Xem - Nghe - Đọc

10 năm, cho một giấc mơ

- Chủ Nhật, 23/08/2020, 09:28 - Chia sẻ
Nếu như “choáng ngợp” là từ tôi dành cho “Inception” vào lần đầu tiên xem cách đây 10 năm, thì sau lần thứ 2, đó là sự “chiêm nghiệm”.

"Inception” được coi là siêu bom tấn của thập niên 2010, là tác phẩm yêu thích của vô số tín đồ điện ảnh trên khắp toàn cầu, đặc biệt là với những ai yêu mến nhà làm phim Christopher Nolan. Có người đã xem nó tới cả trăm lần, phân tích, mổ xẻ mọi thứ xung quanh nó, đặc biệt là đoạn kết về con quay vật tổ gây tranh cãi bậc nhất mà đến nay vẫn là chủ đề nóng hổi mỗi khi được gợi lại...

“Inception” tận tới giờ vẫn xứng đáng để được xem lại ít nhất lần 2, trong một cột mốc thời gian cũng thật đặc biệt của nhân loại. 

Sau lần đầu tiên xem “Inception” cách đây tròn 10 năm, tôi đã mua DVD trong một lần đi công tác nước ngoài. Đến nay, chiếc đĩa vẫn chưa kịp bóc vỏ nhưng đã bị tống vào trong những chiếc hộp carton để trong kho vì bởi, ngày nay người ta đâu còn xem DVD nữa, và có muốn xem thì cũng khó mà còn thiết bị đọc được. Khi phim lên Netflix, tôi cũng do dự vì muốn bảo toàn cái cảm xúc đầu tiên khi xem nó vào năm 2010. 

"Inception” không phải là một bộ phim mà bạn nên xem ở nhà. Tác phẩm này xứng đáng hơn việc vừa xem nó vừa làm gì đó, vừa xem vừa check điện thoại, xem chia nhỏ nhiều lần không liền mạch vì bận việc này việc kia…

Như hàng triệu người yêu điện ảnh, tôi xem “Inception” lần đầu tiên vào cuối mùa hè 2010, khi tác phẩm này đổ bộ các rạp chiếu phim. Một thập niên mới vừa bắt đầu, Marvel hay DC còn chưa định hình rõ rệt thành những Vũ trụ Điện ảnh. 

Mùa hè 2010 là một quãng thời gian đặc biệt của tôi. Mới tốt nghiệp đại học, học linh tinh đủ thứ nhưng vẫn chưa biết mình muốn gì, mình sẽ làm gì, mình có giấc mơ gì. Đúng lúc đó thì "Inception” ra rạp.

Cái cảm giác lần đầu xem “Inception” đó là sự choáng ngợp, sự tấm tắc về ngôn ngữ điện ảnh của Christopher Nolan, cũng như diễn xuất của dàn diễn viên cực phẩm. Từ ý tưởng về những giấc mơ, bộ phim là những hình ảnh ẩn dụ về thời gian, con người, những triết lý hiện sinh và cả một cái kết hư hư thực thực. Có quá nhiều thứ muốn viết, có quá nhiều điều cần tìm hiểu, có quá nhiều chi tiết muốn phân tích ra sao… 

Khi mơ, người ta không nhớ chính xác lúc bắt đầu của giấc mơ ra sao, cũng chẳng thể nhớ rõ rệt từng chi tiết, mà chỉ có thể nhớ một cách mang máng hay mơ hồ là giấc mơ đó về cái gì. Và “Inception” với tôi cũng như một giấc mơ vậy. 

Sau 10 năm, tôi nhớ về nó như một bộ phim hay, một tác phẩm đồ sộ về ý tưởng trích đoạt giấc mơ, nhưng chẳng nhớ nổi chi tiết tầng tầng lớp lớp các giấc mơ trong phim như thế nào. Tôi vẫn nhớ cảnh mở đầu của bộ phim, tiếng sóng biển dữ dội, những lớp bọt trắng xóa dâng trào và nhân vật Cobb (Leonardo DiCaprio đóng) trôi vào bờ, gặp Saito (Ken Watanabe đóng) già. Đó là cảnh mở đầu phim theo cách kể của Christopher Nolan, nhưng không phải là lúc bắt đầu cho những giấc mơ trong phim…

Để rồi hôm qua, khi xem “Inception” lần thứ 2, tôi cảm giác như xem một bộ phim mới, mơ lại một giấc mơ cảm giác như thân quen nhưng vẫn không thể nhớ chính xác các chi tiết. 

10 năm, mọi thứ thay đổi thật là nhiều. 2010 - 2020: Mạng xã hội, thế giới ảo đã phát triển và trở thành như thế nào? Con người ngoài đời thực và trên Facebook có khác nhau không? Những tin nhắn, những comment đọc được tác động tới cảm xúc của chúng ta khác như thế nào so với sự tác động của những lời nói trong hoàn cảnh mặt - đối - mặt?

Nếu như “choáng ngợp” là từ tôi dành cho “Inception” vào lần đầu tiên xem cách đây 10 năm, thì sau lần thứ 2, đó là sự “chiêm nghiệm”. 

Christopher Nolan quả là có một tầm nhìn thật vĩ đại khi đã xây dựng một thế giới như trong “Inception” từ cách đây 10 năm. Và hãy tham chiếu thế giới ấy với thế giới của chúng ta trong thực tại này. "Dreams feel real while we’re in them. It’s only when we wake up that we realize something was actually strange" (Những giấc mơ thật chân thực khi chúng ta ở trong đó. Chỉ khi tỉnh giấc, ta mới nhận ra một điều gì đó thực sự kỳ lạ).

Xem lần thứ 2, mới thấy hết Leonardo DiCaprio ở thời điểm chín muồi cả về ngoại hình lẫn diễn xuất, với một độ tinh tế nhất định mà chẳng cần phải gồng như trong “The Revenant” hay “Once Upon a Time in Hollywood” sau này. Đây có lẽ là giai đoạn tôi thấy Leo hay nhất với những “Blood Diamond” (nên trao Oscar cho anh luôn từ phim này), “Revolutionary Road” và đặc biệt là hai bộ phim cùng ra năm 2010 - “Shutter Island” & “Inception”. 

Đoạn kết của “Inception” vẫn là một thứ gì đó thật phấn khích, thật tò mò, thật thật hư hư mà mỗi lần xem nó, tôi cảm giác như đứng trong điểm giao giữa hai chiều không gian của tỉnh và mơ. 

Năm 2015, khi làm khách mời tại một trường đại học ở Mỹ, Christopher Nolan đã nói về nó: “Cách mà bộ phim kết thúc cho thấy nhân vật của Leonardo DiCaprio, Cobb, đã về đoàn tụ với hai con, đó là hiện thực chủ quan của anh ta”. 

Khi con quay vẫn đang xoay đều, Cobb dường như chẳng còn quan tâm đang mơ hay tỉnh nữa, anh ta chỉ quan tâm tới hạnh phúc. Đó chẳng phải cũng là thứ mà chúng ta vẫn luôn hướng đến và coi đó là điều quan trọng nhất sao? 

Trong giấc mơ, chúng ta có thể thấy mình già đi và bộ não có thể điều khiển giấc mơ từ những ký ức cũ. Nhưng rồi một chuyến tàu xuất hiện, đưa tất cả đi thật xa để rồi lúc bừng tỉnh, mọi thứ ngay trong lúc ấy thật khó để phân biệt ta đã trở lại thực tại hay đang tiếp nối trong một tầng giấc mơ khác. 

Mỗi con người đều có thể tự tạo ra cho mình một thế giới riêng và coi đó chính là hiện thực chủ quan, lang thang trong đó kiếm tìm hạnh phúc. Và khi có được nó rồi, giấc mơ hay thực tế liệu có còn quan trọng. 

Một bộ phim có thể được coi là hay ở thời điểm nó ra mắt, nhưng theo thời gian, có những tác phẩm sẽ khẳng định được những thứ lớn lao hơn chứ không chỉ đơn thuần là “hay”. 

Sau 10 năm, lần thứ 2 xem “Inception”, tôi hoàn toàn coi đây là một tuyệt tác.

Ngọc Minh