5G - chìa khóa thúc đẩy chuyển đổi số

- Thứ Tư, 15/12/2021, 17:56 - Chia sẻ
Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Vũ Quốc Huy cho biết, tư vấn quốc tế đề xuất trong chuyển đổi số, Việt Nam cần chú trọng sản xuất thông minh, thành phố thông minh, an ninh mạng, truyền thông số, công nghệ nông nghiệp và môi trường. Những lĩnh vực này đều đòi hỏi hạ tầng kết nối hiện đại, ổn định, tốc độ cao, do đó việc phát triển hệ sinh thái 5G đồng bộ với chuẩn quốc tế hết sức quan trọng.

5G sẽ là công nghệ truy cập di động chủ đạo

Tại Diễn đàn “Chuyển đổi số - Thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới sáng tạo với 5G” do Báo Đầu tư tổ chức sáng 14.12, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống đánh giá, Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, đem đến nhiều cơ hội đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức, cá nhân. Chuyển đổi số càng trở nên cấp bách khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, thay đổi thói quen của con người, buộc các tổ chức, cá nhân, các cơ quan quản lý nhà nước cũng phải thay đổi để thích ứng.

Ảnh minh họa

Phó Tổng thư ký Hiệp hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) Vũ Kiêm Văn cho biết, qua thực tế, các doanh nghiệp đã hiểu chuyển đổi số là thiết yếu, là yếu tố sống còn. Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 càng giúp doanh nghiệp nhìn nhận rõ nét hơn vấn đề này, vì nếu không chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thì gần như doanh nghiệp sẽ phải đóng băng hoạt động, bị bỏ lại phía sau. Những doanh nghiệp lớn đã đầu tư mạnh mẽ, xây dựng nền tảng công nghệ riêng để chuyển đổi số. Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã chú trọng ứng dụng các nền tảng điện toán đám mây trong hoạt động của mình, chủ yếu để nâng cao năng lực quản trị điều hành và tiếp cận khách hàng trên môi trường số.

“Trong bối cảnh Việt Nam đang có hoài bão số hóa xã hội, chúng tôi kỳ vọng 5G sẽ đóng vai trò nền tảng thông qua tăng cường kết nối băng rộng, cải thiện vùng phủ sóng nông thôn, tạo điều kiện thu hẹp khoảng cách số, phát triển công nghiệp 4.0 và gia tăng đóng góp của lĩnh vực truyền thông số vào GDP của Việt Nam”, ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar chia sẻ.

Theo ông Denis Brunetti, 5G là một nền tảng cho đổi mới sáng tạo. Trong khi các thế hệ công nghệ di động trước đây tập trung vào giao tiếp cá nhân và người tiêu dùng, 5G sẽ phục vụ người tiêu dùng, doanh nghiệp và đưa Internet vạn vật (IoT) lên một tầm cao mới, mà ở đó kết nối vượt trội là điều kiện tiên quyết. Ericsson dự báo tới năm 2027, 5G sẽ trở thành công nghệ truy cập di động chủ đạo. Mạng 5G sẽ bao phủ 75% thế giới dân số vào năm 2027 và chuyển mang 62% tổng lưu lượng dữ liệu di động. Ở Đông Nam Á và châu Đại Dương, vào năm 2021, thuê bao 5G dự kiến sẽ chiếm 45% tổng số thuê bao di động.

Nắm chắc “chìa khóa”

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống cho biết, công nghệ 5G là công nghệ nền tảng của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4. Việc phổ cập dịch vụ mạng di động 5G là một mục tiêu tại Chiến lược quốc gia về Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đến năm 2030.

Theo Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Vũ Quốc Huy, tư vấn quốc tế đề xuất trong chuyển đổi số, Việt Nam cần chú trọng sản xuất thông minh, thành phố thông minh, an ninh mạng, truyền thông số, công nghệ nông nghiệp và môi trường. Những lĩnh vực này đều đòi hỏi hạ tầng kết nối hiện đại, ổn định, tốc độ cao. Do đó việc phát triển hệ sinh thái 5G đồng bộ với chuẩn quốc tế hết sức quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt các doanh nghiệp sản xuất có thể thực hiện chuyển đổi số hiệu quả, tối ưu và phù hợp thực tiễn quốc tế. Các nhà máy, phân xưởng của Việt Nam có thể kết nối nhanh, ổn định hơn với nhau hoặc với các nhà máy khác trên thế giới và sử dụng cùng công nghệ, ứng dụng hay thiết bị 5G.

Để quá trình chuyển đổi số thuận lợi và xây dựng được hệ sinh thái 5G, ông Huy cho rằng cần rất nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ. Chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở việc áp dụng công nghệ thông tin, mà thực chất đó là việc thay đổi hoàn toàn tư duy, nhận thức và cách thức mà một doanh nghiệp, hay một bộ máy vận hành. Do vậy, các cơ quan quản lý cũng cần thay đổi nhận thức để có những cơ chế, chính sách phù hợp hơn; ứng dụng công nghệ gì thì nên hướng đến việc thay đổi quy trình để áp dụng hiệu quả trong dài hạn.

Minh Trang