Xử nghiêm để răn đe

- Thứ Tư, 08/07/2020, 05:27 - Chia sẻ
Báo cáo của UBND TP Hà Nội về việc Tổng hợp trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 15 của HĐND thành phố cho biết, tính đến 30.6.2020, có 59 công trình chung cư thương mại đã khắc phục xong và được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, (PCCC), 1 công trình đã dừng thi công, còn 19 công trình tồn tại vi phạm quy định về PCCC, trong đó có 8/19 công trình khó có khả năng khắc phục, phải báo cáo các cấp Bộ, ngành Trung ương cho phép áp dụng các giải pháp, biện pháp thay thế.

Cũng theo UBND TP Hà Nội, với 19 công trình còn tồn tại vi phạm về PCCC, Công an thành phố tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc chủ đầu tư khắc phục các nội dung còn tồn tại, vi phạm. Riêng 8/19 công trình khó có khả năng khắc phục, Cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội đã có văn bản gửi Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Cục C07), Bộ Công An cho phép áp dụng các giải pháp, biện pháp bổ sung thay thế các tồn tại vi phạm quy định về PCCC đối với một số công trình mà chủ đầu tư đã hoàn thành việc xây dựng luận chứng các giải pháp, biện pháp đề nghị Cục C07 để trình thẩm duyệt thiết kế về PCCC theo quy định.

Với những công trình khó có khả năng khắc phục thì sẽ giải quyết như thế nào? Ai là người phải chịu trách nhiệm về những công trình này? Đương nhiên, trách nhiệm thuộc về người buông lỏng quản lý. Bởi nếu các lực lượng chức năng làm tốt khâu kiểm tra, giám sát ngay từ đầu, chắc chắn sẽ không còn những công trình vi phạm mà “khó có khả năng khắc phục”.

Đối với các chủ đầu tư cố tình chây ỳ, không khắc phục, Công an thành phố đã chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát Điều tra thu thập hồ sơ, tài liệu để nghiên cứu, xử lý hình sự đối với 7 trường hợp. Tuy nhiên, qua quá trình điều tra do chưa đủ căn cứ xác định dấu hiệu tội phạm, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố đã Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết nguồn tin về tội phạm đối với 7 trường hợp này. Vậy, đối với 7 trường hợp không có dấu hiệu tội phạm, thì các công trình này có vi phạm pháp luật về PCCC không? Nếu có thì vi phạm ở mức độ nào và chế tài xử phạt ra sao? Cử tri mong sớm nhận được câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng.

Tình trạng vi phạm pháp luật về PCCC trong các khu chung cư không còn là câu chuyện của riêng của Hà Nội. Không ít trường hợp khi cháy xảy ra, các lực lượng chức năng vào cuộc mới ngỡ ngàng phát hiện ra công trình có vi phạm quy định về PCCC. Hậu quả để lại trong những trường hợp này là rất lớn. Vụ cháy chung cư Carina ở TP Hồ Chí Minh làm 13 người tử vong, trên 60 người bị thương cùng gần 600 xe bị hư hỏng nặng là bài học đau lòng.

Thực trạng này cũng được báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014 - 2018 chỉ rõ, tính đến tháng 7.2018, cả nước vẫn tồn tại 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.

Trước diễn đàn Quốc hội, ĐBQH Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) đã đặt câu hỏi, tại sao có tình trạng này, là do vi phạm của chủ đầu tư hay do tiêu cực trong kiểm tra, xử lý sai phạm trong công tác PCCC? Điều gì sẽ xảy ra nếu hỏa hoạn tại hàng trăm chung cư, cao ốc đang ẩn chứa nguy cơ an toàn cháy nổ? Thiệt hại từ những vụ cháy nổ là rất lớn, liệu có bao nhiêu cán bộ bị kỷ luật, mất chức hoặc xử lý liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước trong PCCC? Công tác xử lý trách nhiệm về quản lý nhà nước thời gian qua không tương xứng với những tồn tại, vi phạm, sai phạm trong công tác PCCC, đại biểu Cao Thị Xuân thẳng thắn.

Một trong những yêu cầu mà Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC đặt ra đó là, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra PCCC; kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ công trình, dự án đang triển khai có vi phạm pháp luật về phòng cháy cho đến khi khắc phục hoàn toàn các sai phạm. Đặc biệt, phải xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về PCCC và xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật.

Nghị quyết của Quốc hội đã có, trách nhiệm rà soát, kiểm tra, giám sát, và xử lý trách nhiệm những tổ chức, cá nhân sai phạm thuộc về các cơ quan chức năng. Phải xử lý nghiêm hành vi sai phạm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu. Tránh tình trạng hậu quả xảy ra nhưng người đứng đầu có liên quan vẫn “vô can”.

Song Hà