Xu hướng chuyển dịch đầu tư:

Cơ hội đón "làn sóng đầu tư vàng"

- Thứ Hai, 03/08/2020, 15:56 - Chia sẻ
Dưới tác động của Covid- 19 trên phạm vi toàn cầu, nền kinh tế ghi nhận sự xuất hiện làn sóng chuyển dịch đầu tư từ thị trường này sang thị trường khác, và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc (VKBIA) STEVE BÙI, bên cạnh những cơ hội, các doanh nghiệp trong nước cũng cần phải giải quyết những khó khăn trước mắt; cụ thể đối với các doanh nghiệp nhỏ, vừa, quy mô trung bình cần phải có sự chuẩn bị để đương đầu với thách thức và mục tiêu đặt ra là làm sao vượt qua được năm 2020, khi đó các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội phục hồi.
Phó Chủ tịch VKBIA STEVE Bùi - (Nguồn: ITN)
Phó Chủ tịch VKBIA STEVE Bùi

Nguồn: ITN

Đón làn sóng đầu tư “vàng” từ Hàn Quốc và Nhật Bản

-  Ông nhìn nhận  như thế nào về tác động của Covid- 19 đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam?

- Thực tế cho thấy, không một quốc gia nào nằm ngoài sự tác động tiêu cực của dịch Covid- 19. Đối với Việt Nam, dịch Covid- 19 khiến GDP 6 tháng đầu năm 2020 tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua. Xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, trong đó xuất khẩu giảm 1,1% và nhập khẩu giảm 3% so với cùng kỳ. Đặc biệt đối với khối doanh nghiệp, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 38,2%, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ 2019.

Được ghi nhận là một trong những quốc gia thành công trong phòng chống dịch, vì vậy 3 tháng vừa qua, kinh tế trong nước đã có những dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên, làn sóng Covid- 19 lần thứ 2 một lần nữa khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức, rủi ro. Đối với ngành dịch vụ, cụ thể như dịch vụ du lịch và nhà hàng đang gặp phải nhiều những khủng hoảng, rất nhiều các doanh nghiệp phải đóng cửa. Do vậy chính sách kích cầu của Chính phủ trước hết cũng chỉ giải quyết được bài toán trước mắt và kịp thời. Trong 1-2 tháng tới, khi dịch "đi sâu", các doanh nghiệp còn phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn nữa, thậm chí là giải thế hoặc tạm ngừng kinh doanh.

Vì vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô trung bình cần phải có sự chuẩn bị để đương đầu với khó khăn và mục tiêu đặt ra là làm sao vượt qua được năm 2020, khi đó các doanh nghiệp sẽ có cơ hội phục hồi.

- Dưới tác động của Covid- 19, hiện nay đã và đang xuất hiện làn sóng chuyển dịch đầu tư từ thị trường này sang thị trường khác, ông đánh giá như thế nào về sự chuyển dịch này?

- Xu hướng chuyển dịch đầu tư, mà cụ thể là chuyển dịch các doanh nghiệp ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc để đầu tư vào các quốc gia khác đã bắt đầu xuất hiện khi những tranh chấp trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng gay gắt. Dịch Covid- 19 một lần nữa cũng đã đẩy nhanh quá trình này, và Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn. Đơn cử như Nhật Bản hay Hàn Quốc, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp như SAMSUNG, LG… đã bắt đầu chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam một cách mạnh mẽ với nhiều tỷ USD. Các dự án của những doanh nghiệp này dự kiến sẽ bắt đầu khởi động chính thức vào năm 2021, do đó đây là cơ hội tốt nhất nếu Việt Nam sử dụng được lợi thế cạnh tranh trong khu vực thì chúng ta sẽ đón được làn sóng đầu tư “vàng” từ Hàn Quốc và Nhật Bản.

Covid- 19 khiến GDP 6 tháng đầu năm 2020 tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua
Dịch Covid- 19 khiến GDP 6 tháng đầu năm 2020 tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua 

Nguồn: ITN 

Không nên quá trông chờ vào gói hỗ trợ

-  Theo ông lợi thế của Việt Nam trong làn sóng chuyển dịch đầu tư này là gì?

- Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được coi là điểm đến an toàn. Chúng ta có rất nhiều chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, lực lượng nhân công trẻ và bắt đầu được đào tạo tương đối bài bản, giá nhân công hiện nay so với mặt bằng chung của khu vực cũng rất rẻ. Các lao động của Việt Nam ở nước ngoài sau khi trở về nước cũng đã có những kinh nghiệm nhất định để có thể tham gia vào quy trình sản xuất được ngay.

Về chính sách thuế, có thể Chính phủ có thể bị thiệt thòi, nhưng người dân lại được thừa hưởng. Và nếu các doanh nghiệp sản xuất có nền tảng công nghệ tốt thì có thể tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn, khi đó sẽ có nhiều cơ hội hơn cho người lao động. Bên cạnh đó, năm 2020 là năm ASEAN, đây cũng mở ra nhiều cơ hội để thị trường nước ta phát triển. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp chuyển hướng rời khỏi Trung Quốc hoặc Hàn Quốc thì địa điểm mà họ đang quan tâm nhiều chính là Indonesia, vì vậy chúng ta phải “dè chừng” với đối thủ này trong khu vực.

-  Thời gian tới, để đón làn sóng chuyển dịch đầu tư, Chính phủ cũng như các doanh nghiệp cần phải làm gì, thưa ông?

Vừa qua Chính phủ đã có những gói hỗ trợ nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi. Thời gian tới Chính phủ cũng nên xem xét các gói kích thích kinh tế mới cho quý IV.2020 và cả năm 2021, nhất là trong bối cảnh dịch Covid- 19 đang tiếp tục "tàn phá" nền kinh tế.

Cũng có nhiều phản ánh của các doanh nghiệp rằng họ chưa tiếp cận được với các gói hỗ trợ. Vì vậy, các cơ quan quản lý trực tiếp doanh nghiệp cấp quận, cấp phường nên tổ chức nhiều buổi trao đổi để tháo gỡ những khó khăn thật sự cho doanh nghiệp, vì có nhiều doanh nghiệp cũng “biến mất một cách lặng lẽ”, rời bỏ thị trường do không nhận được hỗ trợ gì. Trong những cuộc trao đổi đó, sẽ cụ thể việc hỗ trợ doanh nghiệp khoản nào, bao nhiêu tháng, và các doanh nghiệp nên có bản đề xuất bao nhiêu thời gian có thể hồi phục được. Thậm chí phía doanh nghiệp cũng có thể gửi văn bản đề xuất với cấp quản lý để có những buổi chia sẻ, từ đó bàn ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Dù vậy, các doanh nghiệp cũng không nên quá trông chờ vào việc hỗ trợ, vì như thế sẽ luôn trong thế thụ động. Ngược lại phải ở thế chủ động, cố gắng tận dụng những gì là sở trường nhất, hoặc có nhiều doanh nghiệp chuyển sang thương mại dịch vụ y tế. Tôi thấy những doanh nghiệp này cũng đã thành công.

Trong thời gian tới, nếu như các doanh nghiệp trong nước không chuẩn bị kỹ lưỡng, thì vào năm 2021-2022, nhiều doanh nghiệp sẽ không thể cạnh tranh được tiếp, bởi các doanh nghiệp nước ngoài có vốn, có nhân sự, có công nghệ. Nếu không có sự chuẩn bị thì sẽ không thể theo kịp họ. Chúng ta có thể xây dựng rất tốt nhưng chúng ta không có hàng rào kỹ thuật thì sớm hay muộn cũng bị các doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm. Bài toán ở đây là bài toán bảo vệ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hầu hết những doanh nghiệp này bị bỏ rơi, không ai quan tâm.

Doanh nghiệp chúng tôi nhiều năm ở Nhật Bản và Hàn Quốc nhận thấy rằng các doanh nghiệp ở đây có tính liên kết rất cao, ngược lại với các doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ, kết nối với nhau, hỗ trợ nhau tốt hơn để cùng vượt qua khủng hoảng Covid- 19. Mỗi doanh nghiệp phải xem mình giống như một ngón tay trên một bàn tay, bổ trợ cho nhau làm nên một tổng thể nhất định.

- Xin cảm ơn ông!

Thảo Anh thực hiện