14 ngày “vàng” phòng, chống dịch

- Thứ Hai, 19/07/2021, 06:11 - Chia sẻ

Việc thực hiện giãn cách xã hội theo mức độ nào cũng đều phải làm nghiêm. Tránh hiện tượng bên ngoài chặt, bên trong lại lỏng, tạo thành những đám đông, có nguy cơ lây lan dịch bệnh, làm ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và công tác phòng, chống dịch. PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đã nhấn mạnh điều này tại phiên họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 sáng qua, 18.7.

Trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp, để tăng cường phòng, chống dịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng ý giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg đối với 16 tỉnh thành phía Nam từ 0h ngày 19.7.2021, thời hạn áp dụng là 14 ngày. 16 tỉnh, thành phố có tên trong giãn cách lần này gồm: Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau và Kiên Giang. Như vậy, cùng với 3 tỉnh, thành phố đã áp dụng gồm: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai sẽ có 19 tỉnh, thành phố phía Nam áp dụng Chỉ thị số 16. Đây là quyết định khó khăn nhưng rất cần thiết vào thời điểm này, khi chúng ta muốn ngăn chặn hiệu quả sự lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Thực tế cho thấy, trong mỗi địa phương có dịch, có những xã, huyện có nguy cơ lây nhiễm Covid -19 rất cao nhưng có những vùng lại có nguy cơ thấp. Do đó, việc thực hiện giãn cách xã hội không chỉ bảo vệ an toàn cho chính các địa phương, mà còn bảo vệ khu vực lân cận khác có nguy cơ thấp hơn. Tuy vậy, qua triển khai ở một số địa phương thời gian qua cho thấy, dù đã được triển khai quyết liệt nhưng kết quả phòng, chống dịch chưa được như mong muốn. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thẳng thắn, việc thực hiện Chỉ thị 16 tại một số địa phương chưa nghiêm túc, chưa đầy đủ, chưa quyết liệt, nhiều khi còn chần chừ, nấn ná. Người dân vẫn đi lại nhộn nhịp, cửa hàng siêu thị vẫn mở dù Chỉ thị quy định chỉ mở các dịch vụ thiếu yếu như: thực phẩm, thuốc men. Các khu công nghiệp cũng chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế. Chợ vẫn họp đông thì không thể chấm dứt được chuỗi lây nhiễm, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Rõ ràng, với những tồn tại, hạn chế được "tư lệnh" ngành y tế chỉ ra là điều mà các địa phương thực hiện giãn cách xã hội lần này phải rút kinh nghiệm, khắc phục triệt để nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch.

Vẫn biết rằng, 14 ngày giãn cách xã hội có thể làm cuộc sống của mỗi người dân bị đảo lộn, nhịp sống của chúng ta bị chậm lại. Việc giãn cách xã hội sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của người dân, đến phát triển chung của mỗi tỉnh, thành phố. Nhưng nếu chúng ta chỉ nghĩ đến trước mắt, vẫn chủ quan, lơ là, không tuân thủ nghiêm quy định về giãn cách, về phòng, chống dịch sẽ khó khóa chặt được nguồn lây nhiễm, hậu quả để lại là khôn lường. Giãn cách xã hội được coi là “lựa chọn ít xấu nhất”. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, giãn cách xã hội 14 ngày cũng chính là thời gian “vàng” để mỗi người dân, tổ chức, chính quyền địa phương thực hiện mục tiêu phòng, chống dịch hiệu quả nếu thực sự tuân thủ quy định.

Thực hiện Chỉ thị 16 không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ, mà còn là quyền lợi của mỗi người dân, vì lợi ích của cộng đồng và vì sự phát triển của đất nước. Mỗi cá nhân, tổ chức, chính quyền cùng cộng đồng trách nhiệm, chung tay để sớm đẩy lùi dịch bệnh. Cùng với đó, chính quyền cần có giải pháp để bảo đảm cuộc sống an sinh cho người dân trong những ngày giãn cách xã hội, tránh những xáo trộn cuộc sống, xáo trộn tâm lý cực đoan không đáng có. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện quy định phòng, chống dịch, tránh tình trạng “ngoài chặt, trong lỏng”, thực hiện đối phó. Đặc biệt phát huy sự chủ động, sát sao, trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo phòng, chống dịch. 

14 ngày giãn cách xã hội là khoảng thời gian “vàng” để khống chế dịch bệnh. Tin rằng, 19 tỉnh, thành phố ở khu vực phía Nam áp dụng Chỉ thị 16 sẽ sớm kiểm soát được dịch, nếu như mỗi cá nhân, tổ chức đều tuân thủ nghiêm quy định về phòng, chống dịch.

Hà An