Nhịp cầu

Xử lý dứt điểm, khống chế dịch bệnh trong diện hẹp

- Thứ Bảy, 15/02/2020, 07:32 - Chia sẻ
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi tại 747 hộ, 46 xóm của 25 xã thuộc 11 huyện, thị xã; 3 ổ dịch cúm gia cầm tại huyện Quỳnh Lưu và một số ổ dịch lở mồm long móng nhỏ lẻ tại một vài địa phương khiến cử tri và người dân hết sức hoang mang, lo lắng. Theo phản ánh của ông Hồ Khắc Châu (huyện Quỳnh Lưu), gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ với hơn 80 con; sau 1 ngày xuất hiện dịch cúm gia cầm H5N6 tại xã Quỳnh Hồng, đàn vật nuôi của gia đình bỗng có biểu hiện bất thường như bỏ ăn, chết dần với số lượng trên 10 con, số còn lại trong tình trạng ủ rũ… Tương tự, ông Trần Đình Tân cho biết: Gia đình có 600 con vịt, 100 con ngan, trước khi nuôi thả, gia đình đã tiêm vaccine phòng dịch bệnh. Nhưng khi có ổ dịch cúm gia cầm H5N6 xảy ra ngay trong xóm, gia đình đã đề nghị xã tiêm sớm và phun hóa chất tiêu độc khử trùng trong khu vực chuồng trại.

Đại diện UBND tỉnh cho biết: Do nhiều loại mầm bệnh như dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm, lở mồm long móng... đang lưu hành rộng rãi trong đàn vật nuôi và môi trường chăn nuôi; thời tiết thay đổi thất thường làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi; tỷ lệ tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm tại một số địa phương đạt thấp; nhiều hộ chăn nuôi tự ý tái đàn khi chưa được sự cho phép của chính quyền địa phương... Do đó, nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan trong thời gian tới rất cao, đặc biệt là cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng.

Để ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, khống chế dịch trong diện hẹp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu đã ký văn bản chỉ đạo việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định của Luật Thú y, Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT và các văn bản của Trung ương, tỉnh; bố trí kinh phí triển khai các chương trình, kế hoạch quốc gia phòng, chống cúm gia cầm, lở mồm long móng, bệnh dại... Đồng thời, chủ động triển khai giám sát dịch bệnh động vật để phát hiện sớm, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, báo cáo kịp thời, đầy đủ tình hình dịch bệnh từ cấp thôn, xóm, bản đến cấp xã, huyện và tỉnh theo đúng quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, chỉ đạo chính quyền địa phương cấp xã rà soát, thống kê đầy đủ tổng đàn gia súc, gia cầm trong diện phải tiêm phòng; tổ chức tuyên truyền tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống; hướng dẫn chủ chăn nuôi gia súc, gia cầm áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch… “Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với các sở, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ, tổng hợp tình hình bệnh gia súc, gia cầm để kịp thời báo cáo, tham mưu phòng, chống dịch phù hợp, hiệu quả; chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, phối hợp với các địa phương xử lý dịch trong diện hẹp…”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Thực tế, dịch bệnh gia súc, gia cầm đang là vấn đề lo lắng của đông đảo hộ chăn nuôi, người dân Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung. Mong rằng, các ngành chức năng vào cuộc quyết liệt, có giải pháp xử lý hữu hiệu để giảm thiểu sự lây lan, tái bùng phát của dịch.

HẢI PHONG