Phát triển Quỹ Bảo hiểm xã hội

An toàn và bền vững

- Thứ Ba, 02/11/2021, 06:24 - Chia sẻ
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, công tác phát triển người tham gia BHXH vẫn đạt kết quả tích cực, với 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Công tác quản lý Quỹ BHXH cũng luôn được BHXH Việt Nam đặt lên hàng đầu, theo hướng phát triển bền vững và bảo đảm quyền lợi người tham gia.

An toàn quỹ luôn đặt lên hàng đầu

Nhằm bảo đảm nguyên tắc sinh lời và an toàn, Hội đồng Quản lý BHXH Việt Nam quyết định hướng đầu tư quỹ chủ yếu vào mua trái phiếu Chính phủ, còn gửi vào ngân hàng thương mại chỉ ngắn hạn. Theo báo cáo, tổng số kết dư đầu tư quỹ đến hết năm 2020 là 897,7 nghìn tỷ đồng (tăng 10,33% so với cùng kỳ năm 2019), trong đó, 86,8% là đầu tư vào trái phiếu Chính phủ. Số tiền sinh lời từ hoạt động đầu tư quỹ năm 2020 là 47.592,7 tỷ đồng, lãi suất đầu tư bình quân đạt 5,02%, cao hơn 1,79% so với lạm phát năm 2020 (3,23%).

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, lĩnh vực BHXH ở Việt Nam còn non trẻ, mới bắt đầu từ năm 1995, tuy nhiên, đến nay đã có bước phát triển tương đối nhanh, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, cơ bản đáp ứng và phù hợp với thông lệ quốc tế. Quỹ BHXH đã thực sự trở thành một quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có quy mô lớn nhất bên cạnh ngân sách nhà nước. Theo đó, quy mô quỹ phát triển nhanh, với số kết dư tăng từ 7.500 tỷ đồng năm 1998 lên gần 1 triệu tỷ đồng năm 2020, tăng gấp 120 lần. Tốc độ tăng trưởng bình quân năm sau cao hơn năm trước 20%. Các quỹ ngắn hạn cơ bản vừa đáp ứng được các mục tiêu chính sách, đến nay, kết dư tương đối an toàn.

Liên quan tới vấn đề an toàn quỹ BHXH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm, vài năm trước đây, lo lắng lớn nhất là vấn đề an toàn quỹ, với rất nhiều chiều thông tin. Tuy nhiên, đến giờ có thể khẳng định, quỹ bền vững, thậm chí còn dành một lượng tiền rất lớn kết dư để hỗ trợ người lao động và chủ sử dụng lao động. Cụ thể, trong 4 tháng qua, tác động của đại dịch rất phức tạp và ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống xã hội nhưng do BHXH hoạt động hiệu quả, có tích luỹ, mới quyết định được 2 chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68, Nghị quyết 116.

Cùng chung quan điểm, ĐBQH Trần Thị Hiền (Hà Nam) nhận định, việc quản lý, vận hành quỹ BHXH đã đạt được những kết quả tích cực, từ khâu tổ chức thực hiện chính sách, chế độ, phát triển và quản lý đối tượng, quản lý và sử dụng quỹ bảo đảm an toàn, cân đối thu - chi cho đến việc đầu tư, phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý...

Qua báo cáo của Chính phủ cho thấy, các quỹ có tính chất ngắn hạn đều có kết dư và bảo đảm cân đối. Chẳng hạn, quỹ ốm đau, thai sản năm 2019 kết dư 12,97 nghìn tỷ đồng, năm 2020 kết dư 13,47 nghìn tỷ đồng; quỹ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp kết dư năm 2019 là 47,87 nghìn tỷ đồng, năm 2020 kết dư 54 nghìn tỷ đồng; tương tự quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) kết dư 2 năm là 85,5 nghìn tỷ đồng và 90,59 nghìn tỷ đồng. Do vậy, một số ý kiến cho rằng, cần tính toán để sửa đổi một số quỹ cho phù hợp hơn, đúng tính chất của quỹ ngắn hạn. Đối với quỹ hưu trí, tử tuất, mặc dù vẫn đang kết dư lớn, song cần tính toán thận trọng, kỹ càng hơn nhằm bảo đảm cân đối trong dài hạn, nhất là với sự thay đổi về đặc điểm của quy mô và cơ cấu dân số, nguyên tắc đóng - hưởng và cân đối giữa mức đóng - mức hưởng.

Phát triển, quản lý an toàn, hiệu quả Quỹ Bảo hiểm xã hội

Nguồn: ITN

Tình hình chậm đóng BHXH tiếp tục gia tăng

Cùng với việc cân đối quỹ BHXH, không ít ý kiến băn khoăn về việc bảo đảm nguồn thu cho quỹ, nhất là khi tình trạng chậm đóng, nợ đọng BHXH còn tiếp diễn. Theo Báo cáo tóm tắt thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020; số thu BHXH bắt buộc tăng 6,25% nhưng tốc độ tăng thấp hơn so với tốc độ tăng thu của năm 2019.

Thực tế, báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, tổng số nợ đọng BHXH hiện khoảng 11.600 tỷ đồng và tình trạng nợ gia tăng do Covid-19, ảnh hưởng đến quyền an sinh xã hội của người lao động. Khi doanh nghiệp nợ thì người lao động không được giải quyết các chế độ, không chốt được sổ BHXH để chuyển đến nơi làm mới. Trong khi đó, người lao động đã thực hiện đóng nộp BHXH đủ cho chủ sử dụng lao động. Cùng với đó, hành vi đóng nộp BHXH không đúng, không đủ theo mức lương cũng diễn ra nhiều. Qua kiểm tra cho thấy, nhiều doanh nghiệp có tình trạng xây dựng 2 bảng lương (trả người lao động và đóng BHXH) và bảng lương dùng để đóng BHXH rất thấp so với tổng thu nhập trả cho người lao động. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc bảo đảm nguồn quỹ BHXH.

Dù tình trạng nợ BHXH diễn ra nhiều, ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng trăm nghìn người lao động, nhưng việc khởi kiện với hành vi này lại đang vướng mắc. Sau gần 6 năm, số doanh nghiệp nợ tăng và chưa có doanh nghiệp nào được Tòa án đưa ra xét xử do vướng về mặt pháp lý, mặc dù Công đoàn đã chuyển hơn 500 hồ sơ sang Tòa án. Mặt khác, hiện nay, số vụ thanh tra nhiều nhưng xử lý vi phạm ít, do không có biện pháp cưỡng chế xử lý hành chính nên nhiều doanh nghiệp không thực hiện. Dù Bộ luật Hình sự đã đưa tội danh trốn đóng BHXH vào xử lý hình sự nhưng sau 5 năm áp dụng, gần như chưa có vụ nào được xử lý, dẫn đến nhờn luật và không công bằng với doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc quy định về BHXH.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh thông tin, thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam đã sử dụng đồng bộ các biện pháp quản lý như liên thông dữ liệu với cơ quan thuế… nên đã phát hiện nhiều người chậm đóng, trốn đóng, không khai báo và đã tăng số người tham gia. Đồng thời, ứng dụng VssID ra đời cũng giúp người lao động tra cứu được quá trình đóng - hưởng BHXH, BHYT của mình.

Dương Cầm