“Vaccine” nào cho thị trường bảo hiểm ?

- Thứ Tư, 15/09/2021, 11:05 - Chia sẻ
Mới đây, cơ quan soạn thảo đã trình và xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự thảo Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi) gồm 8 chương, 156 điều, trong đó sửa đổi 81 điều, bổ sung 58 điều, bãi bỏ 33 điều và giữ nguyên 17 điều so với Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành. PGS. TS ĐINH TRỌNG THỊNH (Học viện Tài Chính) đã trao đổi với Báo điện tử đại biểu nhân dân xung quanh vấn đề này.
Phiên họp thứ 3

Ngày 13.9, tại Phiên họp thứ Ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, đến nay Hồ sơ dự án Luật đã tương đối đầy đủ, dự án Luật được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng. Về cơ bản, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã có sự triển khai, chuẩn bị tốt các yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục rà soát, tiếp thu ý kiến góp ý trên tinh thần cầu thị đảm bảo chất lượng, tính khả thi, hiệu quả của dự án luật khi trình Quốc hội.

- Việc Luật Kinh doanh bảo hiểm ra đời cách đây 20 năm, đến nay một số quy định đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, thiếu thống nhất, đồng bộ với các quy định được sửa đổi bổ sung tại Bộ luật Dân sự, một số nội dung chưa có căn cứ áp dụng trong thực tiễn…., ông có nhận định gì về việc cần ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)?

-Với mục tiêu sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm sẽ cho phép các doanh nghiệp tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm; đổi mới mô hình tăng trưởng do chủ động lựa chọn loại hình, phương thức kinh doanh phù hợp với năng lực, đa dạng hóa các phương thức kinh doanh, tiết giảm chi phí do đơn giản hóa thủ tục hành chính và chủ động trong hoạt động kinh doanh; từ đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường.

Thực tế, ngành kinh doanh bảo hiểm đã du nhập vào Việt Nam khá sớm, tốc độ phát triển nhanh, đi trước nhiều ngành, nghề của lĩnh vực tài chính. Cùng với quá trình hội nhập quốc tế, các chính sách, sản phẩm bảo hiểm cũng như phương thức hoạt động trong kinh doanh bảo hiểm được đưa vào áp dụng thực tiễn tại thị trường Việt Nam những năm qua ngày càng đa dạng, dần đáp ứng nhu cầu bảo hiểm của nền kinh tế - xã hội.

Theo thống kê, hiện có khoảng 2.894 sản phẩm bảo hiểm, thuộc tất cả các nghiệp vụ bảo hiểm. Mạng lưới hoạt động của thị trường bảo hiểm được mở rộng, tính đến nay, có khoảng 73 doanh nghiệp bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài với hàng nghìn chi nhánh, văn phòng đại diện trên phạm vi cả nước nhằm tăng cường chất lượng phục vụ khách hàng từ khâu bán hàng, chăm sóc và thực hiện bồi thường… Có được những kết quả đó là do nước ta áp dụng Luật Kinh doanh bảo hiểm ngay khi thị trường này mới đi vào hoạt động, cách đây hơn 20 năm. Khi đó, thị trường kinh doanh bảo hiểm còn khá sơ khai, cơ quan quản lý cũng mới thành lập, quy mô thị trường nhỏ, các doanh nghiệp bảo hiểm và kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm chưa đa dạng. Nhưng chính Luật Kinh doanh bảo hiểm là cơ sở để ngành bảo hiểm phát triển với khả năng hội nhập hệ sinh thái bảo hiểm quốc tế tương đối đồng bộ và nhanh chóng.

Tuy nhiên đến nay, sau một thời gian dài thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm, một số quy định đã bộc lộ những nhược điểm, hạn chế, bất cập, thiếu thống nhất, đồng bộ với các quy định được sửa đổi bổ sung tại Bộ luật Dân sự, một số nội dung chưa có căn cứ áp dụng trong thực tiễn…. Việc xem xét tổng thể, sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm cho phù hợp với điều kiện, yêu cầu thực tiễn và bảo đảm tính đồng bộ với những thông lệ, quy định hiện hành quốc tế là cần thiết. Mặt khác, cũng tạo hành lang pháp lý tiến bộ nhằm tăng cường khả năng quản lý việc kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm quyền lợi của người kinh doanh và người tham gia bảo hiểm, đồng thời thúc đẩy thị trường, giúp doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phát triển…

- Thưa ông, ông có thể nêu rõ đâu là những hạn chế, bất cập của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành?

-Ta có thể thấy, hơn 20 năm là một “chặng đường” tương đối dài đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Đến nay, trước sự phát triển của thị trường và nhiều quy định pháp luật liên quan thay đổi, Luật Kinh doanh bảo hiểm bộc lộ một số bất cập nhất định, không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Dân sự, một số nội dung chưa có căn cứ áp dụng trong thực tiễn như thẩm quyền, quy trình xử lý doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính; việc áp dụng hoặc tích hợp công nghệ trong kinh doanh bảo hiểm; các yêu cầu về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập; sự liên kết giữa các cơ quan quản lý trong triển khai các chương trình bảo hiểm của Chính phủ...

Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành quy định nguyên tắc đối với phần lớn các chính sách trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, nên đôi khi thiếu căn cứ hoặc có những khó khăn nhất định khi thực tế phát sinh như thẩm quyền, quy trình xử lý doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính; việc áp dụng hoặc tích hợp công nghệ trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; các yêu cầu về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, sự liên kết giữa các cơ quan quản lý trong triển khai các chương trình bảo hiểm của Chính phủ...

Thực tế cho thấy, với sự bùng nổ của các sản phẩm bảo hiểm thì hiện nay các cơ quan quản lý cũng đang rơi vào “thế bí”, khó kiểm soát những vấn đề mới phát sinh trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm do hạn chế của hệ thống văn bản pháp quy.

Cụ thể, tại Điều 19, 22 của dự án Luật chưa có quy định cụ thể về hậu quả pháp lý của việc đình chỉ hợp đồng, mới chỉ có quy định về hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu và chấm dứt hợp đồng dẫn đến việc áp dụng của luật này với Bộ luật Dân sự có cách hiểu khác nhau; quy định hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm được quy định tại điều 34 của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chưa có sự thống nhất với quy định về hậu quả việc hủy bỏ hợp đồng được quy định tại Điều 427 của Bộ luật Dân sự.

Ngay tại Phiên họp thứ Ba, ngày 13.9, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, nghiên cứu thêm một số vấn đề cụ thể liên quan đến việc áp dụng pháp luật (Điều 3); về hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin thị trường bảo hiểm; về hợp đồng bảo hiểm… Cần cân nhắc quy định tại Khoản 2, Điều 3 của dự thảo Luật vì không phù hợp với nguyên tắc áp dụng pháp luật quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đề nghị Cơ quan soạn thảo rà soát kỹ các quy định của pháp luật có liên quan và quy định ngay tại dự thảo Luật các nội dung đặc thù cần thiết phải áp dụng đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm…

Nhìn từ khía cạnh khác, mặc dù trước đây các cơ quan soạn thảo và doanh nghiệp bảo hiểm đã đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm, nhưng một số quy định hành của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chưa theo kịp với quốc tế như quy định về phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ; điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế; mô hình quản lý tài chính lạc hậu; chưa có yêu cầu về quản trị rủi ro...

Rõ ràng, đã đến lúc cần thiết phải sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm với những điều chỉnh pháp lý để có thể mở rộng phạm vi quản lý và bao trùm hết hoạt động kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với thực tế hiện nay.

- Việt Nam là một thị trường tương đối lớn với các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, ông có thể tóm lược về thành tựu của ngành kinh doanh bảo hiểm, hơn 20 năm qua?

- Sau hơn 20 năm phát triển, quy mô thị trường bảo hiểm ngày càng lớn, khẳng định vị thế, vai trò trong nền kinh tế - xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Theo tính toán của các chuyên gia, trong giai đoạn 2000-2020, thị trường bảo hiểm Việt Nam tăng trưởng vượt bậc so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng được duy trì trong thời kì dài, bất chấp khủng hoảng tài chính thế giới hay tác động bất lợi khác. Các chỉ tiêu về tổng tài sản, tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế, tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm, tổng doanh thu phí bảo hiểm, tổng vốn chủ sở hữu tăng bình quân trên 20%/năm. Đến cuối năm 2020, thị trường bảo hiểm đã tạo lập công ăn việc làm cho gần 1.000.000 lao động với thu nhập ổn định. Theo thống kê của các doanh nghiệp bảo hiểm, tổng giá trị được bảo hiểm là 11,7 triệu tỷ đồng.

Hiện nay, khoảng 11,9 triệu người tham gia bảo hiểm nhân thọ, tương đương hơn 10% dân số, 4 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, sức khỏe ngắn hạn; 12 triệu học sinh được bảo hiểm chăm sóc sức khỏe và tai nạn; 18 triệu lượt khách được bảo hiểm hàng không; trên 12 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn đường sắt; 1.620 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn hành khách vận chuyển đường bộ.

Bảo hiểm vi mô hiện đã bước đầu được triển khai bởi cả doanh nghiệp bảo hiểm và triển khai thí điểm bởi Hội Liên hiệp phụ nữ nhằm tương trợ giữa các hội viên. Đến nay, tỷ lệ tham gia bảo hiểm vi mô khoảng 200 nghìn hợp đồng (tương đương 0,2% dân số cả nước). Những người được bảo hiểm nói trên được bảo hiểm chi trả bồi thường khi không may xảy ra tai nạn, ốm đau, mà không cần tới sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước…

- Nhìn từ góc độ kinh tế, việc sớm ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) có tác động như thế nào đến thị trường bảo hiểm nước ta, thưa ông?

- Thời gian qua, thị trường bảo hiểm nước ta phát triển nhanh với khá nhiều sản phẩm bảo hiểm. Tuy nhiên, quy mô và các sản phẩm bảo hiểm vẫn thấp so với tiềm năng và so với mặt bằng thế giới. Việt Nam có dư địa để thị trường bảo hiểm phát triển ngày càng mạnh mẽ và đa dạng.

Đặc biệt, sau nhiều biến động kinh tế, sự sụt giảm, đứt gãy của chuỗi cưng ứng toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) với nhiều điều khoản tiến bộ sẽ như “liều vaccine thể chế” giúp thị trường và cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn hội nhập mới. Bởi vì, Luật Kinh doanh bảo hiểm sau khi sửa đổi đã xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập của Luật Kinh doanh bảo hiểm với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật…

Ngoài ra, khi dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được ban hành với các quy định mới nhằm tăng cường bảo vệ, cân bằng quyền lợi của người tham gia và người kinh doanh bảo hiểm trong thời gian tới sẽ khiến các doanh nghiệp bảo hiểm rộng lối phát triển, do thị trường kinh doanh sẽ cạnh tranh công bằng hơn, sản phẩm bảo hiểm cũng đa dạng và phong phú hơn. Khi quyền lợi của người tham gia bảo hiểm được bảo đảm, thì nhiều người mua tin dùng...

Xin cảm ơn ông!

Đức Hiệp