"5 thật" và "3 không"

- Thứ Tư, 16/06/2021, 07:08 - Chia sẻ
Tại buổi làm việc mới đây với các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nêu rõ, nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vaccine là khó khăn, thách thức nhưng phải làm bằng được vì sản xuất được vaccine mới chủ động trong phòng, chống dịch và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Đặc biệt, cần có quyết tâm cao và niềm tin là Việt Nam sẽ sản xuất được vaccine phòng Covid-19, để người dân tin, tích cực tham gia, đóng góp nguồn lực vào nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất; tham gia thử nghiệm, sử dụng vaccine.

Không thể phủ nhận những khó khăn, thách thức đặt ra trong giai đoạn hiện nay đối với việc nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vaccine trong nước, khi trên thế giới có hàng nghìn hướng nghiên cứu vaccine Covid-19 nhưng chỉ có chưa tới 100 sản phẩm được kỳ vọng thành công và cũng chỉ có một số ít vaccine được sản xuất, cung ứng trên thị trường. Song, với những gì mà Việt Nam đã đạt được trong nghiên cứu và thử nghiệm cùng với ưu điểm về độ an toàn cao, cơ chế sinh miễn dịch tương đối rõ ràng, không ít chuyên gia kỳ vọng, sẽ có nguồn vaccine nội địa an toàn, ổn định.  

Theo thông tin từ Bộ Y tế, tính đến thời điểm hiện nay, cả nước có 2 nhà sản xuất đang nghiên cứu vaccine phòng Covid-19 ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Trong đó, có vaccine Nanocovax của Công ty CP Công nghệ sinh học dược Nanogen vừa được Bộ Y tế phê duyệt đề cương thử nghiệm giai đoạn 3; vaccine Covivax của Viện Vaccine và sinh phẩm Nha Trang (IVAC) đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Quy mô sản xuất trên nền cơ sở vật chất hiện có của IVAC là 6 triệu liều/năm, của Nanogen là 20 - 30 triệu liều/năm. Cùng với việc bắt tay nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, Việt Nam cũng mở rộng tìm kiếm hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine từ nước ngoài để nhanh chóng chủ động được nguồn vaccine.  

Mặc dù việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine đã có những kết quả khả quan, song vẫn còn không ít khó khăn về vốn đầu tư; nhiều đơn vị nghiên cứu cần chi phí lớn cho các giai đoạn thử nghiệm, đặc biệt là cho giai đoạn 3 và giai đoạn chuyển từ nghiên cứu sang phát triển thương mại. Trong khi đó, hỗ trợ tối đa từ nguồn ngân sách nhà nước với dự án về vaccine chỉ ở mức 50%/tổng chi phí đầu tư, chưa đủ để đơn vị nghiên cứu, sản xuất hoàn toàn yên tâm. Bên cạnh đó là thách thức trong tiếp cận các công nghệ, nguyên liệu cần thiết để hoàn thiện sản phẩm. Nói như nhiều chuyên gia, nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng Covid-19 có thể được xem như một hướng đầu tư mạo hiểm, không chỉ ở khâu nghiên cứu mà còn khó trong việc đưa sản phẩm ra thị trường. Vì thế, sự hỗ trợ từ phía Chính phủ nhằm đẩy nhanh tiến độ ra đời vaccine Covid-19 "Make in Việt Nam" là vô cùng cần thiết. 

Tập trung tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc về pháp lý, cơ chế, chính sách trên tinh thần bám sát thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine là chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, vướng mắc liên quan đến cấp nào thì đề xuất cấp đó giải quyết theo phương châm 3 không "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm". Đặc biệt, triển khai nhiều giải pháp huy động nguồn lực tài chính, kinh phí, hợp tác công - tư trên nguyên tắc hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa lợi ích Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp.

Đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine trong giai đoạn hiện nay là điều cần thiết nhưng rõ ràng, những việc càng khó, phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến tính mạng, sức khỏe của người dân thì càng phải giữ đúng nguyên tắc, quy trình, quy định. Là một trong các nước có hệ thống quản lý chất lượng quốc gia về vaccine (National Regulatory Authority-NRA) đạt tiêu chuẩn quốc tế, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận, với Việt Nam, việc tuân thủ nghiêm ngặt chuẩn mực quốc tế cũng như quy định về thử nghiệm lâm sàng vaccine, phải được đặt lên hàng đầu. Theo đó, phương châm 5 thật: "nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, người dân và doanh nghiệp thụ hưởng thật", cần được bảo đảm xuyên suốt trong quá trình tổ chức nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất, phân phối, sử dụng vaccine.

Có thể nói, sản xuất vaccine trong nước là chiến lược lâu dài, là giải pháp bền vững trong bối cảnh việc tiếp cận nguồn vaccine trên thế giới không dễ dàng; ngân sách còn khó khăn; tiêm vaccine phải tiến hành định kỳ, lâu dài. Song, để xây dựng được chiến lược, chương trình quốc gia trong nghiên cứu sản xuất, chuyển giao công nghệ vaccine, đòi hỏi các cấp, các ngành, không riêng ngành y tế phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm và quan trọng phải giữ vững phương châm "5 thật" và "3 không" theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. 

Đỗ Quyên