Áp dụng khoa học công nghệ cao để kiểm soát ô nhiễm xuyên biên giới

- Thứ Hai, 17/09/2018, 09:19 - Chia sẻ
Việt Nam đã tăng tỷ lệ che phủ rừng từ 38,7% năm 2008 lên 41,45% vào cuối năm 2017, diện tích rừng bị thiệt hại do cháy rừng giảm từ 1.550ha năm 2008 xuống còn 357ha vào năm 2017. Bên cạnh đó, đẩy mạnh triển khai nghiên cứu và áp dụng những hệ thống, thiết bị ứng dụng công nghệ thông minh trong bảo vệ và phát triển rừng, phát triển hệ thống giám sát cháy rừng trực tuyến - Firewatch Việt Nam.

Giảm tác động từ ô nhiễm khói mù

Hiệp định ASEAN về kiểm soát khói mù xuyên biên giới được ký năm 2012 với sự tham gia của 5 quốc gia thành viên nhằm cùng nhau “ngăn ngừa, kiểm soát” các nguồn cháy, giảm thiểu các tác động tiêu cực về tài sản, tài nguyên và ô nhiễm khói mù của đất nước mình, giảm thiểu các tác động tiêu cực bởi khói mù sang các nước láng giềng. Các nghiên cứu về ô nhiễm không khí xuyên biên giới đã được thực hiện ở Việt Nam mới dừng lại việc ứng dụng phương pháp mô hình nên độ chính xác của các kết quả chưa được cao. Hiện nay, việc ứng dụng ảnh viễn thám trong đánh giá lan truyền ô nhiễm không khí đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới và cho những kết quả có độ tin cậy cao. Với điều kiện của Việt Nam, nguồn ảnh viễn thám khá phong phú nhưng chưa được khai thác vào mục đích này. Chính vì vậy, các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu kết hợp cả ảnh viễn thám chất lượng cao và kết quả quan trắc được thiết lập đo tự động tại các điểm toàn tuyến biên giới phía Bắc.

Tại  Hội nghị cấp Bộ trưởng các nước tiểu vùng sông Mê Kông về kiểm soát ô nhiễm khói mù xuyên biên giới GS. TS. Phạm Văn Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN - PTNT cho biết: Hiệp định ASEAN về ô nhiễm khói xuyên biên giới (AATHP) như một cột mốc quan trọng của các nước thành viên ASEAN (AMS) để hợp tác trong lĩnh vực chữa cháy và kiểm soát, và giảm các tác động tiêu cực của ô nhiễm khói mù. Mặc dù, có những tác động của biến đổi khí hậu nhưng Việt Nam đã tăng tỷ lệ che phủ rừng từ 23,7% năm 2004 lên 41,45% vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, công tác phòng chống cháy rừng còn gặp nhiều khó khăn thách thức do các nguyên nhân biến đổi khí hậu, nhận thức của cộng đồng còn kém…

Khói mù, ô nhiễm không khí là tác nhân gây ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, kinh tế và xã hội ở nhiều nước trong khu vực ASEAN. Do tính không biên giới của các tác động môi trường, việc giải quyết vấn đề này là nhiệm vụ chung của khu vực. Việt Nam đang tích cực và cam kết dành mọi nguồn lực cần thiết để thực hiện tốt những hoạt động về quản lý rừng bền vững, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, trong đó công tác phòng cháy, chữa cháy rừng luôn được quan tâm hàng đầu. Đồng thời tăng cường sự hợp tác toàn diện của các nước tiểu vùng sông Mê Kông, sự chung tay của các nhà tài trợ và các tổ chức quốc tế để cùng nhau hành động vì một cộng đồng ASEAN luôn có môi trường trong sạch, phát triển bền vững.

Ứng dụng KHCN giảm nguy cơ cháy rừng

Cháy rừng là một trong những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm không khí. Khói, bụi ùn ùn bay vào trong không khí làm cho vùng trời xung quanh đó bị bao trùm trong khối khí bụi. Những người dân sống trong khu vực bị ảnh hưởng lớn tới sức khỏe. Những triệu chứng khi hít phải những khí đó là khó thở, ho ảnh hưởng nhiều đến hệ hô hấp. Theo số liệu thống kê nước ta có đến ¾ diện tích đồi núi, thế nhưng chỉ sau có vài chục năm thì những số liệu thống kê đó đã bị giảm đi rất nhiều. Một phần là do bàn tay con người phá hủy một mặt khác là do biến đổi khí hậu, nắng nóng thất thường dẫn đến cháy rừng.

Việt Nam đã có những hệ thống, thiết bị ứng dụng công nghệ thông minh trong việc bảo vệ rừng và phát triển rừng. Trong lĩnh vực bảo vệ rừng, hiện đang có công nghệ phòng cháy, chữa cháy rừng và phòng chống dịch bệnh cây rừng. Trước đây, phòng cháy, chữa cháy dự báo bằng thủ công nhưng nhờ hệ thống tự động thu thập thông tin ở các khu rừng dễ cháy, tích hợp số liệu về rừng, thời tiết, địa hình để dự báo nguy cơ cháy cho từng trạng thái rừng và tự động gửi thông tin đến các đơn vị, chủ rừng có đăng ký. Cục Kiểm lâm đã có trạm quan trắc thời tiết riêng để phục vụ cho dự báo, cảnh báo. Khi có nguy cơ cháy rừng cao, hệ thống cũng tự động xây dựng các biện pháp phòng cháy ở từng khu rừng và gửi đến các đơn vị quản lý rừng. Khi có cháy, hệ thống cũng tự động xây dựng phương án chữa cháy rừng cho từng khu rừng, từng trạng thái rừng một cách hiệu quả nhất. Phương án cũng sẽ được chuyển ngay đến cho các lực lượng chuyên môn tham gia chữa cháy.
GS. Vương Văn Quỳnh - Trường Đại học Lâm nghiệp cho biết: Hiện nay, chúng ta đang phát triển các thiết bị có thể phát hiện các đám cháy, nhưng hiện mới ở bước nghiên cứu, thử nghiệm. Đây là thời điểm tốt để phát triển các loại công nghệ tự động hóa, phát triển cơ giới hóa trong bảo vệ và phát triển rừng.

Bên cạnh đó cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về nguy cơ cháy rừng trước khi họ bước chân vào rừng là rất cần thiết bởi hầu hết các vụ cháy rừng là do sự bất cẩn của người dân khi sử dụng củi lửa trong rừng. Chỉ cần một tàn lửa nhỏ trong cánh rừng khô hạn thì cũng có thể gây ra một vụ cháy lớn.

Tùng Lâm