Xử lý dứt điểm các “điểm đen” ô nhiễm môi trường

- Thứ Ba, 22/10/2019, 08:12 - Chia sẻ
Sau một năm thực hiện Chỉ thị số 19 của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, người dân, các tổ chức trên địa bàn đang từng bước có những chuyển biến về nhận thức và hành động, góp phần tạo nên diện mạo tương lai văn minh, sạch và xanh của thành phố.

Ngày 19.10.2018, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị 19 về triển khai Cuộc vận động “Người dân thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, trong vòng hai năm từ tháng 10.2018 đến tháng 10.2020. Mục tiêu của Cuộc vận động là chấm dứt tình trạng xả rác ra đường và kênh rạch, vốn đã tiếp diễn hàng chục năm nay, gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, tắc hệ thống thoát nước và kênh rạch, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân và hình ảnh của thành phố. Đây là một cuộc vận động sâu sắc và toàn diện, dựa trên truyền thống đoàn kết, sáng tạo của nhân dân thành phố, sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm cao của chính quyền các cấp và sự tham gia mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị.

Lan tỏa hành động không xả rác

Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh, Chỉ thị 19 về thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước” đến nay đã được triển khai hiệu quả, nhận được sự hưởng ứng, đồng lòng thực hiện của đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Tính đến tháng 9.2019 đã có trên 1,3 triệu hộ dân đăng ký tham gia không xả rác bừa bãi. Tỷ lệ các điểm ô nhiễm được kéo giảm, số lượng thùng rác được trang bị ngày càng tăng với gần 33.000 thùng, lắp đặt thêm 8.316 camera an ninh kết hợp với giám sát về chất lượng vệ sinh môi trường đô thị; 100% quận, huyện có hệ thống tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về trật tự, vệ sinh môi trường. Thành phố đã khởi công 1 nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên và đầu tháng 10 này sẽ khởi công 1 nhà máy đốt rác phát điện tương tự. Các quận, huyện đã ghi nhận và giải quyết 99% phản ánh của người dân với khoảng 9.200 ý kiến. Đặc biệt, 517/600 điểm ô nhiễm, điểm đen về rác đã được xử lý.

Điển hình, tại một số nơi như quận 7, người dân chứng kiến sự thay đổi của hai khu vực trước vốn là nơi bỏ rác công cộng, mất vệ sinh, nay đã trở thành những công viên dành cho vui chơi, giải trí, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân, cộng đồng. Đó là công viên trong khu dân cư Savimex, hẻm 1015 Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Thuận và công viên khu dân cư Võ Văn Thơm, phường Tân Phú. Hay như ở UBND phường 6, quận 3 thực hiện mô hình quản gia - dựa trên sự phối kết hợp nhiều đơn vị để tăng cường kiểm tra hiệu quả việc thực hiện Chỉ thị số 19. Bước đầu, mô hình này đã có những chuyển biến tích cực. Tại một số chợ trên địa bàn thành phố, các tiểu thương cũng chuyển sang dùng loại túi đựng hàng tự hủy và vận động người dân mua sắm cùng sử dụng.

Người dân TP Hồ Chí Minh tích cực tham gia cải tạo những “điểm đen” ô nhiễm Nguồn: ITN

Tháng 11.2019, hoàn thành xử lý các điểm đen ô nhiễm

Mới đây, tại Hội nghị giao ban chuyên đề giữa Thường trực Thành ủy và Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh với Thường trực quận ủy, huyện ủy và Thường trực UBND quận, huyện cuối tháng 9.2019 thảo luận việc thực hiện Chỉ thị số 19, các đại biểu đã chỉ rõ, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần lưu ý. Đó là một bộ phận người dân còn chưa có ý thức bảo vệ môi trường và việc thay đổi ý thức, hành vi, thói quen là việc làm cần kiên trì, lâu dài chứ không dễ thay đổi trong ngắn hạn. Trong khi đó, chế tài xử phạt vi phạm hành chính còn bất cập, khó thực hiện. Việc quản lý trật tự vỉa hè, lòng đường chưa được chú trọng; tình trạng lấn chiếm hầm ga, xây nhà và xả thải trực tiếp ra ven sông, kênh, rạch chưa được kiểm tra, xử lý triệt để; việc quản lý lực lượng thu gom rác dân lập chưa chặt chẽ, việc thu gom còn chưa bảo đảm thời gian và tần suất thu gom theo cam kết.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện đồ án quy hoạch xử lý chất thải rắn TP Hồ Chí Minh, đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 để trình Bộ Xây dựng thẩm định. Đồng thời, hướng dẫn chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án đốt rác phát điện; các doanh nghiệp xử lý rác phải nhanh chóng đổi mới công nghệ để bảo đảm tới năm 2020, 50% rác thải sinh hoạt phải được đốt phát điện. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND các quận, huyện trên địa bàn thành phố phải có kế hoạch giải quyết dứt điểm ô nhiễm môi trường và rác thải tại địa phương, duy trì chất lượng vệ sinh tại khu vực sau khi đã được chuyển hóa, có kế hoạch kiểm tra, giám sát thường xuyên nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Khẳng định Chỉ thị số 19 thể hiện đúng lòng dân và thu hút sự tham gia đông đảo của người dân thành phố, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu các quận, huyện còn số điểm đen về rác thải phấn đấu đến tháng 11, phải xử lý xong. Đối với các quận, huyện chưa thực hiện việc chuyển đổi mô hình thu gom vận chuyển rác vào các hợp tác xã cần học tập mô hình của các quận, huyện đã triển khai để hoàn thành việc chuyển đổi theo lộ trình. UBND thành phố rà soát lại và tăng vốn cho vay để chuyển đổi phương tiện vận chuyển rác, phấn đấu đến đầu năm 2020 phải chuyển đổi xong.

Lan Chi