Áp dụng kỷ luật tích cực

- Thứ Ba, 02/11/2021, 11:26 - Chia sẻ
Là một giáo viên, phương pháp mà tôi đang áp dụng với học sinh của mình là mềm mỏng, linh hoạt nhưng có nguyên tắc và có kỷ luật. Việc áp dụng “mềm mỏng” hay “linh hoạt” phụ thuộc vào từng hoàn cảnh, tình huống, tích cách của mỗi học sinh hay tính chất của sự việc. Tôi luôn cố gắng để các con cảm thấy rằng con luôn có người đồng hành và được yêu thương kể cả khi con bị kỷ luật. Đây là chia sẻ của bà Phạm Thị Bích Hồng - Giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam tại Tọa đàm trực tuyến: “Mềm mỏng hay cứng rắn – Giáo dục tích cực” dành cho thầy, cô giáo do Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em tổ chức.

Mềm mỏng hay cứng rắn?

Thầy cô, giáo vẫn từng được ví là người cha, người mẹ thứ hai của trẻ em. Các thầy, cô yêu quý học trò của mình và cố gắng xây dựng mối quan hệ gần gũi, thân thiết với học sinh, để các em cảm nhận được sự ấm áp, yêu thương trong suốt thời gian ở trường. Tuy vậy, trên thực tế đang tồn tại hai xu hướng giáo dục khá đối lập nhau trong các nhà trường, đó là "mềm mỏng" và "cứng rắn". Không ít giáo viên có tâm lý e ngại rằng nếu thân thiện, mềm mỏng với học sinh thì học sinh sẽ "nhờn", sẽ không chấp hành nội quy lớp học, dẫn đến ảnh hưởng tới nề nếp và kỷ luật chung của cả trường. Chính vì vậy mà rất nhiều giáo viên hiện nay vẫn quan niệm rằng thầy cô phải "cứng rắn", phải áp dụng kỷ luật “thép” thì mới tạo được “uy” trước học sinh, mới rèn giũa học trò vào nề nếp được. Trong khi đó, có nhiều giáo viên cho rằng, cần dạy trẻ theo phương pháp kỷ luật tích cực, nên mềm mỏng đối với các em.

Các diễn giả tại tọa đàm

Nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp giáo dục giữa nhà trường và gia đình trong việc giáo dục trẻ em, bà Đỗ Thị Trang - Thạc sỹ tâm lý học, Trưởng phòng tham vấn học đường trường Marie Curie cho rằng, việc có nhiều phụ huynh yêu cầu giáo viên phạt nặng đối với con mình, thực chất cũng là muốn con tốt lên. Tuy nhiên, theo bà Trang, các giáo viên hãy sử dụng những phương pháp, kĩ năng, kiến thức của mình để phối hợp với gia đình uốn nắn trẻ, áp dụng phương pháp kỉ luật tích cực.

“Việc nghiêm khắc, cứng rắn khi áp dụng với trẻ nhỏ sẽ khiến trẻ sợ và nghe lời, tuy nhiên sẽ không còn phù hợp với trẻ lớn hơn, khi đó trẻ dễ làm theo kiểu đối phó. Hầu hết các em mong muốn được khuyên nhủ, mềm mỏng, được lắng nghe và tôn trọng. Nếu giáo viên có suy nghĩ, tư duy tích cực thì sẽ tìm ra những phương pháp giáo dục tích cực với học sinh”- bà Đỗ Thị Trang nói.

Bà Đỗ Thị Trang - Thạc sỹ tâm lý học, Trưởng phòng tham vấn học đường trường Marie Curie chia sẻ tại tọa đàm

Là một cô giáo có nhiều năm giảng dạy và đồng hành cùng học sinh, cô giáo Phạm Thị Bích Hồng-Giáo viên Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam chia sẻ: phương pháp mà bà đang áp dụng với học sinh của mình là mềm mỏng, linh hoạt nhưng có nguyên tắc và có kỷ luật.

Cũng theo bà Hồng, việc áp dụng “mềm mỏng” hay “linh hoạt” phụ thuộc vào từng hoàn cảnh, tình huống, tích cách của mỗi học sinh hay tính chất của sự việc. “Tôi luôn cố gắng để các con cảm thấy rằng con luôn có người đồng hành và được yêu thương kể cả khi con bị kỷ luật”- bà Hồng nói.

Xây dựng trường học hạnh phúc cho trẻ em

Nhiều người cho rằng, phương pháp dạy trẻ “yêu cho roi, cho vọt” giờ không còn phù hợp. Thay vào đó là nên áp dụng phương pháp kỷ luật tích cực để giúp trẻ nhìn nhận được sai lầm của mình để sửa chữa, không tái phạm. Tuy nhiên, trong quá trình ấy, trẻ luôn có thầy cô, gia đình ở bên cạnh động viên tinh thần để trẻ không cảm thấy sợ hãi khi phải trải qua những biện pháp kỷ luật mang nặng tính “hình phạt”. Điều quan trọng là mang lại cho trẻ cảm nhận về trường học hạnh phúc.

Là một chuyên gia với nhiều năm kinh nghiệm về quản lý giáo dục, ông Đặng Tự Ân - Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (VIGEF) cho rằng, trường học hạnh phúc không phải khái niệm phức tạp, đó đơn giản là nơi mà mọi người ở đó, bao gồm cả học sinh, giáo viên, nhân viên của nhà trường và phụ huynh đều hạnh phúc. Vai trò của hiệu trưởng, giáo viên rất quan trọng, bản thân họ phải hạnh phúc thì mới có thể lan tỏa hạnh phúc tới học sinh.

Ông Đặng Tự Ân - Phó Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (VIGEF)

Ông Ân cũng đề cập đến các tiêu chí của trường học hạnh phúc, tập trung vào 3 chữ P: “Chữ P thứ nhất là People - Con người: mỗi cá nhân trong trường phải được đối xử trên tinh thần tôn trọng, bao dung. Chữ P thứ hai là Process - quá trình: quá trình học và dạy học hay các hoạt động trong trường học phải là một quá trình hạnh phúc. Thứ ba là Place - địa điểm: trường học phải là nơi an toàn, vui vẻ, là nơi mà mọi người đều muốn đến. Tuy nhiên, những tiêu chí này chỉ mang tính định hướng để các nhà trường tham khảo, chứ không phải là rập khuôn.

Theo ông Ân, mô hình trường hạnh phúc là mô hình đổi mới giáo dục rất đặc biệt bởi nó mang tính định tính. Vì vậy, khi triển khai xây dựng mô hình, phải tuỳ vào đặc điểm của từng địa phương, từng nhà trường, ông Ân lưu ý.

Cùng quan điểm này, bà Phạm Thị Bích Hồng cho rằng, để một đứa trẻ hạnh phúc, cần một hệ thống thống nhất, từ hiệu trưởng đến thầy cô rồi đến học sinh.

“Trong những lúc chúng tôi giảng dạy, cũng có lúc các em mắc lỗi. Do vậy ngay từ đầu năm học, thầy trò chúng tôi đã cùng thảo luận để các em thống nhất về những mục tiêu, biện pháp thưởng  - phạt và sau đó cùng thực hiện theo thoả thuận. Và tôi cũng có 1 nguyên tắc là “Khen công khai - Phạt cá nhân”. Những lúc nói chuyện riêng với các em phạm lỗi, tôi cùng các em chia sẻ nguyên nhân vì sao các em mắc lỗi và thoả thuận rằng với những lỗi này, cô có thể xử lý không, xử lý như thế nào, và cùng trao đổi với các em để tìm ra biện pháp khắc phục” – bà Hồng nói.

Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15.9.2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Nhiều quy định mới về biện pháp khen thưởng và xử lý kỷ luật học sinh. Theo đó, các hình thức kỷ luật: phê bình trước lớp, trước trường; cảnh cáo ghi học bạ; buộc thôi học có thời hạn không còn trong trường phổ thông nữa, thay vào đó là các biện pháp nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.

Đồng tình với các quy định mới này, tuy nhiên, bà Trang cũng lưu ý rằng trong quá trình áp dụng các biện pháp mới này cũng cần có những cách thức áp dụng phù hợp, không máy móc, rập khuôn và cũng cần tránh các rủi ro có thể đem lại từ việc áp dụng các biện pháp giáo dục này. Mỗi giáo viên nên coi việc áp dụng kỷ luật tích cực là một “lối sống” tích cực, chứ không phải là việc bắt buộc phải làm, theo quy định của ngành giáo dục hay của nhà trường.

Ngay cả trong trường học hạnh phúc thì vẫn sẽ có những lúc học sinh có những cư xử không đúng mực, vi phạm nội quy, quy chế của nhà trường. Khi bị xử lý kỷ luật, đương nhiên các em không thể vui vẻ được, nhưng các em vẫn sẽ cảm thấy mình hạnh phúc nếu được thầy cô tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ và sẵn sàng hỗ trợ. Mỗi người có một cảm nhận khác nhau về hạnh phúc, mỗi Nhà trường cũng sẽ có một bộ tiêu chí riêng để đánh giá mức độ hạnh phúc của riêng trường mình. Và khi xây dựng bộ tiêu chí đó, Nhà trường nên tham vấn với học sinh, để các em tự đề xuất và cùng thảo luận xây dựng nên các tiêu chí đó.

Bà Nguyễn Hải Anh – Chuyên gia về Quyền Trẻ em, Quản lý Dự án, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững

Song Hà