Bài học kinh nghiệm qua đợt mưa lũ miền Trung

"4 tại chỗ” là nhân tố quyết định

- Thứ Tư, 29/12/2021, 06:48 - Chia sẻ
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) VŨ XUÂN THÀNH, sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, việc triển khai phương án ứng phó bám sát thực tiễn, sự chủ động của người dân trong thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ, hậu cần tại chỗ) là nhân tố quyết định giúp giảm thiểu thiệt hại mưa lũ.

Giảm thiểu thiệt hại tối đa về người và của

- Đánh giá, khái quát của ông về đợt mưa lũ tại miền Trung từ tháng 9 đến đầu tháng 12 vừa qua?

- Từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 12.2021, khu vực miền Trung chịu ảnh hưởng liên tiếp 6 đợt mưa lớn với tổng lượng phổ biến 2.000-3.500mm. Mưa lớn gây lũ ở mức báo động 2, báo động 3. Đặc biệt là đợt từ 27.11 - 1.12 trên các sông Bình Định, Phú Yên lũ lớn tương đương các năm 2013, 2016, 2017 và gần ở mức lịch sử, gây ngập lụt diện rộng, sạt lở ở nhiều nơi.

- Ông có thể chỉ ra những kết quả đạt được cũng như khó khăn trong công tác ứng phó mưa lũ?

- Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, chủ động, kịp thời từ Trung ương đến cơ sở, nên đã giảm thiểu được thiệt hại tối đa về người do mưa lũ. Năm 2021, tổng số người bị chết và mất tích tại miền Trung là 37 người, giảm nhiều so với các năm trước (năm 2020: 249 người). Tổng thiệt hại về vật chất khoảng 4.000 tỷ đồng, giảm so với các năm trước (năm 2020: 39.000 tỷ đồng).

Công tác sơ tán dân đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành, triển khai nhanh công tác khắc phục hậu quả, khôi phục đời sống sau thiên tai.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn thiệt hại về người do chủ quan, đi lại bất cẩn trong mưa lũ. Việc quản lý sử dụng bãi sông, bảo vệ không gian thoát lũ chưa triệt để. Tình trạng lấn chiếm lòng sông, xây dựng các công trình trong phạm vi lòng sông dẫn tới suy giảm khả năng thoát lũ.

Công tác phối hợp vận hành điều tiết lũ trên lưu vực giữa các tỉnh bộc lộ bất cập. Thông tin về xả lũ hồ chứa đến với người dân ở hạ lưu có nơi còn chưa kịp thời dẫn đến bị động trong ứng phó. Khả năng chống chịu nhà dân, công trình phòng, chống thiên tai còn thấp.

Quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, chủ động triển khai phương án

- Qua những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế nêu trên, bài học kinh nghiệm rút ra là gì, thưa ông?

- Có thể thấy, sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, việc triển khai phương án ứng phó bám sát thực tiễn, sự chủ động của người dân trong thực hiện phương châm “4 tại chỗ” là nhân tố quyết định giúp giảm thiểu thiệt hại mưa lũ.

Việc thực hiện các quy định về vận hành hồ chứa, đặc biệt là việc thông tin dự báo, cảnh báo chính xác giúp các cấp chính quyền và người dân không bị động, bất ngờ và ứng phó hiệu quả; điều hành hồ chứa cắt lũ cho hạ du giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

	Mưa lũ gây ngập diện rộng vào tháng 10.2021 tại Quảng Ngãi Nguồn: ITN
Mưa lũ gây ngập diện rộng vào tháng 10.2021 tại Quảng Ngãi
Nguồn: ITN

- Ông có thể nêu phương hướng trong công tác ứng phó mưa lũ thời gian tới?

- Thời gian tới, cần đánh giá toàn diện nguyên nhân gây ngập lụt và đề xuất giải pháp lâu dài theo hướng quản lý lũ tổng hợp. Cập nhật quy hoạch, phương án phù hợp với diễn biến mưa lũ. Nâng cao khả năng chống chịu của công trình đê điều, hồ chứa. Sửa chữa, cải tạo công trình gây cản trở thoát lũ.

Tiếp tục Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà chống bão, lũ tập trung cho các địa phương có nguy cơ cao. Điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông theo hướng tăng cường quy chế phối hợp giữa Ban Chỉ huy các địa phương trong lưu vực. Rà soát hệ thống quan trắc cảnh báo phục vụ điều hành hồ và thông tin đến người dân, các khu vực chịu ảnh hưởng bởi điều tiết lũ ở hạ du.

Xin cảm ơn ông!

Tâm Anh thực hiện