Xóa nỗi lo về thực thi chính sách

- Thứ Hai, 10/08/2020, 06:54 - Chia sẻ
Hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành Phiên họp thứ 47 mà không tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn như kế hoạch ban đầu do sự bùng phát trở lại và diễn biến hết sức phức tạp của dịch Covid-19 những ngày gần đây. Dẫu vậy, điều này vẫn khiến cử tri không khỏi tiếc nuối bởi những nội dung dự kiến được đưa ra chất vấn đang là vấn đề nóng hổi hiện nay, đặc biệt là các nhóm vấn đề về ban hành và thực hiện các chính sách hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế do tác động của dịch bệnh Covid-19; việc thực hiện chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19...

Với nguồn lực có hạn, thu ngân sách giảm rất mạnh do tác động của dịch Covid-19 nhưng từ đầu năm đến nay, Nhà nước đã ban hàng hàng loạt chính sách hỗ trợ về tài khóa (thông qua việc giãn, hoãn thuế) và hỗ trợ về chính sách tiền tệ (như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, thúc đẩy đầu tư công...) nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động và nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt. Có những gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ như gói 62 nghìn tỷ đồng hỗ trợ an sinh xã hội cho khoảng 20 triệu người dân bị ảnh hưởng trực tiếp, giảm sâu thu nhập do tác động của dịch Covid-19.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Hoàng Quang Hàm cho biết, Chính phủ đã có rất nhiều Tờ trình về chính sách tài khóa. Các chính sách này, kể cả những đề xuất chưa có quy định của pháp luật, phải trình Quốc hội xem xét, quyết định thì các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội đều xem xét rất nhanh. Có những chính sách Chính phủ trình thì chỉ sau 1 ngày, Ủy ban của Quốc hội đã thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua ngay. “Chưa có một chính sách nào Chính phủ trình trong giai đoạn chống Covid-19 bị ách tắc”, ông Hàm khẳng định.

Phản ứng chính sách của Chính phủ, Quốc hội trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và phục hồi kinh tế trước tác động của dịch Covid - 19 trong giai đoạn vừa qua được giới chuyên gia đánh giá là kịp thời, đúng hướng. Dù vậy, hiệu quả thực tế của các chính sách hỗ trợ đến đâu lại là câu chuyện khác.

Cho đến giữa tháng 7 vừa qua, với gói chính sách an sinh xã hội - có thể nói là gói cấp bách nhất, phải triển khai nhanh nhất bởi nó liên quan đến cuộc sống tối thiểu của người dân trong đại dịch - nhưng vẫn có những địa phương chỉ triển khai được chính sách đến người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội - hẹp hơn nhiều so với đối tượng thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết 42 của Chính phủ. Các chính sách tài khóa, tiền tệ cũng tương tự như vậy. Cộng đồng doanh nghiệp phản ánh nhiều khó khăn khi tiếp cận với các chính sách hỗ trợ, trong đó, có những chính sách hỗ trợ có điều kiện tiếp cận rất cao hoặc các thủ tục kèm theo rất phức tạp, ngặt nghèo, vô hình trung trở thành rào cản khiến họ nản lòng. Tất nhiên, không phải các chính sách đều chậm đi vào cuộc sống. Những dấu hiệu phục hồi tích cực của kinh tế trong tháng 6, 7 đã cho thấy phần nào hiệu quả của các chính sách này. Nhưng rõ ràng, khoảng cách từ chính sách đến cuộc sống vẫn còn khá lớn. Thực thi chính sách vẫn là khâu yếu và từ đây, có thể làm suy giảm hiệu quả thực tế của các chính sách, khiến nguồn lực nhà nước không phát huy được tối đa như mong muốn.

Đại dịch Covid - 19 bất ngờ quay trở lại và diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong cả nước từ giữa tháng 7 đến nay khiến những thách thức trong việc thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa chống dịch, vừa duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội, không để xảy ra tình trạng “đứt gãy” của nền kinh tế càng trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Các dự báo được đưa ra gần đây về tương lai của kinh tế thế giới và khu vực đều mang màu sắc ảm đạm và bất định. Việt Nam dù được dự báo sẽ vẫn có khả năng đạt tốc độ tăng trưởng thực dương trong năm nay nhưng những tác động nghiêm trọng của đại dịch toàn cầu này cũng đang bào mòn nhiều thành quả mà chúng ta - bao gồm cả Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và người dân - đã vun đắp trong những năm qua.

Những ngày gần đây, giới chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp đã liên tục đặt vấn đề về các chính sách mới để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. Dù phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể tiến hành như kế hoạch, thì ở thời điểm này, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương vẫn phải rà soát, đánh giá tổng thể hiệu quả của các chính sách hỗ trợ vừa qua, đặc biệt là phải làm rõ vì sao có những chính sách lại chậm đi vào cuộc sống, chậm do khâu nào, ở đâu.

Các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội cũng cần giám sát và đánh giá hiệu quả thực tế của các chính sách này như thế nào. Nguồn lực quốc gia có hạn buộc Chính phủ, Quốc hội phải đo đếm, cân nhắc thận trọng từng chính sách. Dù tới đây, Nhà nước có quyết định thực hiện thêm gói chính sách mới nào để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân hay không thì cũng phải xóa được nỗi lo mang tên “thực thi chính sách”.

Nguyễn Bình