Kế thừa và phát huy thành quả nhiệm kỳ Khóa XIV

Áp lực cũng chính là động lực

- Thứ Tư, 23/06/2021, 05:56 - Chia sẻ
Làm thế nào để kế thừa, phát huy truyền thống Quốc hội Khóa XIV, cũng như các khóa trước đây, đáp ứng sự tin tưởng của cử tri là câu hỏi đặt ra với các đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu mới trúng cử lần đầu. Áp lực phải làm được như các đại biểu khóa trước, thậm chí phải làm tốt hơn nữa với các đại biểu Khóa XV là rất lớn nhưng đó cũng là động lực để mỗi đại biểu không ngừng phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành.
Đại biểu Quốc hội Khóa XIV Nguyễn Đức Kiên ( Sóc Trăng) phát biểu tại hội trường
Ảnh: Quang Khánh

Nền tảng vững chắc 

Quốc hội Khóa XIV được cử tri, Nhân dân cả nước đánh giá là nhiệm kỳ thành công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với những thành tựu và dấu ấn nổi bật, tiếp tục có nhiều đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước cũng như hoạt động ngoại giao nghị viện. Các cơ quan của Quốc hội đã nỗ lực đoàn kết, đổi mới, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan hữu quan hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Các đại biểu Quốc hội đã luôn thể hiện bản lĩnh, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cử tri và Nhân dân, lắng nghe, phản ánh đầy đủ, kịp thời ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, phát huy trí tuệ, đóng góp vào thành công chung của Quốc hội. Thành công của Quốc hội Khóa XIV chính là nền tảng vững chắc cho Khóa XV và các khóa tiếp theo.

“Làm thế nào để kế thừa, phát huy truyền thống của Quốc hội Khóa XIV, cũng như các khóa trước đây, đáp ứng sự tin tưởng của cử tri và Nhân dân là áp lực lớn với các đại biểu Quốc hội Khóa XV, nhất là đại biểu mới trúng cử lần đầu”. Chia sẻ điều này, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Quốc hội Nguyễn Phương Thủy - người vừa trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV - cũng cho rằng, áp lực sẽ thôi thúc mỗi đại biểu không ngừng phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành.

Bà Nguyễn Phương Thủy nhấn mạnh, những thành công, đổi mới của Quốc hội không phải trong một sớm, một chiều. Đây là sự kế thừa, phát huy những thành tựu của Quốc hội qua 75 năm. Từ năm 1946 đến nay, Quốc hội không ngừng nêu cao tinh thần đoàn kết, dân chủ, tăng cường công khai, minh bạch, cải tiến, đổi mới phương thức hoạt động để nâng cao chất lượng, hiệu quả. Sự đoàn kết, trí tuệ, phát huy dân chủ và đổi mới là yêu cầu liên tục, thường xuyên trong các hoạt động của Quốc hội, là động lực quan trọng để tạo sức mạnh, sự năng động, sáng tạo, đáp ứng tốt nhất nhiệm vụ được thực tiễn đặt ra.

Qua tổng kết hoạt động của Quốc hội Khóa XIV cũng đã cho thấy, một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo lên thành tựu đáng tự hào của nhiệm kỳ này là bởi nhận thức rõ hơn vai trò, vị trí của đại biểu Quốc hội, theo đó, đại biểu Quốc hội được xác định giữ vai trò trung tâm trong hoạt động của Quốc hội. Theo bà Nguyễn Phương Thủy, điều này được thể hiện ngay từ Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 chuyển chương quy định về đại biểu Quốc hội thành Chương 2, ngay sau chương quy định về Quốc hội - cho thấy sự đánh giá cao, mong muốn phát huy cao nhất vai trò của từng đại biểu Quốc hội trong hoạt động của Quốc hội. Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng là sự tin tưởng, động viên của cử tri, người dân. “Đây là nguồn lực, động lực để đại biểu Quốc hội hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao”, bà Nguyễn Phương Thủy nhấn mạnh.

Theo những đánh giá về tổng kết nhiệm kỳ Khóa XIV, khâu yếu nhất hiện nay của chúng ta là tổ chức thi hành pháp luật. Làm sao để luật đi vào cuộc sống, phù hợp với yêu cầu, đáp ứng kịp thời vấn đề cuộc sống đặt ra, nhất là trong giai đoạn có nhiều biến động, thay đổi hiện nay? Do đó, một nhiệm vụ trọng tâm của Quốc hội Khóa XV cần tập trung đẩy mạnh giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, qua đó xác định trách nhiệm, tạo động lực, sức ép với Chính phủ, các cơ quan thi hành pháp luật nói chung; đẩy nhanh, tăng cường đưa pháp luật vào cuộc sống. Đồng thời, qua giám sát cũng giúp phát hiện những vướng mắc, bất cập trong thể chế để sửa đổi, bổ sung, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật. Để thực hiện những mục tiêu này cần sự chung tay, giúp sức của cử tri.

Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội Nguyễn Phương Thủy

Nhiều yêu cầu đặt ra

Để kế thừa và phát huy các thành quả của Khóa XIV, Quốc hội cũng đã "giao nhiệm vụ" cho Khóa XV cần tiếp tục đổi mới, cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ, chủ động, sáng tạo, công khai, minh bạch, bảo đảm Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ngay trong công tác lập pháp, nhiều đạo luật đóng vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật quốc gia được thông qua trong nhiệm kỳ Khóa XIV đã thể hiện trí tuệ, bản lĩnh của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong việc bảo vệ những chính sách, những quy định tiến bộ, có lợi cho quốc gia, cho người dân. Tuy nhiên, về phương thức làm luật, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho rằng, vẫn phải đổi mới hơn nữa, vì cảm giác vẫn đang hơi “hành chính hóa” trong thực hiện.

Ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng cần phát huy mạnh mẽ vai trò, tiếng nói của các đại biểu chuyên trách, các đại biểu có chuyên môn sâu về các lĩnh vực mà Quốc hội đang xem xét, thảo luận, thể hiện ở việc ưu tiên dành nhiều thời gian hơn cho các đại biểu này thảo luận, tranh luận. Việc thảo luận, tranh luận cũng nên tiến hành cho đến khi mọi vấn đề của dự luật được sáng tỏ, không nên dừng lại ở giờ làm việc hành chính. Trong các nhiệm kỳ gần đây, nhiều Ủy ban của Quốc hội đã làm như vậy, thảo luận, tranh luận xuyên trưa, xuyên tối để tìm được sự đồng thuận, tiếng nói chung và giải pháp phù hợp nhất đối với các nội dung trình Quốc hội. Vì thế, Quốc hội nên áp dụng cách thức này.

Bên cạnh đổi mới phương thức hoạt động, bà Nguyễn Phương Thủy lưu ý, để các đại biểu mới trúng cử đóng góp nhiều hơn nữa cho hoạt động của Quốc hội, cần có cơ chế và các điều kiện bảo đảm cần thiết. Trong đó, cần làm rõ hơn nữa địa vị pháp lý, trách nhiệm, quyền hạn của đại biểu Quốc hội, nhất là trong mối quan hệ với các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương. “Làm sao để ý kiến, kiến nghị của đại biểu Quốc hội phải được tôn trọng, quan tâm giải quyết. Đây chính là bảo đảm cần thiết để đại biểu Quốc hội tự tin thực hiện chức năng người đại diện của mình”, bà Nguyễn Phương Thủy nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tính chuyên nghiệp trong hoạt động của Quốc hội cũng cần tiếp tục nâng cao. Bởi tuy số đại biểu Quốc hội trúng cử dự kiến làm việc chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tăng nhiều so với nhiệm kỳ trước, nhưng so với mức tối thiểu 40% đại biểu chuyên trách được đặt ra khi sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội thì vẫn chưa đạt được. Do vậy, trong thời gian tới, cần có kế hoạch bồi dưỡng, tạo nguồn để sớm bổ sung lực lượng chuyên trách này, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; nghiên cứu, làm rõ hơn nữa cơ chế hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách, tránh xu hướng hành chính hóa hoạt động của cơ quan dân cử.

Tại Phiên họp thứ 57 vừa qua, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra nhiều dư địa đổi mới khác của Quốc hội trong thực hiện công tác lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, tiếp thu các nội dung tại Kết luận Phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và sớm triển khai thành những hành động cụ thể.

Thanh Hải