ASOSAI 15 sẵn sàng cho trạng thái bình thường mới

- Thứ Tư, 08/09/2021, 20:23 - Chia sẻ
Chiều 8.9, với vai trò Chủ tịch Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) nhiệm kỳ 2021-2024, Kiểm toán Nhà nước Vương quốc Thái Lan đã chủ trì Hội nghị chuyên đề lần thứ 8 với chủ đề "ASOSAI và trạng thái bình thường mới - Năng lực phục hồi giữa những thách thức".
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung làm Trưởng đoànKiểm toán nhà nước Việt Nam tham dự  hội nghị
Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung làm Trưởng đoàn Kiểm toán nhà nước Việt Nam tham dự hội nghị

Đoàn Kiểm toán Nhà nước Việt Nam do Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hà Thị Mỹ Dung làm Trưởng đoàn tham dự tại điểm cầu Hà Nội.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2021-2024 Chanathap Indamra cho biết, đại dịch Covid-19 đã khiến các Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) hiểu rõ hơn tầm quan trọng của sự kết nối giữa các thành viên để liên tục phát triển, nhằm thích nghi với tình hình mới. Bốn tiểu chủ đề được đưa ra nghị sự tại Hội nghị chuyên đề 8 sẽ có nhiều đóng góp quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch chiến lược của ASOSAI 2022-2027, đồng thời đưa ra được một bức tranh tổng thể trong hoạt động của ASOSAI trong tương lai.

Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2021-2024 Chanathap Indamra cảm ơn sự tham gia tích cực của các SAI thông qua các bài tham luận được gửi tới Hội nghị, đồng thời khẳng định: kiến thức được chia sẻ tại Hội nghị sẽ thực sự hữu ích trong việc xây dựng các khuôn khổ kiểm toán cho các SAI thành viên, theo đúng phương châm của Tổ chức quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) là “Kinh nghiệm chung hữu ích cho tất cả”.

Hội nghị chuyên đề 8 diễn ra dưới hình thức trực tuyến
Hội nghị chuyên đề 8 diễn ra dưới hình thức trực tuyến

Hội nghị chuyên đề "ASOSAI và trạng thái bình thường mới: Năng lực phục hồi giữa những thách thức” là chủ đề chung của Tuyên bố Bangkok với 4 tiểu chủ đề: SAI và việc thúc đẩy quản trị tốt trong trạng thái bình thường mới; nỗ lực của SAI trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững; tối ưu hóa công nghệ hiện đại trong kiểm toán công; ứng phó của SAI với thiên tai và đại dịch.

Kiểm toán nhà nước Việt Nam tham gia chủ trì phiên họp về tiểu chủ đề “Nỗ lực của SAI trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”; đồng thời tham gia chia sẻ kinh nghiệm tại phiên họp về tiểu chủ đề “Tối ưu hóa công nghệ hiện đại trong kiểm toán công”.

Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán nhà nước Việt Nam Nguyễn Lương Thuyết
Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Nguyễn Lương Thuyết

Trình bày tham luận về “Nỗ lực của SAI trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán nhà nước Việt Nam Nguyễn Lương Thuyết nhấn mạnh, trên cơ sở định hướng của Chính phủ Việt Nam về phát triển bền vững cũng như định hướng của Tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao INTOSAI, Kiểm toán nhà nước Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, chủ động đưa ra những sáng kiến, đổi mới trong công tác tổ chức, thực hiện kiểm toán từ việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tăng cường năng lực cho đến hợp tác quốc tế, qua đó không ngừng bám sát và đồng hành cùng Chính phủ trong việc triển khai các Mục tiêu phát triển bền vữngtrên cả 3 trụ cột gồm kinh tế - xã hội - môi trường.

Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã kịp thời chỉ ra những bất cập, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao để làm cơ sở đưa ra các kiến nghị nhằm chấn chỉnh, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả và trách nhiệm giải trình của các đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị; xây dựng một nền tảng môi trường tài chính ổn định, minh bạch tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững, góp phần không nhỏ vào những thành quả mà Việt Nam đã đạt được trong giai đoạn 2016 - 2020 như tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2016 - 2019 đạt ở mức tương đối cao, trung bình khoảng 6,8%/năm; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm bình quân 1,53%/năm trong giai đoạn 2016 - 2019; Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng từ 76,4% năm 2015 lên 90% năm 2019…

Chia sẻ về các giải pháp trong thời gian tới, Kiểm toán nhà nước cho rằng, cần bám sát định hướng của Chính phủ về phát triển bền vững để xây dựng kế hoạch kiểm toán nhằm hỗ trợ tốt nhất cho Chính phủ, Quốc hội trong các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội; đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững theo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động kiểm toán để tăng cường chất lượng và hiệu lực kiểm toán trong lĩnh vực liên quan đến đánh giá việc thực hiện mục tiêu pháttriển bền vững quốc gia và từng địa phương. Chú trọng phát triển các phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán mới, phù hợp với yêu cầu và mục tiêu kiểm toán đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Xây dựng các đề án kiện toàn tổ chức bộ máy; phát triển nguồn nhân lực của Kiểm toán nhà nướctheo hướng tinh gọn, chuyên sâu; phát triển đội ngũ công chức, viên chức, kiểm toán viên nhà nước đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu kiểm toán đối với các hoạt động phát triển kinh tế xã hội từ trung ương đến địa phương…

Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế cả song phương và đa phương để tham khảo và chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam; học tập các kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế, các cơ quan kiểm toán tối cao có kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán này.

Tiếp tục đẩy mạnh cơ chế phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về phát triển kinh tế xã hội nói chung và phát triển bền vững nói riêng; tạo nền tảng đồng thuận chung trong các đánh giá và kiến nghị của kiểm toán trong lĩnh vực kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững.

Minh Hương