Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 "Phục hồi và phát triển bền vững"

3 yếu tố nâng khả năng hấp thụ của nền kinh tế

- Chủ Nhật, 05/12/2021, 12:36 - Chia sẻ
Cho rằng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế “đang có vấn đề”, GS. TS HOÀNG VĂN CƯỜNG, ĐBQH, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng “không thể vì thế mà không tăng nguồn đầu tư”. Song, cần lưu ý 3 vấn đề, gồm thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, kiểm soát dòng tiền đó chảy vào khu vực mong muốn đầu tư.

Chuyển vốn vào hoạt động kinh tế còn chậm

Nói về gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, trước tiên cần làm rõ nền kinh tế hấp thụ như thế nào? 

ĐBQH, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân GS.TS Hoàng Văn Cường phát biểu tại tọa đàm
Ảnh: Lâm Hiển

Để làm rõ năng lực hấp thụ của nền kinh tế, theo GS.TS Hoàng Văn Cường, có hai “chỉ báo” quan trọng là tốc độ giải ngân đầu tư công và tốc độ tăng trưởng tín dụng. Đến nay, giải ngân đầu tư công chưa đạt 70% và khó về đích khi chỉ còn chưa đầy một tháng nữa sẽ kết thúc năm 2021. Về tín dụng, tốc độ tăng trưởng đến nay mới đạt trên 8%, còn thấp so với kỳ vọng đưa vốn vào nền kinh tế. Rõ ràng, “có biểu hiện chuyển vốn vào các hoạt động kinh tế còn chậm”. 

Song, “điều nguy hiểm hơn” được ông Hoàng Văn Cường chỉ ra là vốn đó có thực sự chuyển vào sản xuất không? “Trong nền kinh tế, hiệu quả đầu tư tốt là khi bỏ ra một đồng thì giá trị tạo ra hơn 1 đồng, nhưng hiện tiền vốn chúng ta bỏ ra 100 đồng thì giá trị tạo ra chỉ có 70 – 80 đồng”. Nguyên nhân một phần thất thoát đầu tư vào tiêu dùng, đẩy rủi ro là giá tiêu dùng tăng lên, lạm phát tăng. Phần nữa là tiền đó đẩy sang đầu cơ, làm cho giá bất động sản, chứng khoán tăng lên.

Phân tích rõ hơn, GS.TS Hoàng Văn Cường dẫn chứng: Tốc độ tăng trưởng chứng khoán thường gắn với sức khỏe nền kinh tế. Tuy nhiên, trong khi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng chậm hơn so với trước nhưng thị trường chứng khoán lại tăng trưởng mạnh. “Đó là do dòng tiền đổ vào chứng khoán đẩy giá tăng lên chứ không phải do lợi nhuận doanh nghiệp”.

Từ những phân tích trên, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng: Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang có vấn đề. Song, “không phải vì thế mà chúng ta không tăng nguồn đầu tư”, ông nói.

Ảnh: Lâm Hiển

Phải quan tâm phát triển bền vững

Muốn tăng nguồn đầu tư, theo GS.TS Hoàng Văn Cường, đầu tiên là, phải thúc đẩy giải ngân đầu tư công; hai là, phải tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp; ba là, kiểm soát dòng tiền đó chảy vào khu vực mong muốn đầu tư – đây cũng là yếu tố quan trọng nhất.

Đề xuất giải pháp cụ thể, vị chuyên gia này cho rằng, để tăng hấp thụ vốn tín dụng, cùng với việc tiếp tục các giải pháp hiện hành, ngân hàng cần thay đổi phương thức tiếp cận vốn cho doanh nghiệp bằng cách chuyển sang đồng hành với doanh nghiệp. Điều đó đồng nghĩa, việc cho doanh nghiệp vay vốn không phải chỉ dựa vào tài sản bảo đảm, mà cần xem xét nguồn tiền đó sẽ được doanh nghiệp sử dụng vào việc gì.

Về giải ngân đầu tư công, cần có giải pháp đặc biệt. Đó là đặt hàng cho tư nhân thực hiện giải ngân chứ không phải chỉ dựa vào dự án đầu tư của các cơ quan nhà nước. 

Đặc biệt, theo GS.TS Hoàng Văn Cường, hiện chúng ta đang thiếu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Nếu để dòng tiền đầu tư vào các công trình này chính là cơ hội cho đầu tư phát triển thay vì tạo ra bong bóng.

“Hiện, chúng ta mới chỉ hướng tới phục hồi còn phát triển bền vững thì chưa nói nhiều. Giờ là lúc Chính phủ cần dùng tiền vốn đặt hàng cho các ngành sản xuất trụ cột như phát triển nhà ở, đường sắt, công nghiệp dịch vụ để phát triển kinh tế biển… Hay kinh tế số dù đã nói nhiều nhưng Chính phủ đã đầu tư gì để chủ động hạ tầng kinh tế số? Chúng ta phải đi đầu, làm chủ chứ không phải đi sau, đi theo. Do đó, chương trình phục hồi này phải gắn chặt chẽ với tái cấu trúc nền kinh tế, gắn phục hồi, phát triển”, GS. TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Lâm Hiển