Áp lực không nhỏ!

- Chủ Nhật, 29/11/2020, 06:51 - Chia sẻ
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành: 112 văn bản (71 luật, 2 pháp lệnh, 22 nghị quyết của Quốc hội, 17 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội); Chính phủ ban hành 745 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 232 quyết định; các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành 2.422 thông tư, 110 thông tư liên tịch. Một số lượng văn bản quy phạm pháp luật lớn. Điều này không chỉ là áp lực cho những người làm công tác xây dựng văn bản, mà còn cho hoạt động đưa pháp luật vào cuộc sống, nhất là ở địa phương.

Chính phủ vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật giai đoạn 2016 - 2020. Tại đây, Chính phủ khẳng định: hệ thống pháp luật nước ta tiếp tục được hoàn thiện; công tác xây dựng, thể chế gắn với công tác tổ chức thi hành pháp luật và nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hợp tác với nước ngoài về pháp luật; gắn kết giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội; an ninh - trật tự của đất nước ổn định, phát triển.

Giai đoạn này có một số thành tựu về công tác xây dựng hệ thống pháp luật như: Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành: 112 văn bản; Chính phủ ban hành 745 nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 232 quyết định; các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành 2.422 thông tư, 110 thông tư liên tịch. Ở cấp địa phương đã ban hành 92.799 văn bản gồm: 16.341 văn bản cấp tỉnh; 12.427 văn bản cấp huyện; 64.031 văn bản cấp xã.

Kết quả trên cho thấy, trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật giai đoạn 2016 - 2020, số lượng văn bản quy phạm pháp luật của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã được ban hành hướng dẫn khá kịp thời. Đặc biệt, dù số lượng văn bản tăng cao nhưng tình trạng nợ thông tư, văn bản hướng dẫn ngày càng giảm. Thủ tướng Chính phủ cũng đã đánh giá vai trò chủ đạo của từng bộ chủ trì ban hành văn bản, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và những cơ quan có liên quan.

Tuy nhiên, chỉ trong giai đoạn từ 2016 - 2020, ở cấp Trung ương đã ban hành hơn 100 văn bản luật, pháp lệnh; các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành hơn 2.500 thông tư và thông tư liên tịch. Một số lượng văn bản quy phạm pháp luật đồ sộ, nhất là nhìn ở góc độ tổ chức triển khai trên thực tế và bảo đảm được rằng những quy định đó có hiệu quả. Đây thực sự là áp lực không nhỏ có các cơ quan tổ chức triển khai, đưa pháp luật vào cuộc sống. Ở cấp địa phương áp lực này chủ yếu dồn vào các cơ quan chuyên môn như Sở Tư pháp với sự tham gia hỗ trợ của  các tổ chức chính trị xã hội như Đoàn Luật sư, Hội Luật gia. Riêng việc tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến các văn bản mới đến cho mọi đối tượng liên quan cũng đã... bở hơi tai, chưa nói đến việc tìm cách nâng cao chất lượng việc đưa pháp luật đến gần hơn với cơ sở.

Thực tế, với khối lượng lớn như thế thì nếu chỉ cập nhật và mới đọc danh mục văn bản quy phạm pháp luật thôi là đã tiêu tốn nhiều thời gian, chưa tính nếu việc dày công nghiên cứu tỉ mỉ hết hết từng quy phạm, từng thuật ngữ pháp lý, thuật ngữ chuyên ngành… thì áp lực lớn biết chừng nào.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước, theo dự báo của nhiều chuyên gia pháp lý thì số lượng văn bản quy phạm pháp luật sẽ tiếp tục được gia tăng. Trong bối cảnh đó, tăng cường nguồn lực cho công tác pháp chế là một giải pháp quan trọng. Không chỉ các bộ, ngành, địa phương mà các cá nhân, doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp tư nhân cũng cần có cán bộ pháp chế, luật sư giỏi về các lĩnh vực chuyên ngành để tư vấn hỗ trợ những vấn đề pháp lý phát sinh. Khi vai trò của luật sư, luật gia được đánh giá đúng; đáp ứng được nhu cầu của cá nhân, tổ chức thì sẽ góp phần giảm tải cho cơ quan nhà nước thực hiện chức năng phổ biến, tuyên truyền pháp luật.  

Nguyễn Thành Luyến