Áp lực lạm phát năm 2022 là rất lớn

- Thứ Tư, 27/10/2021, 05:35 - Chia sẻ
Ngày 26.10, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo về tổng kết đánh giá công tác điều hành giá quý III.2021, kịch bản điều hành giá quý IV.2021, đầu năm 2022.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo), mặt bằng giá cả thị trường trong 10 tháng năm 2021 cơ bản nằm trong kịch bản điều hành giá đã đề ra ngay từ đầu năm. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 9 tăng 2,06%; CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2021 tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016; lạm phát cơ bản 9 tháng tăng 0,88%. CPI tháng 10.2021 ước giảm 0,1 - 0,15%; bình quân 10 tháng ước tăng 1,81 - 1,83% so với cùng kỳ năm trước... Nhìn chung, từ đầu năm đến nay, mặt bằng giá cả thị trường “tăng giảm đan xen”, một số mặt hàng có mức tăng cao do chịu tác động của các yếu tố cung cầu trong nước và giá thế giới.

Một số nguyên nhân gây áp lực lên mặt bằng giá như: Một số mặt hàng thiết yếu có biến động tăng giá do ảnh hưởng từ chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí vận chuyển logistic tăng như: Thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật liệu xây dựng; giá xăng dầu, LPG trong nước do tác động từ giá thế giới tăng mạnh khi nhu cầu chung thế giới tăng,…

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ban, ngành đều thống nhất nhận định, sức ép đối với công tác điều hành giá năm 2022 là rất lớn.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì cuộc họp

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao kết quả công tác điều hành giá thời gian qua, nhất là kiểm soát lạm phát, 9 tháng năm 2021 chỉ số CPI bình quân chỉ tăng 1,82%,... Từ nay đến cuối năm, dự kiến CPI bình quân tăng khoảng 2%. Như vậy, “mục tiêu kiểm soát lạm phát do Quốc hội và Chính phủ giao trong năm 2021 chúng ta không bị áp lực nặng nề, khả năng hoàn thành mục tiêu rất là cao”.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh Covid-19 tác động tới chuỗi sản xuất, cung ứng, lưu thông hàng hóa, công tác điều hành giá rất áp lực đối với các bộ, ngành nhưng những kết quả đạt được là  tích cực và đáng được ghi nhận.

Về giải pháp cho những tháng cuối năm 2021 và năm 2022, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tổ chức theo dõi sát diễn biến cung cầu của thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để chuẩn bị nguồn dự trữ, bình ổn giá, nhất là trong những tháng cuối năm, Tết Nguyên đán và đầu năm 2022. Năm nay có đặc thù là nền kinh tế bị tác động nặng nề của dịch bệnh cho nên càng cần hết sức lưu ý để tổ chức công tác dự trữ hàng hóa, bình ổn hợp lý.

Phó Thủ tướng nêu rõ, phải giữ ổn định giá các hàng hóa nhà nước định giá, sát với tình hình, bảo đảm kiểm soát được lạm phát chung, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Đối với giá các dịch vụ công triển khai theo quy định tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo và một số bộ, ngành khác cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, cơ sở để thực hiện. Bộ Y tế cần tập trung hơn trong việc triển khai các nhiệm vụ liên quan đến quản lý giá dịch vụ khám chữa bệnh, “phân loại ra, cái gì đã đủ điều kiện rồi thì làm sớm, làm trước”.

Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước tiếp tục chủ động phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, gắn với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ của mình tập trung quản lý, điều hành linh hoạt, hiệu quả về giá đối với các mặt hàng thiết yếu như: Xăng dầu; điện; thực phẩm; phân bón và thức ăn chăn nuôi; thuốc chữa bệnh và sinh phẩm, vật tư y tế…

Minh Hương