Đọc sách

A Map of Betrayal - Con đường phản bội

- Thứ Sáu, 05/03/2021, 07:43 - Chia sẻ

Trước hết đây là một quyển sách gợi trí tò mò và khá hấp dẫn. Ngay sau khi quân giải phóng Trung Quốc giành được chính quyền năm 1949, một điệp viên Trung Quốc đã được cử sang Mỹ, cài cắm ở đấy, rồi chui được vào cơ quan tình báo CIA của Mỹ, thường xuyên nhận chỉ thị từ Trung Quốc và đều đặn gửi báo cáo tình hình về nước.

Hơn ba chục năm làm công việc của điệp viên hai mang, tâm trạng ông ta giằng xé giữa nỗi nhớ thương người vợ ở Trung Quốc cùng hai đứa con đồng thời cũng nặng tình với người vợ Mỹ cùng một cô con gái. Day dứt nhưng ông ta hoàn toàn tin tưởng rằng mình đang làm công việc phụng sự tổ quốc Trung Hoa cũng như rất yêu quý nước Mỹ.

Câu chuyện được người con gái Mỹ của ông kể lại theo hình thức biên niên, dựa theo những tập nhật ký ông để lại. Dọc theo câu chuyện biên niên tuần tự này là bối cảnh Trung Quốc từ năm 1949 đến nay, tất nhiên mang trong đó những nét phác về quan hệ Trung - Mỹ trong bối cảnh toàn cầu.

Tác giả để cho nhân vật kể ở ngôi thứ nhất, cho nên không tránh khỏi những hạn hẹp về không gian và cả tâm lý. Chẳng hạn khi cô giáo sư tìm về làng cũ của bà mẹ cả, nghe chuyện bà đã phải rời làng từ lâu, thì việc cô “bùng lên một nỗi giận dữ bất ngờ” (trang 80) hoặc hơi tí là chảy nước mắt khóc thương cho bà vợ cả của cha mình (trang 132) là phản ứng cường điệu. Cũng cường điệu là chuyện bà người tình của ông tình báo bay sang Hồng Kông, sang Bắc Kinh, gặp Bộ trưởng An ninh quốc gia và đòi gặp lãnh đạo để minh oan cho nhà tình báo, và khi yêu cầu vô lý không đạt được thì “ta nổi điên và hét vào mặt chúng” (trang 415). Những trạng thái kích động và cường điệu này thể hiện sự thiếu tinh tế của người viết. Rồi chuyện hoạt động tình báo tuyệt đối bí mật lại được đem ra kể cho vợ con, cho người tình, kể tỉ mỉ giữa dì và cháu cứ thản nhiên như không. Đây là tử huyệt của các nhân vật tình báo và cũng là tử huyệt của tác giả, vì ông không tìm ra được cách viết dễ thuyết phục người đọc hơn. Tác giả cũng không làm cho người đọc tin được khi để Bộ trưởng An ninh quốc gia đích thân sang Hồng Kông trao huân chương chiến công cho nhà tình báo Trung Quốc bay từ Mỹ sang trong một “bữa đại tiệc xa xỉ”, cứ như chẳng có tai mắt tình báo nào của các nước dõi theo họ.

Ha Jin (Cáp Kim) là nhà văn Mỹ gốc Trung Quốc. Ông từng đoạt giải sách quốc gia Mỹ với tiểu thuyết Đợi chờ (NXB Văn học 2006).

Bản dịch Con đường phản bội khá sáng rõ. Nếu được biên tập kỹ hơn thì tránh được nhiều lỗi dùng từ của người dịch.

Chẳng hạn khi nói về ông bà cha mẹ, người dịch thường để cho nhân vật gọi là “ông ấy, bà ấy”. Trừ trường hợp đặc biệt, còn thông thường cách gọi đó với người nhiều tuổi là vô ý và vô lễ.

Trang 48: hồi phục lại… kháng cự lại - thừa chữ “lại”.

Trang 82: mộ phần của ông bà tôi nằm ngay bên ngoài làng - mộ phần (còn gọi là sinh phần) là mộ dành sẵn cho người chưa chết, còn trong truyện thì ông bà đã mất.

Trang 93: suýt chút nữa - chỉ nên dùng “suýt nữa” hoặc “chút nữa”.

Trang 142: triệu hồi anh về - “triệu hồi anh” hoặc “triệu anh về”.

Trang 163: đôi mắt lẳng lơ và bạo dạn của Thomas - lẳng lơ chỉ để nói về phụ nữ, còn ở đây Thomas là đàn ông.

Trang 210: khẩu phần cứu cánh này - dùng sai từ, cứu cánh có nghĩa là mục đích cuối cùng.

Trang 214: nếu em sang Mỹ trước tuổi vị thành niên - chính xác phải là “… trước tuổi thành niên” hoặc “nếu em sang Mỹ khi còn vị thành niên”.

Trang 340: kinh kịch Bắc Kinh - chữ “Kinh” trong “Kinh kịch” đã có nghĩa là Bắc Kinh rồi.  

Trang 342: tương đương khoảng tám ngàn - chỉ nên dùng “tương đương tám ngàn” hoặc “khoảng tám ngàn”.

Trang 416: dì vượt trội hơn mẹ cháu về mọi phương diện - “dì trội hơn mẹ cháu về mọi phương diện” hoặc “dì vượt mẹ cháu về mọi phương diện”.

------------

* A Map of Betrayal - Con đường phản bội, tiểu thuyết của Ha Jin, Huỳnh Hoa dịch, PhanBook và NXB Phụ nữ Việt Nam 2021

Hồ Anh Thái