Bảo đảm sức khỏe người lái xe:

Xử lý chưa nghiêm

- Thứ Sáu, 03/07/2020, 06:53 - Chia sẻ
Liên quan đến việc bảo đảm sức khỏe người lái xe, tránh tình trạng an toàn phương tiện và hành khách chủ yếu phụ thuộc vào sự chủ quan của người lái đã có nhiều văn bản quy định cụ thể về vấn đề này. Song việc thực hiện chỉ mang tính chất đối phó, hình thức; và khi phát hiện doanh nghiệp vi phạm thì việc xử lý cũng chưa được nghiêm túc.

Tìm cách lách luật

Xác định rõ sức khỏe của người lái xe là yếu tố quan trọng để bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ tài sản của doanh nghiệp, khách hàng và người lao động, các văn bản pháp luật đã quy định nghiêm ngặt hơn về số giờ làm việc liên tục, các thủ tục kiểm tra, giám sát sức khỏe, sự tập trung, tỉnh táo. Theo đó, Khoản 1, Điều 65 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ. Nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng theo quy định tại Điểm d, Khoản 6, Điều 23 Nghị định 46/2016/NĐ-CP. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.

Nhiều giải pháp bảo đảm sức khỏe cho người lái xe
Nguồn: ITN

Ngoài ra, Thông tư liên tịch 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái cũng nêu rõ, việc khám sức khỏe định kỳ đối với lái xe là người lao động được thưc hiện theo quy định của pháp luật về lao động. Theo đó, Điều 21 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định, hàng năm người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất 1 lần đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người chưa thành niên, lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 6 tháng/lần để kịp thời xử lý những trường hợp mắc bệnh mãn tính hoặc bệnh đột xuất, bảo đảm sức khỏe lái xe.

Tuy nhiên, theo nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh, quy định là vậy, nhưng thực tế lại rất khác. Bởi, rất khó để giám sát một tài xế đường trường xem liệu họ có lái xe dưới 4 tiếng liên tục, không quá 10 tiếng/ngày hay không. Ngay cả khi phương tiện được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thì việc kiểm tra, ngăn chặn cũng không kịp thời do nhiều bất cập thực tiễn từ phía doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, thậm chí từ chính những thủ thuật lách luật, “né” giám sát từ tài xế. Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cũng cho hay, dù trên xe kinh doanh vận tải thường có đồng hồ báo giờ nghỉ sau 4 tiếng làm việc, song rất ít người tuân thủ quy định này, hoặc tìm cách “lách”. Điều này cho thấy, tuy có quy định, nhưng chính bản thân người lái xe chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc nghỉ giữa các ca làm việc, nên chưa tự bảo vệ được sức khỏe bản thân.

Phải thực hiện nghiêm từ công tác tuyên truyền

Hiện tượng tài xế sử dụng chất kích thích, làm việc quá độ dẫn đến không bảo đảm sức khỏe, sự tập trung, gây mất an toàn trên đường luôn là vấn đề nóng trong lĩnh vực vận tải khách và hàng hóa. Trong số những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra thời gian qua, có không ít vụ có liên quan tới việc tài xế ngủ gật, sử dụng rượu bia, ma túy đã gióng lên hồi chuông về ý thức chấp hành các quy định giám sát sức khỏe tài xế. Dù vậy, trong thực tế, vấn đề sức khỏe của người lái xe vẫn chỉ được các doanh nghiệp quan tâm ở mức hình thức. Chính áp lực về thời gian, doanh số đã đặt người tài xế vào một tình huống phải lựa chọn là mất tiền, mất thời gian với việc mất sức khỏe.

Để nâng cao hiệu quả kiểm soát chất lượng khám sức khỏe cho lái xe kinh doanh vận tải, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm soát công tác khám sức khỏe cho lái xe kinh doanh vận tải; kịp thời chấn chỉnh, xử lý ngăn chặn các lái xe vi phạm hoặc không đủ sức khỏe tham gia giao thông gây nguy hiểm cho hành khách và người đi đường.

Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trần Hữu Minh cho rằng, thực trạng chung hiện nay là phần lớn để tự người lao động đánh giá, cảm nhận về sức khỏe của mình mà chưa có bộ phận để hướng dẫn, kiểm tra can thiệp khi cần thiết. Do đó, cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện hệ thống trạm dừng nghỉ không chỉ trên đường cao tốc mà còn ở trên các tuyến quốc lộ, các tuyến huyện lộ, nhằm bảo đảm sức khỏe cho lái xe, giúp tỉnh táo và tập trung cho các chuyến đi tiếp theo ở mức giá hợp lý. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường giám sát kiểm tra, kết hợp với truyền thông để nâng cao nhận thức của lái xe, doanh nghiệp, đặc biệt cần hoàn thiện các quy trình để phòng, chống và chấm dứt việc gây sức ép của chủ doanh nghiệp, chủ phương tiện lên lái xe ở bất cứ hình thức nào.     

Sự việc tài xế đột tử trên đường phố thủ đô vừa qua có thể coi là bài học đắt giá để các doanh nghiệp xem xét lại và quan tâm hơn đến người lao động của mình. Bởi lẽ, nếu tài xế đang chở khách mà bất ngờ gặp sự cố sức khỏe thì hậu quả rất nghiêm trọng. Đã đến lúc các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc, đến nơi đến chốn từ công tác tuyên truyền cho lái xe biết giữ gìn sức khỏe của mình, đến việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe đột xuất. Đặc biệt, cần sát sao hơn với việc kiểm tra định kỳ tài xế về việc có hay không sử dụng các chất kích thích, ma túy. Trường hợp cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất nếu phát hiện có tài xế sử dụng các loại chất này cần xem xét xử phạt, thậm chí rút giấy phép đối với doanh nghiệp chủ quản. Cũng như có những giải pháp động viên người lái khi xảy ra các sự cố, kịp thời phát hiện những lái xe có nhu cầu điều trị.

 

Nhật Phương