AIPA - EP tăng cường hợp tác vượt qua đại dịch

- Thứ Ba, 22/06/2021, 19:49 - Chia sẻ
Chiều 22.6, tại Nhà Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tham dự phiên đối thoại Nghị viện liên khu vực giữa Hội đồng Liên Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) và Nghị viện châu Âu (EP), được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong và Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng đại diện cho Quốc hội Việt Nam dự phiên đối thoại
Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong và Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng đại diện cho Quốc hội Việt Nam dự phiên đối thoại

Phiên đối thoại có sự tham dự của: Phó Chủ tịch EP Heidi Hautala; Tổng Thư ký AIPA Nguyễn Tường Vân; các thành viên Đoàn Nghị sĩ phụ trách quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á và ASEAN của EP (DASE) và các nghị sĩ đại diện cho 10 Nghị viện thành viên AIPA. Chủ tịch DASE Daniel Caspary điều hành phiên đối thoại.

Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự phiên đối thoại có: Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong và Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng.

Đây là lần đầu tiên AIPA và EP tổ chức phiên đối thoại Nghị viện liên khu vực nhằm tăng cường hợp tác giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU). Phiên đối thoại thảo luận hai chủ đề: “Tương lai của thương mại ASEAN - EU: Cách tiếp cận song phương và khu vực” và “Ứng phó với Đại dịch Covid-19: Giảm thiểu những tác động tiêu cực”.

	Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch Covid-19 tại phiên đối thoại
Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch Covid-19 tại phiên đối thoại

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch EP Heidi Hautala cho biết, ý tưởng về tăng cường các cuộc trao đổi giữa ASEAN - EU ở cấp Nghị viện khu vực đã được EP cân nhắc từ lâu, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và một số nguyên nhân khách quan khác nên phiên đối thoại này không thể diễn ra sớm hơn. Bày tỏ vui mừng khi AIPA và EP đã hiện thực hóa ý tưởng này, Phó Chủ tịch EP tin tưởng, việc hai bên tổ chức phiên đối thoại liên nghị viện khu vực đầu tiên sẽ khởi động cho cơ chế đối thoại thường niên giữa các nhà lập pháp của ASEAN và EU bên cạnh cơ chế đối thoại giữa hai bên được tổ chức tại các kỳ Đại hội đồng AIPA.

Tại phiên đối thoại, các đại biểu cho rằng, ASEAN và EU là những đối tác tự nhiên, cùng chia sẻ nhiều nét tương đồng và lợi ích chung. Trong bối cảnh chủ nghĩa đa phương và các nỗ lực xây dựng trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức hiện nay, ASEAN và EU cần phát huy lợi thế bản sắc khu vực và tăng cường hợp tác liên khu vực ở mọi cấp độ, trong đó có cấp Nghị viện.

Các đại biểu cũng đánh giá, hai chủ đề được lựa chọn để thảo luận tại phiên đối thoại đầu tiên giữa AIPA và EP phù hợp với mối quan tâm chung của các nghị sĩ, bởi thương mại và kinh tế luôn là xương sống trong quan hệ hợp tác ASEAN - EU nhiều năm qua. Trong bối cảnh cả ASEAN và EU cùng đang phải đối phó với đại dịch Covid-19, việc các nghị sĩ của hai khu vực cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong kiểm soát dịch bệnh, vực dậy nền kinh tế sau đại dịch cũng phù hợp và cần thiết.

Phiên đối thoại do Ban Thư ký AIPA phối hợp với Đoàn nghị sĩ phụ trách quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á và ASEAN của EP phối hợp tổ chức theo hình thức trực tuyến
Phiên đối thoại do Ban Thư ký AIPA phối hợp với Đoàn nghị sĩ phụ trách quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á và ASEAN của EP phối hợp tổ chức theo hình thức trực tuyến

Chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong ứng phó với đại dịch Covid-19, Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Đôn Tuấn Phong cho biết, Việt Nam đã triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch từ rất sớm, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Ngay từ tháng 1.2020, với tinh thần chống dịch như chống giặc, Chính phủ đã nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 với sự tham gia của đại diện Quốc hội Việt Nam để xây dựng và tổ chức triển khai các kế hoạch, biện pháp trong phòng, chống, điều trị và điều phối giải quyết các vấn đề khác liên quan đến Covid-19. Quốc hội đã thông qua các Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và những người có thu nhập thấp để vượt qua khó khăn do dịch bệnh; đề nghị của Chính phủ về việc triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ USD) nhằm kịp thời hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Nghị quyết bổ sung nhóm hàng vật tư, trang thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia; một số dự án luật nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư... Quốc hội cũng đã cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về cơ chế, chính sách xã hội hóa mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất trong nước và tiêm vaccine phòng Covid-19; đề nghị Chính phủ sớm xây dựng và trình Quốc hội Luật Dự phòng và nâng cao sức khỏe Nhân dân để hoàn thiện hành lang pháp lý về lĩnh vực y tế dự phòng, trong đó có công tác phòng, chống dịch Covid-19. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết về việc sử dụng sử dụng hơn 12.000 tỷ đồng (khoảng 520 triệu USD) để mua vaccine phòng Covid - 19.

Hiện nay, đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Việt Nam kiên trì triển khai các biện pháp một cách chủ động, linh hoạt thích ứng để đạt mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi kinh tế. Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam khẳng định, Việt Nam luôn mong muốn nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế để vượt qua đại dịch Covid-19, góp phần xây dựng một thế giới an toàn và thịnh vượng.

Thanh Chi