An toàn là yêu cầu hàng đầu

- Thứ Tư, 07/07/2021, 07:19 - Chia sẻ
Sáng nay, hơn 1 triệu học sinh lớp 12 trên cả nước bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1. Như thông lệ, kỳ thi nhằm đánh giá kết quả học tập của các em sau 12 năm đèn sách, đồng thời kết quả thi của thí sinh là căn cứ để các trường đại học, cao đẳng xét tuyển.

Đây là năm thứ 2 chúng ta tổ chức kỳ thi cuối cùng ở bậc phổ thông với quy mô toàn quốc trong điều kiện dịch bệnh Covid - 19 diễn biến rất phức tạp. Dịch xuất hiện trên diện rộng -  ở 55 tỉnh, thành phố; nhiều khu vực đang bị phong tỏa, cách ly; và cả nước có hơn 700 thí sinh “F”. Trong bối cảnh như vậy, sự an toàn của kỳ thi phải là yêu cầu hàng đầu.

Trước hết là an toàn phòng chống dịch bệnh cho cả thầy và trò. Có thể thấy tới giờ phút này các địa phương đã cố gắng lo liệu chu toàn nhất. Tất cả đều bố trí điểm thi dự phòng, phòng thi dự phòng. Mỗi điểm thi có ít nhất 2 cán bộ y tế (thay vì chỉ có 1 cán bộ y tế như những kỳ thi trước) và huy động lực lượng ứng trực để xử lý tình huống đột xuất. Rất nhiều tỉnh, thành phố tổ chức xét nghiệm Covid - 19 cho toàn bộ thí sinh cán bộ, giáo viên làm thi; một số nơi còn ưu tiên tiêm vaccine cho những đối tượng này hoặc cấm đi khỏi địa phương trước thời gian diễn ra kỳ thi 2 - 3 tuần. Đồng thời, tuyên truyền phụ huynh đưa đón các em cách điểm thi vài chục mét và không tập trung đông đúc…

Những địa phương cho thí sinh F1, F2 thi cùng đợt này thì tổ chức điểm thi riêng cho các em và triển khai nhiều biện pháp phòng dịch. Ví dụ, mỗi phòng thi có tối đa 12 thí sinh (giảm một nửa so với phòng thi thông thường) để bảo đảm giãn cách; được phun khử khuẩn trước và sau mỗi buổi thi…

Ngay trong buổi làm thủ tục thi vào chiều qua, thí sinh tại các điểm thi đều được phân luồng đón tiếp để bảo đảm giãn cách. Tất cả biện pháp phòng dịch như đo nhiệt độ, hướng dẫn thực hiện nguyên tắc 5K, khai báo y tế… đều được kích hoạt.

Không giới hạn trong vấn đề dịch bệnh, từ khóa “an toàn” suy rộng ra là tổ chức kỳ thi thực sự nghiêm túc, không có gian lận, không xảy ra những sự cố đáng tiếc. Bởi các thiết bị công nghệ siêu nhỏ có chức năng ghi âm, ghi hình, chụp ảnh… hiện rất sẵn trên thị trường. Việc phải đeo khẩu trang trong quá trình thi có thể là “cơ hội” để một số em lợi dụng để thực hiện hành vi gian lận thi cử. Vì vậy, ngoài những giải pháp như yêu cầu thí sinh thay khẩu trang, kiểm tra khẩu trang trước khi vào phòng thi… sự tinh ý của cán bộ coi trong việc quan sát nét mặt, thái độ, hành vi của thí sinh là rất quan trọng, giúp kịp thời phát hiện vi phạm.

Bên cạnh đó, mỗi thầy cô làm công tác thi đều gánh trách nhiệm rất lớn để tránh những sai sót chủ quan, không đáng có như đã từng xảy ra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Cụ thể, hơn 100 thí sinh ở 3 tỉnh Điện Biên, Bắc Ninh, Bình Phước phải làm lại bài thi chỉ vì lỗi nghiệp vụ sơ đẳng - phát đề chậm, ký nhầm chỗ, không kiểm tra lại danh sách thí sinh - của cán bộ coi thi.

Các đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đánh giá cao công tác chuẩn bị của các địa phương. Mặc dù vậy, bối cảnh hiện tại không cho phép chủ quan, lơ là, mất cảnh giác dù chỉ trong chốc lát. Sai một ly có thể đi một dặm, ảnh hưởng tới toàn bộ nỗ lực chung và thành công của kỳ thi. Do đó, các địa phương cần tiếp tục quán triệt thí sinh, cán bộ làm công tác thi nghiêm túc chấp hành các quy định phòng chống dịch và quy chế thi; nắm chắc diễn biến dịch bệnh; lường trước các tình huống có thể phát sinh và bình tĩnh xử lý… để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho kỳ thi ở mọi phương diện.

Cẩm Phô