ASEAN hướng tới miễn dịch cộng đồng bằng tiêm chủng

- Thứ Năm, 27/05/2021, 08:12 - Chia sẻ
Ngày 26.5, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, phối hợp với Tổ chức Konrad Adenauer Stiftung (KAS - Đức) tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “ASEAN và cuộc chiến chống đại dịch Covid-19”. Tại tọa đàm, các chuyên gia quốc tế và trong nước đã phân tích những tác động của dịch Covid-19 đối với các quốc gia ASEAN, biện pháp của từng nước và quá trình hợp tác ứng phó với dịch bệnh; từ đó thảo luận, gợi mở những đề xuất về chính sách ứng phó với dịch Covid-19 của các quốc gia trong khu vực.

​​​​​Đánh giá về chiến lược vaccine của Việt Nam, Phó Đại sứ Singapore Tan Weiming nhận định, chiến lược vaccine luôn là một thách thức với các quốc gia, cả Singapore hay Việt Nam, nhất là khi chúng ta không phải những nước sản xuất vaccine. Trong những tháng vừa qua, Việt Nam đã triển khai rất nhanh chóng chương trình tiêm chủng. Việt Nam đã nhận được những nguồn cung vaccine từ COVAX, và đã có đợt hàng thứ hai. Rõ ràng là Việt Nam đang đạt được tiến bộ trong bước đi này.

Mỗi quốc gia có những nhóm ưu tiên khác nhau cho thứ tự tiêm chủng, nên sẽ có chính sách khác nhau. Việt Nam có thể có ưu tiên khác với Singapore nhưng tổng thể là quá trình này đang diễn ra suôn sẻ. Đặc biệt là Việt Nam đã có những bước tiến dài trong đàm phán mua vaccine.

Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen: Thúc đẩy tầm nhìn khu vực về phát triển bền vững

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 mới của ASEAN vào tháng 4 và tháng 5, Indonesia, Malaysia, Philippines là những quốc gia ASEAN bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày; Thái Lan đã vượt 100.000 ca mắc; Lào, Campuchia, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với đợt dịch dữ dội nhất cho đến thời điểm này.

Thế giới cũng đang chứng kiến những nỗ lực toàn cầu chưa từng có trong phát triển và nghiên cứu vaccine. Cơ chế COVAX do WHO tài trợ cho thấy tiềm năng xây dựng cách tiếp cận đa phương, bình đẳng trong phân phối vaccine và đã có hơn 170 quốc gia cam kết tham gia chương trình này. 

Việt Nam đã có kế hoạch thiết lập một quỹ vaccine trị giá 1,1 tỷ USD, và Quốc hội Việt Nam đã dành ra 500 triệu USD để đẩy nhanh tốc độ mua vaccine từ nhiều nguồn khác nhau cùng với những chiến lược quan trọng để xử lý đại dịch Covid-19 trong giai đoạn mới. Một mục tiêu khác của Việt Nam là hướng tới tự sản xuất vaccine. Chúng tôi đánh giá rất cao sáng kiến của Việt Nam khi đã đăng ký với WHO để trở thành một trong các trung tâm tiềm năng sản xuất vaccine cho Việt Nam và khu vực. Việt Nam cũng rất tích cực trong hỗ trợ và đàm phán với những nhà cung cấp quốc tế để cấp phép sản xuất vaccine trong tương lai lâu dài.

Một điều chúng tôi cũng đánh giá cao là trong khi đại dịch gây ra tình trạng căng thẳng chính trị ở nhiều nước, làm gia tăng khoảng cách xã hội, sự mất lòng tin vào chính quyền, thì tại Việt Nam chúng tôi có thể nhận thấy rõ Chính phủ, đất nước và người dân hết sức đồng lòng, đặt sức khỏe và việc bảo vệ con người ở trung tâm của nỗ lực phòng chống Covid-19. Đó là nỗ lực không mệt mỏi của các chiến sĩ y tế, nhân viên tuyến đầu trong truy vết và xét nghiệm, truyền đi những thông điệp huy động cả xã hội chung tay đánh bại virus.

UNDP đã hỗ trợ sáng kiến đó, hỗ trợ Bộ Y tế để mua thiết bị và nguồn cung, đồng thời chia sẻ thông điệp về sức khỏe công cộng bằng những ký hiệu, đặc biệt là bằng tiếng dân tộc thiểu số. Chúng tôi cũng thấy Chính phủ Việt Nam đã kết hợp với khối kinh tế tư nhân để xây dựng những bộ test chi phí thấp và các công cụ khác. Chúng ta cũng thấy những lợi ích của việc đoàn kết xã hội, ví dụ sáng kiến cây ATM gạo, cửa hàng 0 đồng cung cấp hàng hóa thiết yếu trong giai đoạn đầu, cũng như hỗ trợ nông dân trồng thanh long khi biên giới đóng cửa và sinh kế của họ bị ảnh hưởng nặng nề.

Đối với khu vực Đông Nam Á, nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2020 của Việt Nam đã cho thấy ASEAN có khả năng hành động nhanh thông qua cơ chế tham vấn, đưa ra cam kết hành động tập thể, như thiết lập Quỹ ASEAN ứng phó với Covid-19; Quỹ Dự trữ khu vực về nguồn cung thiết bị y tế công cộng; khung chiến lược và hồi phục của ASEAN. Việt Nam cũng thông báo kế hoạch xây dựng trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng. Nếu hoàn thành, đây sẽ là trung tâm đầu tiên trong khu vực và là bước tiến dài của ASEAN trong việc đa dạng mạng lưới trung tâm khẩn cấp của khu vực. Các thành tựu của Việt Nam trong phòng chống dịch SARS, dịch cúm, dịch covid-19 rõ ràng cho thấy năng lực cũng như cam kết của Việt Nam.

Chúng tôi cũng hy vọng các đường biên giới sẽ sớm được mở cửa cho dù thông qua cơ chế vaccine hay hộ chiếu vaccine. Đây cũng là mục tiêu của ASEAN trong tương lai lâu dài; đã được Việt Nam nhấn mạnh trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2020. Vì vậy, hy vọng ASEAN sẽ trở nên mạnh mẽ hơn từ đại dịch này, trong đó Việt Nam đóng vai trò quan trọng. Cùng với đó, UNDP sẽ hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện tầm nhìn khu vực và đa phương đã được xác định, thúc đẩy nghị trình phát triển bền vững, chuyển đổi số và mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau.

Phó Đại sứ Singapore tại Việt Nam Tan Weiming: Vaccine là chìa khóa để chống dịch

Về chiến lược chống Covid-19 của Singapore, dựa trên một số kinh nghiệm ứng phó trước đó như dịch SARS năm 2003, khi có đại dịch phải huy động toàn bộ nguồn lực và kinh nghiệm sẵn có. Toàn bộ cộng đồng và giai tầng xã hội phải phối hợp với nhau. Cuộc chiến chống đại dịch không phải một sớm một chiều mà lâu dài, cho nên không thể “tự mãn”, chúng có thể có biến thể mới, đợt bùng dịch mới mà khó ứng phó. Phải làm quen và dự đoán được khi nào đợt dịch mới sẽ xuất hiện. Mục tiêu của chúng tôi là bẻ gãy “đường cong” số ca nhiễm mới, tránh cho hệ thống y tế quá tải, giảm thiểu rủi ro mức độ lây nhiễm và ca nặng để tiết kiệm y tế.

Một điểm nữa, Singapore là nền kinh tế mở, đại dịch này cho thấy tầm quan trọng của hợp tác quốc tế. Một trong những điều quan trọng là làm sao để các chuỗi cung ứng nguồn lực y tế không bị gián đoạn như khẩu trang, đồ bảo hộ… Vì thế, chúng tôi cần duy trì mở cửa biên giới song song quá trình truy vết, bảo đảm mọi người được kiểm soát khi họ đi qua biên giới. Rủi ro là không thể tránh khỏi nhưng phải quản lý được rủi ro.

Singapore đã triển khai một loạt biện pháp để kiểm soát chặt chẽ đại dịch. Thứ nhất là xét nghiệm chủ động. Singapore là một trong những quốc gia có tỷ lệ xét nghiệm cao nhất thế giới. Thứ hai, truy vết hiệu quả, sử dụng công nghệ để kiểm soát người ở khu vực có độ rủi ro cao. Những người đó được xét nghiệm liên tục, 14 ngày định kỳ. Thứ ba, áp đặt cơ chế giãn cách xã hội theo từng lớp. Tháng 4 năm ngoái, phong tỏa, đóng cửa trường học, chỉ cho phép dịch vụ thiết yếu. Khi tình hình ổn định vào tháng 6, nới lỏng theo từng giai đoạn (mở cửa trở lại an toàn, di chuyển an toàn và xã hội an toàn trong trạng thái bình thường mới).

Một chìa khóa trong chống dịch là chiến dịch truyền thông. Cơ quan truyền thông cung cấp thông tin về dịch hằng ngày, sử dụng công nghệ infographic để truyền tải thông điệp dễ hiểu, tăng cường nhận thức của công chúng về vệ sinh, trao chứng nhận cho các địa điểm công sở, nhà hàng tuân thủ chứng nhận “sạch”.

Bên cạnh đó, tiêm chủng là hướng đi lâu dài. Thúc đẩy chương trình tiêm chủng quốc gia cho tất cả những người đang làm việc ở Singapore, mua số lượng lớn vaccine mặc dù có rủi ro. Chúng tôi đang sử dụng vaccine Pfizer và Moderna, đồng thời đang tiến hành đánh giá những vaccine khác. Chúng tôi tiêm chủng cho nhân viên y tế tuyến đầu trước tiên, mở rộng cho người dân theo độ tuổi. 1,4 triệu người đã hoàn thành tiêm vaccine và 2 triệu người đã tiêm mũi đầu. Chúng tôi cho rằng vaccine là chìa khóa để chống dịch, là chiến lược chính để triển khai thời điểm này.

Làm thế nào chúng ta có thể di chuyển an toàn trong bối cảnh đại dịch? Chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều đó giữa những quốc gia tương đối an toàn, nơi tình hình Covid-19 đã được kiểm soát. Một trong những chìa khóa là vaccine và xét nghiệm liên tục. Chúng ta phải di chuyển linh hoạt giữa đóng và mở cửa biên giới, đánh giá các làn sóng dịch theo tình hình thực tế.

PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á: ASEAN tiến tới miễn dịch cộng đồng vào năm 2022

Đông Nam Á là một trong những khu vực đầu tiên bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tính đến ngày 24.5, ASEAN có hơn 3,8 triệu ca mắc và gần 76.000 ca tử vong. Kinh tế các nước ASEAN bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sự lây lan nhanh chóng của bệnh dịch dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng, nhu cầu bị đóng băng làm hạn chế hoạt động du lịch, thương mại và đầu tư. Hầu hết hoạt động kinh tế bị gián đoạn, đình trệ vì các biện pháp như đóng cửa, cách ly, giãn cách xã hội…

Dịch Covid-19 cũng gây nên những bất ổn xã hội, khủng hoảng y tế công cộng; làm tăng tỷ lệ đói nghèo, thất nghiệp và giảm phúc lợi người dân (trong trung hạn). Khi số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 tăng, các nước cũng phải đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng vật tư y tế và cán bộ, nhân viên làm trong lĩnh vực y tế.

Trong bối cảnh đó, các cơ quan ứng phó khẩn cấp và y tế công cộng của ASEAN đã nhanh chóng hành động, minh bạch chia sẻ thông tin và các biện pháp ứng phó hay nhất tại mỗi cuộc họp ASEAN về dịch Covid-19. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã đề xuất phân bổ lại các nguồn lực sẵn có để chống dịch và thành lập Quỹ ứng phó ASEAN đối với dịch Covid-19, thiết lập quy trình hoạt động tiêu chuẩn cho dịch bệnh…

Tuy nhiên, để kiểm soát được dịch Covid-19, các nước ASEAN đang hướng tới tiếp cận các nguồn vaccine để tiêm chủng trên diện rộng, tiến tới miễn dịch cộng đồng vào năm 2022; tìm kiếm các gói kích thích kinh tế và hy vọng sẽ dỡ bỏ các biện pháp đóng cửa, giãn cách xã hội, khôi phục hoạt động kinh tế trong thời gian không xa.

Như Ý - Quốc Đạt