùng cao, đặc biệt khó khăn, nằm ở phía Tây tỉnh Yên Bái, ở độ cao trung bình trên 1.000m so với mực nước biển, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải Vũ Tiến Đức cho biết, nhờ chính sách ưu đãi đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, huyện đã và đang thu hút các dự án đầu tư khu du lịch, nghỉ dưỡng, khách sạn, làng văn hóa du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm dù lượn… Cùng với đó là thu hút các dự án trồng và chế biến dược liệu, gỗ, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện như chè, mật ong, gạo nếp, gạo Séng Cù, sơn tra, thảo quả, đảng sâm, sâm đá, ba kích… theo chuỗi giá trị, xanh, sạch.


Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy cùng các đại biểu thăm mô hình homestay của ông Giàng A Sàng tại xã Nậm Cắt, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái 
Ảnh: Trần Văn

Các đại biểu Quốc hội chia sẻ niềm vui khi khám phá Mù Cang Chải Ecolodge do ông Giàng A Sàng làm chủ. Cách đây 2 năm, ông đã cùng con cháu lập ra homestay này với dăm nếp nhà sàn để phục vụ du khách. Ông cho biết việc kinh doanh du lịch khó hơn làm ruộng nhưng nay đã tương đối ổn định, khách đến thường xuyên, chủ yếu là khách Âu - Mỹ, với giá phòng không hề rẻ, 70 USD/đêm ở nhà sàn mái gỗ pơ-mu truyền thống của người Mông. Riêng ở thị trấn đã có 34 hộ làm dịch vụ homestay, tập trung tại “Bản Thái” với nhiều hoạt động phong phú, thu hút rất đông du khách.

Chúng tôi nghĩ rằng, chính những “tế bào” kinh tế như thế này cần được nâng niu, nhân rộng ở cơ sở, tạo sự lan tỏa ra cộng đồng để cùng phát triển trên nền tảng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch chỉn chu, khoa học, hợp lý cho từng giai đoạn của địa phương. Đó cũng chính là hướng đi cho kinh tế vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trên cơ sở thay đổi nhận thức về sản xuất nông, lâm nghiệp, thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, xóa bỏ tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà đã báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và các đại biểu Quốc hội cùng đi.

Đưa chúng tôi đi thăm danh thắng cấp quốc gia ruộng bậc thang, kỳ tích hàng trăm năm khai phá của đồng bào Mông, anh Hảng Xáy Chông, Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn cho biết, nhờ phát triển du lịch, bà con đã bớt nghèo và không còn đói. Vào mùa lúa chín, hàng trăm nghìn du khách đổ về đây chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang xếp tầng, xếp lớp trải vàng khắp các sườn núi.

Trước đó, Đoàn đã ghé qua thị xã Nghĩa Lộ với cánh đồng Mường Lò nổi tiếng, nơi có nghệ thuật xòe Thái đang được đề nghị UNESCO đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đứng từ khu du lịch Dragonfly (Con chuồn chuồn) đang được đầu tư xây dựng, trải mắt ra cánh đồng Mường Lò, xa xa là dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, trào dâng cảm giác tự hào.

Tạo đột phá về hạ tầng giao thông

Trên đường tới Mù Cang Chải, trước khi vượt đèo Khau Phạ, một trong “tứ đại đỉnh đèo” của nước ta, nơi có khu du lịch mạo hiểm dù lượn đẹp nhất Việt Nam, chúng tôi dừng chân tại Resort Le Champ ở xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, nổi tiếng với “nếp Tú Lệ” đặc sản, thương hiệu tập thể đã được cấp giấy chứng nhận bảo hộ độc quyền. Đây là cơ sở lưu trú mới được đầu tư theo hướng hiện đại để phục vụ du khách trong và ngoài nước tới thưởng ngoạn phong cảnh núi rừng Tây Bắc và thưởng thức các món đặc sản của đồng bào các dân tộc nơi đây, như cá chép nướng (Pa Pỉnh Tộp), thịt trâu nướng hạt sẻn, măng ngọt tươi luộc chấm chẩm chéo, rượu thóc men lá truyền thống Bách Chi…

Việc phát triển các cơ sở lưu trú hiện đại bên cạnh các homestay xinh xắn của bà con chính nhằm đáp ứng lượng du khách đổ về ngày càng tăng. Anh Mai Mộng Tuân, Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết, vào dịp lễ hội, Quốc lộ 32 chật cứng phương tiện giao thông, thường xuyên ùn tắc. Do đó, bà con các dân tộc Yên Bái mong muốn sớm được khởi công và hoàn thành hai tuyến đường 279 và Quốc lộ 32 đoạn nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai với Than Uyên và Nghĩa Lộ tương ứng, để mở ra hướng tiếp cận địa bàn từ hai hướng, tạo bước đột phá về hạ tầng giao thông cho các huyện vùng cao Tây Bắc Yên Bái.

Xông đất đầu năm mới, hòa mình với du khách, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ rất vui mừng trước sự phát triển vượt bậc của tỉnh Yên Bái, trong đó có các huyện Mù Cang Chải, Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ, mà các đại biểu Quốc hội đến thăm lần này. Phó Chủ tịch Quốc hội biểu dương các thành quả phát triển kinh tế, thu ngân sách, xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo của địa phương. Phó Chủ tịch Quốc hội tin tưởng, tới đây, khi cụ thể hóa Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, một nghị quyết được đánh giá có ý nghĩa lịch sử được Quốc hội ban hành năm 2019, cũng như nhiều tỉnh miền núi khác trên khắp cả nước, Yên Bái sẽ được quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu, chính sách đặc thù trong bảo vệ và phát triển rừng, hỗ trợ sản xuất...

Đặc biệt ấn tượng trước phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thanh bình, cùng văn hóa truyền thống phong phú và đa dạng của đồng bào các dân tộc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chúc Yên Bái tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, xây dựng tỉnh trở thành vùng đất hạnh phúc và đáng song.

Trần Văn - ĐBQH Khóa XII, XIII