Xứng tầm di sản Việt

- Thứ Ba, 03/12/2019, 07:59 - Chia sẻ
Tính thuần Việt và sự độc đáo có lẽ sẽ giúp đàn bầu khẳng định vị thế xứng tầm di sản. Nhưng theo nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia, câu chuyện đàn bầu còn kể nhiều hơn thế, về sự kế thừa, tiếp nối để giá trị truyền thống thích ứng tốt với đời sống đương đại.

Độc đáo có một không hai

- Ngày 22.11 vừa qua, Hội thảo “Nghệ thuật Đàn bầu Việt Nam - Truyền thống, kế thừa và phát triển” (do Viện Âm nhạc tổ chức) một lần nữa nhấn mạnh: “Đàn bầu là một nhạc cụ độc đáo của người dân Việt Nam”. Theo ông, căn cứ vào đâu có thể khẳng định như vậy?

- Qua căn cứ lịch sử thì tính đến ngày nay, đàn bầu Việt Nam sắp tròn 1.050 tuổi, được nhiều người coi là hồn cốt của dân tộc. Không chỉ bén rễ vào đời sống, đặc sắc ở chỗ đây là cây đàn độc đáo có một không hai, từ hình dáng, cấu tạo, tính năng, cách chơi đến âm thanh đều không giống bất cứ nhạc cụ nào trên thế giới, cho dù nhiều quốc gia cũng có đàn một dây.


Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh lựa chọn đàn bầu để biểu diễn trong phần thi tài năng Hoa hậu thế giới 2017

- Sức sống của đàn bầu gắn với lịch sử, văn hóa dân tộc được thể hiện như thế nào, thưa ông?

- Hơn một thiên niên kỷ tồn tại, đàn bầu đã theo chân nghệ sĩ hát rong đi khắp làng quê, kẻ chợ, đàn hát giúp vui dân sinh. Họ có mặt giữa cánh đồng mùa gặt, giữa phiên chợ quê, trong ngày hội làng, trên bến đò ngang đông khách đò qua lại, hát những lời ca giáo huấn, nỗi đau nhân tình, kiếm sống nuôi thân. Quê tôi, những năm tháng tuổi thơ, tiếng đàn bầu của nghệ sĩ không hành nghề, chỉ chơi đàn cho riêng mình, đã đóng dấu một kí ức không phai về nhạc cụ này. Số là cứ sau bữa cơm cày, về nhà, ông (Cả Thảo) lại ngồi ở đầu hồi, dưới gốc cây khế vừa gảy đàn bầu vừa hát: “Thương thân cây khế nhẻ nhành/ Không cha, không mẹ, ngọn ngành ai hay...” (bài “Cây khế nhẻ nhành”).

Chuyện nghệ sĩ xẩm đi hát rong và chuyện ông Cả Thảo làng tôi ngồi dưới gốc khế chơi đàn, tiêu biểu cho hai giới nghệ sĩ (chuyên và không chuyên) đàn bầu, một là chơi đàn bầu kiếm sống, hai là giải trí. Có lẽ không gian chơi đàn bầu giải trí tĩnh mịch mới thể hiện hết âm thanh tinh tế của nó. Và âm thanh tinh tế, mê hoặc ấy mới lôi cuốn người nghe làm bật lên câu thơ: “Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu” - nghe là sẽ phải lòng người chơi đàn.

- Ông chia sẻ đã bỏ rất nhiều thời gian quan sát kiến trúc đình, đền, miếu; không gian kiến trúc ở cung đình Huế và các hiện vật khai quật ở hoàng thành Thăng Long, nhưng tuyệt nhiên không có bản chạm khắc nào chạm hình đàn bầu và người chơi đàn bầu. Ông lý giải thế nào về hiện tượng này?

- Theo chúng tôi, có thể lý do chính là khả năng phát âm của đàn bầu không đủ mạnh, đủ vang để tham gia các dàn nhạc tế thần, tế thánh, rước sách, nhã nhạc... Vì vậy, sử nhạc ít ỏi không có dòng nào chép về sự có mặt của đàn bầu trong sinh hoạt đình đám, tế lễ cộng đồng và cung đình. Cũng vì vậy, từ những năm đầu thế kỷ XX, nỗ lực cải tiến làm cho tiếng đàn bầu kêu to ngang tầm với các nhạc cụ ti trúc khác đã bắt đầu. Tới năm 1978, trong Nhạc hội đàn bầu lần thứ nhất do Viện Nghiên cứu âm nhạc tổ chức, giới nghiên cứu và người hâm mộ mới có dịp chứng kiến lối chơi đàn bầu diễn tấu. Đó là đàn bầu cải tiến - đàn bầu điện, giúp thể hiện nhiều ngón kỹ thuật mới mẻ, phát huy cao nghệ thuật đàn bầu.

Từ nhạc cụ đệm đến nhạc cụ độc lập

- Ông từng nhận định, câu chuyện về đàn bầu trong đời sống âm nhạc Việt Nam có thể là bài học kinh nghiệm cho nhiều bộ môn nghệ thuật truyền thống?

- Quả thực, các nghệ sĩ đàn bầu đã tạo ra bước ngoặt giúp nó được phổ biến, nâng tầm giá trị. Với thanh âm của đàn bầu cải tiến, các dàn nhạc sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, bài chòi, cải lương, ca kịch Huế - Trị Thiên, dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, dân ca quan họ Bắc Ninh... đã nhanh chóng tiếp thu để có thêm nhạc cụ giai điệu, điều mà trước kia không có. Đồng thời, các nhà soạn nhạc theo phong cách cổ điển, trường phái tiên phong, trường phái nhạc đương đại cũng có thêm nhạc cụ âm sắc thuần Việt tham gia vào tác phẩm. Có thể nói, hiếm có nhạc cụ nào được phổ biến trên diện rộng như đàn bầu, mà có lẽ nếu không chịu cải tiến, đàn bầu vẫn chỉ là những “giọt âm thanh” nhỏ nhẻ, chầm chậm, nhẹ nhàng, chơi như nhạc cụ đệm cho lời xẩm mà thôi.

- Được chơi ở diện rộng, trong nhân dân, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, vào giảng đường đại học… Nhưng quan sát nghệ thuật xẩm bây giờ lại vắng bóng đàn bầu…?

- Đàn bầu xưa gắn với giọng hát của xẩm, không có độc tấu như bây giờ. Gắn với xẩm, nó là nhạc cụ đệm, xẩm hát đến đâu, đàn đến đấy. Rồi đời sống mới, ồn ã hơn, không gian của xẩm biến đổi, âm thanh nhỏ nhẻ của đàn bầu khó có thể “nghe được”. Đàn bầu xẩm mất dần. Tôi nhớ, cách đây hơn 40 năm, tại Nhạc hội đàn bầu toàn quốc lần thứ nhất, còn cụ Thân Đức Chinh vừa gõ, vừa trống, vừa đàn bầu, vừa hát xẩm. Đó dường như là nghệ nhân xẩm tài ba cuối cùng chơi với đàn bầu.

- Nhưng thưa ông, nghệ thuật xẩm vẫn còn, và đàn bầu vẫn đang hiện diện trong các dàn nhạc truyền thống?

- Xẩm bây giờ thực chất là bộ môn nghệ thuật âm nhạc độc lập chứ không phải gắn với bối cảnh sinh hoạt của người hát xẩm như xưa. Và ngày xưa, đàn bầu xẩm có cách thể hiện riêng, đàn kéo (đàn nhị) có cách thể hiện, phương pháp nghệ thuật không giống nhau. Tôi đã nghiên cứu, điền dã để tìm hiểu nhưng tiếc rằng, đàn bầu trình diện theo lối xẩm đã biến mất. Như trên tôi đã nói, nguyên nhân khách quan là đời sống thay đổi, đàn bầu xẩm không còn môi trường để tồn tại. Đặt ngược lại, nếu không cải tiến, đàn bầu chắc đã rơi vào tình trạng mai một.

- Có điều, một cây đàn được coi là hồn cốt của dân tộc, nhiều người trong nước và quốc tế yêu thích, nghiên cứu, nhưng đến nay vẫn chưa được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia?

- Phải ghi nhận công lao của lớp nghệ sĩ thời đại mới đã rất thành công trong việc biến cây đàn bầu từ đệm hát thành độc tấu giàu ngôn ngữ biểu đạt, góp phần đưa đàn bầu từ lũy tre ru đưa cánh cò ra ánh sáng điện lung linh toàn cầu. Quá trình công nhận di sản cần được làm từng bước và Viện Âm nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đang hoàn thiện hồ sơ khoa học. Tôi cho rằng, việc công nhận di sản đàn bầu là vấn đề cần thiết nhằm khẳng định vị thế của cây đàn bầu trong nền văn hóa Việt Nam và thế giới.

- Xin cảm ơn ông!

Thái Minhthực hiện