Sổ tay:

Ai biết, ai đánh giá?

- Thứ Hai, 28/06/2021, 06:06 - Chia sẻ
Nhằm nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức... nhiều bộ, ngành, địa phương đã ban hành quy tắc ứng xử nơi công sở. Dẫu vậy, để các Bộ quy tắc này phát huy hiệu quả, cần cơ chế kiểm tra, giám sát, gắn với công tác thi đua khen thưởng hằng năm.

Ngay sau Quyết định số 733/QĐ-TTg ngày 14.6.2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở" giai đoạn 2019 - 2025 được ban hành, nhiều bộ, ngành, địa phương như Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Bộ Tài Nguyên và Môi trường... đã có kế hoạch, chương trình hưởng ứng. Mới đây, Bộ Nội vụ với Quyết định số 758/QĐ-BNV đã ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Bộ với nhiều quy định đáng chú ý liên quan đến lề lối, tác phong cũng như cách ứng xử, trang phục, giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức.

Các quy tắc này là cơ sở để mỗi cá nhân cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tự điều chỉnh hành vi của mình nhằm đạt tới văn hóa công sở. Chẳng hạn, Bộ quy tắc ứng xử của Bộ Nội vụ quy định rõ công chức phải thực hiện "4 xin, 4 luôn": Xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ; đồng thời quy định trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vi phạm quy tắc tùy theo mức độ sẽ bị nhắc nhở, phê bình; trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật và quy định của Bộ Nội vụ.

Không thể phủ nhận, từ những bộ quy tắc ứng xử được các bộ, ngành, địa phương ban hành thời gian qua, đội ngũ công chức, viên chức đã ngày càng chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa thực hiện đúng các quy tắc được đưa ra; nhiều cán bộ vẫn ăn mặc thiếu lịch sự... Mặc dù, hầu hết các bộ quy tắc ứng xử đều quy định rõ chuẩn mực ứng xử của công chức với người dân khi giải quyết công việc, đó là khi giao tiếp với người dân phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình và giải thích cặn kẽ với người dân... song thực tế, một số công chức, viên chức không thực hiện, gây bức xúc cho người dân.

Đơn cử tại Hà Nội, gần đây một số cán bộ vi phạm lối sống văn hóa, cán bộ, công chức hành xử không đúng mực như gây náo loạn ở sân bay, cãi nhau ở đường phố. Hoặc, nếu nhìn từ chỉ số đánh giá sự hài lòng đối với công chức giải quyết công việc cho thấy, ở cấp tỉnh thấp hơn cấp huyện, cấp xã; lĩnh vực tài nguyên - môi trường vẫn tiếp tục có điểm số thấp nhất. 

Việc xây dựng, ban hành các bộ quy tắc ứng xử là điều cần thiết và rất đáng hoan nghênh. Bởi từ đây, phong cách, hành vi ứng xử văn hóa của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sẽ được hiện thực hóa và nhân lên. Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai trong thực tiễn như thế nào để các bộ quy tắc ứng xử "sống được" đòi hỏi cơ chế giám sát, kiểm tra, nhắc nhở phù hợp; đặc biệt cần gắn với công tác đánh giá thi đua hằng năm. Đồng thời cũng cần công khai rộng rãi ở các địa điểm tiếp dân; bộ phận một cửa để cá nhân, tổ chức biết về bộ quy tắc, tránh ban hành cho có, cho đủ, không ai biết để áp dụng, đánh giá.

Hải Thanh