Ý Đảng hợp lòng dân

- Thứ Ba, 11/08/2020, 08:37 - Chia sẻ
Việc đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trên các lĩnh vực đã góp phần quan trọng giúp huyện Minh Hóa tạo được dấu ấn đậm nét về kinh tế - xã hội, trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Những kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới, phát triển chăn nuôi và trồng rừng kinh tế... là minh chứng sinh động, chân thực của “Ý Đảng hợp lòng dân”...

Nâng chất lượng cây trồng, vật nuôi 

Theo Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Nguyễn Bắc Việt, sau 30 năm tái lập huyện, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Minh Hóa luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh; đồng thời phát huy truyền thống của quê hương anh hùng, đoàn kết một lòng đã nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn; huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển và đạt được những kết quả đáng phấn khởi trên các lĩnh vực, đặc biệt về kinh tế - xã hội. 

Khẳng định trồng rừng kinh tế là thế mạnh, là hướng đi đúng mang lại nguồn thu nhập cao, giảm nghèo bền vững cho người dân Minh Hóa, lãnh đạo UBND huyện Minh Hóa chia sẻ, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, huyện đã chú trọng hỗ trợ, khuyến khích người dân đẩy mạnh trồng rừng kinh tế. Chỉ trong năm 2019, UBND huyện Minh Hóa đã phê duyệt gần 4,5 tỷ đồng hỗ trợ nhân dân mua giống trồng rừng.

Được sự hỗ trợ của huyện, người dân thực hiện chuyển đổi linh hoạt trồng rừng từ cây có giá trị kinh tế thấp sang trồng rừng gỗ lớn, trồng cây có giá trị kinh tế cao như dỗi, huê, lim, keo lai nuôi cấy mô, cây bản địa, cây dược liệu. Trong 5 năm qua, toàn huyện đã trồng được trên 8.628ha rừng kinh tế (trong đó có 782,7ha rừng gỗ lớn). Huyện cũng đã thực hiện thí điểm 16 mô hình trồng cây hỗn loài (trồng xen kẽ cây keo nuôi cấy mô, huê, dỗi, lim…) với diện tích 16ha tại 13/16 xã, thị trấn. Kết quả bước đầu cũng cho thấy, các mô hình trồng cây hỗn loài phát triển tốt, cây trồng thích nghi điều kiện, khí hậu của địa phương, có khả năng phát triển tốt. Riêng năm 2019, toàn huyện trồng mới được 1.199,2ha, đạt 119,17% kế hoạch...

Bên cạnh trồng rừng, huyện còn hỗ trợ, khuyến khích nhân dân đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng nâng cao chất lượng tổng đàn; từng bước chuyển chăn nuôi phân tán sang chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, gia trại; áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn đến tiêu thụ đầu ra, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất. Đến nay, toàn huyện có 50 trang trại, gia trại; nhiều mô hình kết hợp chăn nuôi, trồng rừng, trang trại, gia trại tổng hợp phát triển có chất lượng. Đồng thời, huyện tập trung lồng ghép các nguồn vốn của Chương trình 30a hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; Chương trình 135 về phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi... để hỗ trợ người dân đầu tư mua các giống vật nuôi chất lượng, có giá trị kinh tế cao như bò lai Sind, lợn ngoại.

Năm 2019, huyện Minh Hóa đã phê duyệt 33 dự án, với số tiền trên 5,5 tỷ đồng để phát triển chăn nuôi. Đồng thời, với lợi thế là một huyện có nhiều diện tích rừng, nguồn hoa rừng tự nhiên phong phú, Minh Hóa đang khuyến khích người dân đầu tư phát triển nghề nuôi ong lấy mật để giảm nghèo. Năm 2019, huyện đã hỗ trợ 10 dự án và liên kết với 1 doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm và phát triển thương hiệu mật ong Minh Hóa.

Thác Mơ, Minh Hóa, Quảng Bình

Nguồn: ITN 

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới

Không chỉ thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển chăn nuôi và trồng rừng kinh tế, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững; cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở còn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, triển khai thực hiện đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, giúp người dân tự nguyện hiến đất, hiến cây, đóng góp tiền, ngày công chung sức xây dựng nông thôn mới. 

Trong 5 năm qua, các cá nhân, hộ gia đình đã hiến 99.798m2 đất, 235.123m hàng rào, 15.355 cây cối các loại, 7.875 ngày công phục vụ xây dựng nông thôn mới. Đến nay, tổng số tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới là 183 tiêu chí, bình quân đạt 13,07 tiêu chí/xã, so với đầu nhiệm kỳ tăng 62 tiêu chí. Trong đó, có 2 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 8 xã đạt 10 - 14 tiêu chí; các xã còn lại đạt từ 5 - 9 tiêu chí. Đáng nói là tiêu chí thu nhập tăng 4 xã; giao thông tăng 3 xã; thủy lợi tăng 4 xã; hộ nghèo tăng 4 xã..., tăng 34% so với đầu nhiệm kỳ. 

Chia sẻ thêm về việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện, theo đại diện UBND huyện Minh Hóa, xuất phát từ quan điểm, nếu không có bản, làng nông thôn mới thì sẽ không có xã nông thôn mới, huyện nông thôn mới, năm 2020, huyện Minh Hóa đã xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện thí điểm mô hình “bản nông thôn mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Huyện đã chọn 4 bản gồm bản Dộ - Tà Vờng (xã Trọng Hóa), bản Ka Ai (xã Dân Hóa), bản Lương Năng (xã Hóa Sơn) và bản Mò O Ồ Ồ (xã Thượng Hóa) để xây dựng bản nông thôn mới. Đây là các bản có 100% đồng bào dân tộc Chứt sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, tuy nhiên có điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội và có nhiều nét văn hóa riêng biệt, phát huy giá trị. Huyện cũng hỗ trợ sản xuất cho đồng bào bằng cách trợ giúp giống, một số vật tư đầu vào phục vụ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ vaccine tiêm phòng các dịch bệnh nguy hiểm cho gia súc, gia cầm.

Thực hiện chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, huyện Minh Hóa cũng chỉ đạo quyết liệt người dân thực hiện theo quy chuẩn, bảo đảm quy trình kỹ thuật, từng bước khẳng định chất lượng nông sản của địa phương. Theo đó, Huyện Minh Hóa đã đẩy mạnh tuyên truyền vận động các cơ sở sản xuất và người dân cung cấp cho thị trường, bảo đảm thị trường sạch an toàn, chủ động tham gia vào các chuỗi giá trị hình thành trong chương trình OCOP.

Năm 2019, huyện Minh Hóa có một sản phẩm đạt tiêu chuẩn xếp hạng 3 sao OCOP cấp tỉnh. Năm 2020, huyện có kế hoạch đăng ký phát triển thêm 3 sản phẩm mới gồm mây tre đan, đồ gia dụng, thịt gà ta và mật ong sạch, với kinh phí hỗ trợ trên 1,3 tỷ đồng. 

Để triển khai có hiệu quả chương trình, huyện Minh Hóa tiếp tục mọi nguồn lực hỗ trợ các đơn vị, cơ sở sản xuất hoàn thiện nâng cao chất lượng sản phẩm; quảng bá, giới thiệu sản phẩm thiết kế mẫu mã bao bì, tem mác, truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, tiến tới tiêu chuẩn hóa các sản phẩm lợi thế của địa phương, nâng cao giá trị, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người dân. 

Thảo Mộc