TỔNG BÍ THƯ, CHỦ TỊCH NƯỚC NGUYỄN PHÚ TRỌNG

Ý Đảng, lòng dân và quyết tâm của Quốc hội

- Thứ Sáu, 01/02/2019, 18:28 - Chia sẻ
Năm 2018, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đất nước ta tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Với hoạt động của nghị trường, chúng ta nhận thấy lan tỏa một không khí dân chủ, đoàn kết, thống nhất theo đúng định hướng của Đảng. Không khí và kết quả ấy thể hiện rõ: “Ý Đảng, lòng Dân và quyết tâm của Quốc hội”. Với cái nhìn điềm tĩnh, sâu sắc cùng những luận giải cả về mặt lý luận và thực tiễn cho những thành quả đạt được, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước NGUYỄN PHÚ TRỌNG đã chia sẻ với Báo Đại biểu Nhân dân trước thềm Xuân mới Kỷ Hợi - 2019.

Dân chủ, kỷ cương, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp

PV: Thưa Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, đất nước ta vừa đi qua năm Mậu Tuất 2018 với đầy ắp các sự kiện và bước vào năm Kỷ Hợi - 2019 với nhiều niềm tin và hy vọng mới. Vào thời điểm giao thoa thiêng liêng này, xin Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước có thể chia sẻ đôi điều về những thành tựu nổi bật của đất nước, của dân tộc trong năm qua?

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước NGUYỄN PHÚ TRỌNG: Nhìn lại năm 2018, có thể thấy, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đất nước ta vẫn tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Đáng chú ý, kinh tế có bước tăng trưởng đáng mừng, đạt hơn 7%. Chúng ta đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức toàn bộ 12 chỉ tiêu cơ bản kế hoạch đề ra, nâng quy mô GDP lên hơn 245 tỉ USD, bình quân đầu người lên khoảng 2.580 USD/người, tăng thêm gần 200 USD so với năm 2017. Chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng duy trì ở mức 3,54%. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; bội chi ngân sách ở mức thấp 3,67% GDP; nợ công có xu hướng giảm. Thị trường tiền tệ ổn định; cán cân thanh toán quốc tế tiếp tục được cải thiện. Xuất khẩu đạt 245 tỉ USD, tăng 13,8% so với năm 2017; xuất siêu gần 7 tỉ USD.


Ảnh: Trí Dũng

Đặc biệt, các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở cả thành thị và nông thôn được cải thiện rõ rệt. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã có gần 40% số xã của cả nước đạt chuẩn, vượt tiến độ đề ra. Các chính sách, chế độ đối với người có công, các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội được quan tâm thực hiện; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm xuống còn 6,8%.

Tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường. Môi trường hòa bình, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh và mở rộng, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích chiến lược của đất nước; củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, tăng cường, nâng cao uy tín và vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ và đạt được những kết quả cụ thể, rõ rệt. Đã ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và nhiều quy định, quy chế về công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém và ngăn chặn tiêu cực. Trong đó, có Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Và điểm mới rất quan trọng là lần này Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên được nâng lên tầm Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành (chứ không phải Bộ Chính trị, hay Ban Bí thư như các Quy định, Quy chế trước), để khẳng định vị trí lớn hơn, thẩm quyền cao hơn và tính chất quan trọng hơn rất nhiều. Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta có quy định yêu cầu đích danh các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải có trách nhiệm nêu gương, theo đó, từng đồng chí phải tự soi, tự sửa để làm gương cho các cấp ủy đảng noi theo. Rõ ràng, nếu như 200 Ủy viên Trung ương Khóa XII, từng đồng chí thật sự soi vào bản thân mình, đề cao trách nhiệm nêu gương và gương mẫu đi đầu thực hiện sẽ có sức lan tỏa rất lớn, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Điều quan trọng hơn, trong nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, đáng mừng trên hầu hết các lĩnh vực, đã để lại những ấn tượng tốt đẹp và cho chúng ta thêm nhiều bài học kinh nghiệm quý, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của nửa đầu nhiệm kỳ Khóa XII; đồng thời tạo đà và động lực mới, khí thế mới cho việc hoàn thành toàn bộ các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2019 và cả 5 năm 2016 - 2020.

PV: Đóng góp vào những thành tựu, kết quả chung của đất nước, hoạt động của Quốc hội được đánh giá là tiếp tục có nhiều cải tiến, đổi mới mạnh mẽ. Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước nhìn nhận như thế nào về chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất trong năm qua?

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước NGUYỄN PHÚ TRỌNG: Kế thừa thành quả và kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, trong năm 2018, Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng ngày càng dân chủ, kỷ cương, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp. Quốc hội đã thảo luận, xem xét, thông qua 16 dự án luật, 7 nghị quyết; cho ý kiến 15 dự án luật (tại Kỳ họp thứ Năm và thứ Sáu). Đây đều là những đạo luật hết sức quan trọng. Trong đó, dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) - một trong những đạo luật được dư luận và cử tri hết sức quan tâm, đã được Quốc hội thông qua sau 3 kỳ họp xem xét kỹ lưỡng, cẩn trọng, cân nhắc mọi khía cạnh của vấn đề. Qua việc xem xét, thông qua đạo luật này đã thể hiện rõ tinh thần: Nội dung nào đã rõ, đã chín, thực tiễn chứng minh là đúng, đạt tới sự thống nhất cao thì Quốc hội thông qua, nội dung nào chưa rõ, chưa chín, chưa được thực tiễn chứng minh là đúng, thì cho làm thí điểm, tổng kết, rồi quyết định sau, không vì một điều mà dừng tất cả Luật lại. Đây là kinh nghiệm cần tiếp tục được phát huy trong hoạt động của Quốc hội thời gian tới.

Quốc hội đã hoàn thành tốt việc kiện toàn chức danh Chủ tịch Nước và một số thành viên Chính phủ; lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, tạo sự đồng thuận, thống nhất, tin tưởng cao trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục có nhiều đổi mới cả về cách thức và chất lượng với những kỷ lục mới về số đại biểu hỏi, tranh luận (trong 3 ngày diễn ra chất vấn tại Kỳ họp thứ Sáu có 135 ĐBQH hỏi chất vấn, có 82 lượt ĐBQH tranh luận). Các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn phải luôn luôn theo dõi, “hỏi nhanh - đáp gọn” ngay lập tức, gần như không có sự chuẩn bị trước. Như tôi đã từng nói tại các cuộc tiếp xúc cử tri, thì đây là những đổi mới rất mạnh, rất dân chủ của Quốc hội.

Điểm hay trong hoạt động nghị trường năm qua, đó là Quốc hội đã xem xét nhiều vấn đề nhạy cảm, đạo luật khó, phức tạp, quan trọng, song không khí trao đổi rất dân chủ, có những vấn đề tranh luận thẳng thắn, “nảy lửa”, nhưng cuối cùng đều đạt tới sự thống nhất rất cao. Đặc biệt, có những nội dung đạt tới sự đồng thuận tuyệt đối của các vị đại biểu Quốc hội. Cụ thể, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan với 100% số các vị đại biểu Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành. Đây là hiệp định tự do thế hệ mới, chất lượng cao, đòi hỏi nhiều mặt, khá toàn diện, mức độ cam kết sâu nhất từ trước đến nay, không chỉ liên quan đến kinh tế, mà còn liên quan đến xã hội, quốc phòng, an ninh, giữ gìn ổn định chính trị.

Việc tham gia và sớm phê chuẩn Hiệp định CPTPP giúp nước ta thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên trường quốc tế.

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, việc Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP cũng được bà con đồng tình, đánh giá cao, đồng thời đề nghị cần tăng cường thông tin, tuyên truyền về Hiệp định CPTPP để người dân nắm rõ. Trong Nghị quyết thông qua, Quốc hội cũng đã giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để phát huy tối đa vai trò quan trọng của Hiệp định đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thực hiện cam kết của Việt Nam trong việc tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng.

Nhìn lại nghị trường trong năm qua, chúng ta thấy lan tỏa một không khí dân chủ, đoàn kết, thống nhất theo đúng định hướng của Đảng. Không khí và kết quả ấy thể hiện rõ: “Ý Đảng, lòng dân và quyết tâm của Quốc hội”. Quốc hội thực hiện đúng vai trò cụ thể hóa đường lối của Đảng đưa vào cuộc sống, giám sát tối cao việc thực hiện có đúng hay không, và kiến nghị sắp tới tiếp tục triển khai như thế nào, đặc biệt phải luôn gắn với dân. Đây là kinh nghiệm và bài học rất lớn trong hoạt động của Quốc hội.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân Thủ đô Hà Nội tối ngày 15.2.2018 (tức 30 Tết năm Đinh Dậu) 
Ảnh: Trí Dũng

Lần đầu tiên sau 32 năm, nước ta có người đứng đầu Đảng đồng thời đứng đầu Nhà nước

PV: Cũng với tinh thần đồng thuận rất cao, gần như tuyệt đối, Quốc hội đã có những quyết đáp chưa có tiền lệ. Một trong số đó là việc Quốc hội bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch Nước. Xin Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước chia sẻ đôi điều về sự kiện này?

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước NGUYỄN PHÚ TRỌNG: Ngay sau khi được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Nước, tại các cuộc tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ Sáu, cử tri dành nhiều tình cảm yêu mến và sự đồng tình, ủng hộ việc Quốc hội bầu Tổng Bí thư giữ chức Chủ tịch Nước. Bà con nói rằng, đây là việc mà ý Đảng rất hợp với lòng dân thông qua quyết đáp đúng đắn của Quốc hội. Tôi rất vui mừng, xúc động và nhận thức rõ, đây không những là vinh dự mà còn là trách nhiệm nặng nề. Tâm trạng ấy đã được tôi giãi bày trong phát biểu nhậm chức trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước. Mong rằng, cử tri và nhân dân luôn luôn đồng lòng nhất trí với Đảng, với Quốc hội và Chính phủ, củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc, để đưa Việt Nam tiếp tục phát triển.

PV: Trong năm qua, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Tiếp đó, tại Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Xin Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước có thể chia sẻ đôi điều về công việc quan trọng này?

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước NGUYỄN PHÚ TRỌNG: Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội là một chủ trương mới, đúng đắn mà Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI về xây dựng Đảng đã đề ra, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, đồng tình, ủng hộ. Quốc hội Khóa XIII, XIV đã 3 lần tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Tại Hội nghị Trung ương 10 Khóa XI (tháng 1.2015), chúng ta đã tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư Khóa XI. Và tại Hội nghị Trung ương 9 Khóa XII, Bộ Chính trị tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư.

Có thể thấy, việc lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và Ban Chấp hành Trung ương đều là nhằm thăm dò tín nhiệm, qua đó giúp những người được lấy phiếu “tự soi”, “tự sửa”, tiếp tục phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện, không ngừng nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm và hiệu quả công tác, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đồng thời giúp Quốc hội, Bộ Chính trị có thêm thông tin để đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Qua kết quả lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và Ban Chấp hành Trung ương, một lần nữa cho thấy, tinh thần trách nhiệm, ý thức xây dựng, thái độ khách quan, công tâm trong việc đánh giá và sự tín nhiệm của Quốc hội, Trung ương đối với những người được lấy phiếu. Kết quả đó còn thể hiện sự đoàn kết, thống nhất cao trong Quốc hội, trong Trung ương.

Đồng tâm nhất trí, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đưa đất nước tiếp tục tiến lên

PV: Nhắc đến những thành tựu, kết quả của năm 2018, nhất là sau Đại hội XII của Đảng đến nay, có lẽ không thể không nhắc đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Đây cũng là chủ đề mà cử tri rất quan tâm tại các cuộc tiếp xúc trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội..., thưa Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước?

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước NGUYỄN PHÚ TRỌNG: Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí là vấn đề lớn mà cử tri và nhân dân hết sức quan tâm. Rất mừng là trong năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách được đẩy mạnh; nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, nhất là các vụ án lớn, nghiêm trọng được phát hiện, điều tra, tiến hành khởi tố, truy tố, xét xử nghiêm minh, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao, đồng tình, ủng hộ.

Sở dĩ tôi dùng hình ảnh “lò đã nóng lên” là vì tất cả bộ máy trong hệ thống cùng vào cuộc. Đảng đề ra đường lối, nhân dân đóng góp ý kiến, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm sát, tòa án, kiểm toán,... phối hợp, làm việc nhịp nhàng. Khâu nào yếu phải chấn chỉnh ngay, “mắt xích” nào hỏng phải thay ngay. Đây là thành công và bài học kinh nghiệm cần tiếp tục phát huy.

Chúng ta có bộ máy như thế, chỉ đạo như thế, lòng dân như thế, cho nên quyết tâm phải làm, bình tĩnh làm từng việc, làm bước này để chắc bước sau. Thực tế cho thấy, làm cùng lúc nhiều việc không làm được ngay, vì đòi hỏi phải có lực lượng, phải làm sao cho “tâm phục, khẩu phục” mới được cử tri và nhân dân đồng tình ủng hộ. Và, tinh thần là không có chuyện chùn lại, chùng xuống hay mệt mỏi, ai cảm thấy nhụt chí thì đứng sang một bên cho người khác làm.

PV: Rõ ràng thành quả đạt được là rất lớn, quan trọng và toàn diện, được cử tri và dư luận nhân dân đồng tình, ủng hộ. Song có lẽ điều cử tri và nhân dân quan tâm, đó là nguyên nhân sâu xa nào đã cho chúng ta những kết quả, thành công đó, thưa Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước?

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước NGUYỄN PHÚ TRỌNG: Có nhiều nguyên nhân. Nhưng có lẽ bao trùm lên tất cả, cần khẳng định rằng, đó là nhờ chúng ta được thừa hưởng những thành tựu to lớn quan trọng, có ý nghĩa lịch sử qua hơn 30 năm đổi mới; những kết quả toàn diện đạt được trong 2 năm 2016 và 2017. Chúng ta có sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, chung sức, chung lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Cả hệ thống chính trị, bao gồm các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và các ngành, các cấp, các đoàn thể đã có nhiều đổi mới, phối kết hợp nhịp nhàng, đồng bộ, bài bản hơn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân, giải quyết kịp thời, đúng đắn, sát hợp và có hiệu quả các vấn đề cuộc sống đặt ra, nhất là các vấn đề quan trọng, nhạy cảm, bức xúc xã hội. Và, đó còn nhờ sự đồng thuận, đồng tình, ủng hộ, cổ vũ, động viên, góp ý kịp thời của cán bộ, đảng viên, các đồng chí lão thành, các tầng lớp nhân dân, các cơ quan thông tin, báo chí,... tạo nên sức mạnh tổng hợp, đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội.

Như tôi vẫn nói, không phải ngẫu nhiên mà một không khí phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang tiếp tục lan tỏa rộng khắp trên cả nước.

PV: Nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước có điều gì gửi gắm với Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp cũng như các đại biểu dân cử trên khắp mọi miền đất nước?

Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước NGUYỄN PHÚ TRỌNG: Năm 2019 là năm thứ 4 - năm chuẩn bị kết thúc của nhiệm kỳ 5 năm, có vị trí rất quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi toàn bộ Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; năm khởi đầu của quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cũng như bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi là cơ bản, chúng ta cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do tác động của tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến phức tạp. Nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gắn với suy giảm lòng tin của một bộ phận nhân dân rất đáng lo ngại. Những hạn chế, yếu kém tích tụ, tồn đọng từ lâu của nền kinh tế và trong nhiều lĩnh vực xã hội còn nặng nề, gây hậu quả xấu, bức xúc xã hội, không dễ một sớm một chiều có thể khắc phục được. Một trong số đó là tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, kỷ cương phép nước bị buông lỏng còn diễn ra ở nhiều nơi..., đã được cử tri và đại biểu Quốc hội phản ánh rất nhiều. Vì vậy, chúng ta tuyệt nhiên không chủ quan, thỏa mãn; không quá say sưa với thành tích, thắng lợi; không ngủ quên trên “vòng nguyệt quế”; mà phải chủ động hơn nhận diện các nguy cơ, thách thức, xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của những tồn tại, hạn chế, tích cực đổi mới, tập trung lãnh đạo, đồng sức, đồng lòng, triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tôi tin tưởng và tha thiết mong rằng, trong năm 2019 và những năm tiếp theo, với niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đoàn kết phấn đấu với quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa, năng động, sáng tạo hơn nữa để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, xây dựng thành công nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hướng tới Kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng vào năm 2030 và Kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước vào năm 2045.

Nhân dịp năm mới 2019 và Xuân Kỷ Hợi sắp đến, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, xin chúc Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp cùng các vị đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng Nhân dân tiếp tục nỗ lực phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, góp phần vào thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng với niềm tin cũng như lòng mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước!

Thanh Tâm thực hiện