“Đại dịch” giấu mặt

- Chủ Nhật, 23/01/2022, 06:37 - Chia sẻ
Từ 20 đến 96% bệnh nhân Covid-19 đã khỏi đều có thể mắc các triệu chứng được báo cáo, như thở gấp, đau ngực, ngứa ran và phát ban, sương mù não, rối loạn cơ tim và thần kinh... Đây là nghiên cứu được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra nhằm giải thích rõ ràng về hội chứng Covid-19 kéo dài (Long Covid) ở những người đã khỏi bệnh. WHO cảnh báo, nếu không được quan tâm thích đáng, Long Covid có thể trở thành đại dịch giấu mặt mà những hệ quả của nó cũng nghiêm trọng không kém Covid-19.

Cứ 3 bệnh nhân Covid-19 hồi phục thì có 1 người bị di chứng

Một nghiên cứu của các giáo sư trường Đại học Oxford công bố trên tạp chí The Lancet tháng 4.2021 cho thấy cứ 3 bệnh nhân Covid-19 hồi phục thì có 1 người bị di chứng tâm thần và rối loạn thần kinh. Thông tin này đã gây chấn động vào thời điểm đó.

Các GS. của khoa Tâm thần học trường ĐH Oxford (Anh Quốc), trong đó người dẫn đầu là Paul Harrison đã phân tích hồ sơ sức khỏe của 577.996 bệnh nhân. Trong đó, 236.379 bệnh nhân nhiễm Covid-19 từ ngày 20.1.2020 đến ngày 13.12.2020. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 6 tháng sau khi khỏi bệnh, 1 trong 3 bệnh nhân Covid-19 đã bị các di chứng tâm thần và rối loạn thần kinh. Con số thậm chí còn cao hơn đối với những người từng bị Covid-19 nặng. Tâm trạng lo âu hoặc rối loạn tâm thần ảnh hưởng đến 24% tổng số bệnh nhân nhưng tỷ lệ này tăng lên 25% ở những người nhập viện, 28% ở những người được chăm sóc đặc biệt và 36% ở những người bị hôn mê khi nhiễm virus corona.

Trong số các bệnh nhân Covid bị di chứng tâm thần và rối loạn thần kinh thì có 13% bệnh nhân bị chẩn đoán như vậy lần đầu tiên. Nhưng ngay cả khi di chứng tâm thần và rối loạn thần kinh là sự tái phát của một vấn đề đã có từ trước, cũng không loại trừ khả năng virus Covid đã tác động xấu lên não.

Những biểu hiện của bệnh nhân mắc chứng long Covid

Góc khuất của đại dịch

Báo cáo chuyên đề về “Covid kéo dài” được WHO công bố vào ngày 6.10.2021 định nghĩa, hội chứng Covid-19 kéo dài là tình trạng bệnh nhân mặc dù đã hồi phục khỏi Covid-19 cấp tính nhưng các triệu chứng vẫn còn kéo dài trên 4 tuần kể từ lúc khởi phát nhiễm trùng.

Các triệu chứng này có thể đã có từ đợt bệnh cấp hoặc xuất hiện sau khi hồi phục. Giống Covid-19 cấp tính, hội chứng Covid kéo dài gây tổn thương và biểu hiện triệu chứng ở nhiều cơ quan: Hô hấp, tim mạch, tâm thần kinh, tiêu hóa, nội tiết, thận, da lông.

Đặc biệt, nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Viện Y tế công cộng Na Uy mới công bố cho thấy những người chưa tiêm vaccine có nguy cơ cao hơn phải chịu đựng triệu chứng “Covid kéo dài” sau khi mắc bệnh. Đáng lo ngại hơn, các nhà nghiên cứu tin rằng “Covid kéo dài” không phải là một hội chứng đơn lẻ mà còn có thể xuất hiện dưới dạng các chùm triệu chứng được chia làm 2 chùm chính. Chùm triệu chứng thứ nhất có liên quan tới não bộ, bao gồm chứng sương mù não (tình trạng đầu óc không thể ghi nhớ, phân tích nhạy bén hoặc thiếu tập trung), suy giảm trí nhớ, chóng mặt, tim đập nhanh và mệt mỏi; chùm triệu chứng thứ hai có liên quan tới hệ hô hấp gồm khó thở và ho. Đây là kết quả nghiên cứu đối với khoảng 70.000 người không tiêm vaccine và mắc Covid-19, trong đó hơn 50% trong số này có các triệu chứng trên sau một năm mắc bệnh.

WHO cho rằng, tình trạng này có thể khiến sức khỏe con người bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội của người bị mắc Covid-19, họ bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và có thể gây ra những hậu quả kinh tế đáng kể cho bản thân, gia đình và xã hội.

Nguy cơ này đặc biệt đáng quan ngại khi số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố cuối năm ngoái cho thấy ở Anh, số người trẻ tuổi mắc hội chứng “Covid kéo dài” cao gần gấp đôi so với những người trên 70 tuổi.

Trong khi đó, qua nghiên cứu về mức độ tự kháng thể ở những bệnh nhân Covid-19 đã bình phục trong vòng 6 tháng sau khi mắc bệnh, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Y tế Cedars-Sinai ở Mỹ nhận định ngay cả những trường hợp mắc Covid-19 nhẹ cũng có thể để lại những di chứng kéo dài.

WHO đặc biệt bày tỏ lo ngại về tình trạng này, gọi đây là một trong những “góc khuất” của đại dịch chưa được tìm ra, đồng thời kêu gọi những người đang chịu đựng chứng “Covid kéo dài”, dù đã hồi phục sau giai đoạn cấp tính, nên tìm kiếm sự trợ giúp y tế. WHO cùng các chuyên gia khác cũng cho rằng, vaccine vẫn là phương pháp quan trọng giúp tránh nguy cơ nhiễm bệnh.

Quốc Đạt