ABAC kêu gọi ứng phó với những thách thức toàn cầu

- Thứ Năm, 05/08/2021, 05:43 - Chia sẻ
Bên cạnh việc đối phó với đại dịch Covid-19, Chủ tịch ABAC kêu gọi toàn cầu cũng cần phải có phương án giải quyết những vấn đề khác như biến đổi khí hậu, tăng trưởng kỹ thuật số và sự gián đoạn kỹ thuật số.
Nguồn: apec.org

Trong cuộc họp trực tuyến lần thứ 3 trong năm 2021, Hội đồng Tư vấn kinh doanh của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã đưa ra tuyên bố, toàn cầu phải cùng nhau tìm ra các giải pháp đồng bộ, kịp thời để ứng phó với những thách thức toàn cầu phức tạp là giải pháp duy nhất để khu vực tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Chủ tịch ABAC trong năm 2021 Rachel Taulelei cho biết thêm, Hội đồng đã hoàn thiện báo cáo thường niên để gửi đến lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC.

Bà Racheal Taulelei đã đưa thông điệp chính của ABAC gửi đến các nhà lãnh đạo, một tương lai thịnh vượng, hòa bình và kiên cường sẽ chỉ đạt được thông qua nỗ lực tập thể. Mặc dù, đại dịch Covid-19 đang là vấn đề cấp bách nhất, song các nước cũng cần phải đưa ra phương án giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu vì những thảm họa thiên nhiên đang diễn ra với tần suất ngày một nhiều trong thời gian gần đây, tăng trưởng kinh tế đang giảm sút và sự gián đoạn kỹ thuật số. Chỉ hành động một mình không phải là chiến lược đúng đắn trong một thế giới liên kết sâu rộng.

Trong báo cáo của ABAC, Hội đồng này đã đưa ra một loạt khuyến nghị phản ánh các vấn đề phức tạp mà khu vực phải đối mặt, và ưu tiên quan trọng nhất hiện nay là các nền kinh tế thành viên cần đoàn kết ứng phó với đại dịch Covid-19. Chủ tịch ABAC nhắc lại chủ đề của ABAC 2021 là "Con người, khu vực và sự thịnh vượng," đồng thời nhấn mạnh “hạnh phúc của người dân phải là trọng tâm của tất cả những gì chúng ta đang làm”. Nếu muốn đẩy lùi đại dịch, toàn cầu cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, bảo đảm việc tiêm chủng được thực hiện bình đẳng hơn và phổ cập hơn thông qua thúc đẩy tự do giao thương trong lĩnh vực vaccine, vật tư và dịch vụ y tế thiết yếu. 

Bên cạnh đó, ABAC cũng kêu gọi xây dựng hệ thống thực phẩm tăng cường ứng dụng kỹ thuật số và thúc đẩy thương mại, và điều cơ bản để đạt được tất cả các mục tiêu khác là phải bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ cho mọi người dân. Cơ quan này cũng cam kết, bảo đảm tính bền vững sẽ là nền tảng thúc đẩy tất cả các hoạt động kinh tế của APEC tiếp tục phát triển, và để đạt được mục tiêu đó, cơ quan này đã thống nhất một bộ Nguyên tắc lãnh đạo về biến đổi khí hậu và một khuôn khổ cho thương mại trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Với mục tiêu thịnh vượng, APEC có thể chứng tỏ vai trò lãnh đạo, bằng cách ủng hộ một Tổ chức Thương mại Thế giới đáng tin cậy, nhằm thúc đẩy Khu vực thương mại tự do bền vững ở châu Á - Thái Bình Dương, cũng như bảo đảm việc tận dụng hết tiềm năng của nền kinh tế kỹ thuật số.

APEC là diễn đàn kinh tế khu vực được thành lập vào năm 1989, nhằm thúc đẩy sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuyên bố Putrajaya về Tầm nhìn APEC 2040 vạch ra tương lai khu vực là một cộng đồng cởi mở, năng động, kiên cường và hòa bình.

Như Ý