TS. Đặng Kim Sơn, Giám đốc Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp:
Chúng ta đã nghe các ý kiến của các đại biểu rất hay, rất đa dạng. Chúng ta cũng thống nhất với nhau rằng, quy hoạch lần này khó không chỉ là vì tích hợp vùng mà còn khó vì đây là mảng đầu tiên làm theo Luật Quy hoạch mới ban hành. Đây sẽ là quy hoạch dẫn dắt cho tất cả quy hoạch trên cả nước.
Trong điều kiện có rất nhiều điều kiện biến đổi không lường trước được mà chúng ta thấy rằng rõ ràng sẽ diễn ra. Vậy, làm thế nào mà quy hoạch vừa định hướng, vừa dẫn dắt cho các quy hoạch các tỉnh đi theo, vừa khớp với quy hoạch các vùng khác sẽ xây dựng, lại mở đường cho quy hoạch ở cấp dưới, đáp ứng được tất cả các biến động chưa lường được là một bài toán khó.
Bác Hồ từng căn dặn, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, chúng ta phải đáp ứng được những quy tắc căn bản để dẫn dắt quy hoạch đi.
Vậy quy tắc đầu tiên là quy tắc trong Nghị quyết 120, đó là quy tắc thuận thiên.
ĐBSCL có thể ví nó là một cơ thể sống, một năm mùa mưa, mùa khô diễn biến theo chu kỳ, lũ lên xuống theo chu kỳ, hàng ngày, hàng tháng, biến đổi về thủy triều, biển đông, biển tây khác nhau… tất cả diễn ra như một dòng chảy của sự sống và sinh kế của người dân cũng diễn ra như vậy.
Toàn bộ cuộc sống ở đây có nhịp điệu như nhịp thở của một sinh vật vậy. Bây giờ khi chúng ta bước vào giai đoạn khi chung quanh ta có rất nhiều thay đổi, sự phát triển của chúng ta làm thay đổi tự nhiên rất nhiều. Vậy để cân bằng, bù đắp lại những điều đó như thế nào? Thúc đẩy phát triển hơn nữa phải làm như thế nào?
Vậy nguyên tắc đầu tiên phải làm như thế nào phải giữ cơ thể sống đó thông thoáng, không ngăn chặn, cản trở. Trong thời gian vừa qua, trong tâm tưởng chúng ta, vẫn có tư duy cơ giới, tư duy mong muốn áp đặt, xây dựng công trình cứng.
Vì vậy, nguyên tắc đầu tiên là thuận thiên, không hối tiếp.
Nguyên tắc thứ hai là liên kết vùng, liên kết giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng này với vùng khác, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh với Đông Nam bộ. Lao động từ ĐBSCL được rút ra hai vùng kia, năng lượng của ĐBSCL là thiếu, xây dựng đô thị, xây dựng đường xá là không có nền móng, vì vậy mối quan hệ đấy phải được xây dựng hết sức chặt chẽ và gắn bó.
Mối quan hệ đấy chỉ thực hiện được khi đảm bảo nguyên tắc các bên đều có lợi. Làm thế nào người dân, người cán bộ của vùng cảm thấy lợi ích của họ được quan tâm, tương lai của họ được đảm bảo, cơ hội của họ được mở ra. Khi chúng ta tính đến việc xây dựng công nghiệp, xây dựng đô thị thì chúng ta phải tính đến quyền lợi của họ.
Ví dụ, trong tương lai không chỉ riêng Việt Nam mà cả thế giới đều sẽ thiếu lúa gạo, vì để trồng lúa cần nước, mà nước trong tương lai là tài nguyên hiếm, vì vậy lúa gạo trong tương lai sẽ rất đắt. Vậy làm thế nào để chúng ta duy trì được vựa lúa của thế giới, đất nước chúng ta không cần thiết phải xuất khẩu nhiều mà phải duy trì được, đảm bảo an ninh lương thực, xây dựng những chính sách bù đắp lại cho địa phương trồng lúa, cho người dân trồng lúa phải được thể hiện trong quy hoạch.
Làm thế nào nguyên tắc đảm bảo lợi ích của tất cả các bên, nhất là người dân phải được chú ý chính là nguyên tắc thứ hai.
Về nguyên tắc thứ ba, có thể nói cả Đông Nam Á ít có vùng châu thổ nào phì nhiêu, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp như ĐBSCL, một vùng sản xuất với lợi thế đặc biệt như vậy phải được coi trọng. Do đó, nếu chúng ta sản xuất công nghiệp, dịch vụ, phát triển đô thị thì cũng phải lấy điều đó làm trục xoay quanh. Không ai có thể công nghiệp hóa bằng nông nghiệp được mà phải dựa vào công nghiệp, dựa vào dịch vụ nhưng mà riêng đối với vùng này thì công nghiệp, dịch vụ, đô thị phải xoay quanh lợi thế này để ủng hộ nó. Công nghiệp phải sản xuất vật tư đầu vào, vật liệu đầu vào cho nông nghiệp, chế biến nông sản đầu ra, làm dịch vụ logistics cho nông nghiệp, làm thế nào để thúc đẩy thế mạnh của vùng, tạo ra công ăn việc làm cho bà con nông dân vùng, tăng giá trị gia tăng cho giá trị sản phẩm cho vùng.
Tôi nghĩ nếu chúng ta tập trung vào 3 nguyên tắc đấy với các ý kiến của các đại biểu đã đóng góp thì quy hoạch sẽ rất tốt, không những hiệu quả mà còn vững bền về lâu dài.