Ba khâu đột phá, sáu nhiệm vụ trọng tâm của du lịch Hà Nội

- Thứ Hai, 27/12/2021, 10:56 - Chia sẻ
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, với định hướng phát triển của Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn tới là “Xanh - Thông minh - Hiện đại”, thành phố tiếp tục thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Trong đó, thành phố xác định ba khâu đột phá với sáu nhiệm vụ nhằm đổi mới căn bản, toàn diện du lịch Thủ đô thành ngành kinh tế hiện đại, chuyên nghiệp, có thương hiệu, tính cạnh tranh cao.

Cơ cấu lại căn bản, toàn diện

Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Lợi thế đó, đã mở ra cho Thủ đô phát triển thành một trong hai cửa ngõ chính đón khách du lịch trong nước và quốc tế, là trung tâm du lịch của khu vực phía Bắc, đồng thời là cầu nối giữa du lịch các tỉnh vùng Bắc bộ với du lịch cả nước, giữa du lịch Việt Nam với khu vực và quốc tế.

Bà Đặng Hương Giang cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, TP. Hà Nội đã quan tâm thu hút đầu tư lĩnh vực du lịch; đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng phát triển sản phẩm du lịch; phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ thúc đẩy hoạt động du lịch.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang phát biểu tại Hội thảo Du lịch 2021
Ảnh: Quang Khánh 

Thành phố đã quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 71 dự án cơ sở lưu trú, khách sạn cao cấp (từ 3 - 5 sao), tính đến thời điểm hiện nay tổng số cơ sở lưu trú là 3.724 cơ sở. Các dự án này được đưa vào sử dụng góp phần nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú, tạo điểm nhấn trong phát triển du lịch của thành phố.

Với định hướng phát triển của Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn tới là “Xanh - Thông minh - Hiện đại”, thành phố tiếp tục thúc đẩy thu hút đầu tư; phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. “Trong lĩnh vực du lịch, thành phố xác định: Đổi mới, cơ cấu lại căn bản, toàn diện ngành du lịch Thủ đô thành ngành kinh tế hiện đại, chuyên nghiệp, có thương hiệu, tính cạnh tranh cao, với ba khâu đột phá: Tăng cường nguồn lực đầu tư; Xây dựng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phát triển du lịch; Chuyển đổi số trong du lịch, nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của Thành phố. Xây dựng vững chắc vai trò Thủ đô là trung tâm du lịch của cả nước, là hạt nhân, động lực thúc đẩy liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước và quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ đóng góp tổng hợp ngành du lịch vào GRDP thành phố đạt trên 12%”, bà Đặng Hương Giang thông tin.

Tạo sức cạnh tranh trong khu vực và thế giới

Bà Đặng Hương Giang cho biết, trong giai đoạn tới, ngành Du lịch Thủ đô tham mưu triển khai 6 nhiệm vụ chính. Một là, xây dựng Quy hoạch phát triển du lịch Hà Nội tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô; xâu chuỗi quy hoạch vùng du lịch trọng điểm, mạng lưới các điểm đến du lịch trọng điểm gắn với không gian Quy hoạch Thủ đô. Quy hoạch, xây dựng và phát triển, hình thành một số vùng du lịch trọng điểm của thành phố, như: Ba Vì, Hương Sơn - Quan Sơn, núi Sóc - hồ Đồng Quan, Vân Trì - Cổ Loa.

Hai là, quan tâm huy động các nguồn lực đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị quan trọng, chiến lược, có tính liên kết cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và du lịch; đặc biệt là các tuyến đường giao thông có tính chất liên kết du lịch vùng Thủ đô như: Tuyến đường trục du lịch văn hóa nối từ đường trục phía Nam Hà Nội - Chùa Hương - Tam Chúc - Bái Đính (kết nối các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam với Hà Nội); Tuyến đường vành đai 3, 5 Hà Nội (kết nối với tỉnh Hưng Yên qua cầu Ngọc Hồi và kết nối với tỉnh Vĩnh Phúc qua quốc lộ 2); đường vành đai 4 Thủ đô Hà Nội.

Khách du lịch quốc tế tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám
 Ảnh: Quang Thái

Ba là, tập trung cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng; thúc đẩy tiến độ hoàn thành dự án trọng điểm nổi bật như: Công viên văn hóa lịch sử Hoàng Thành Thăng Long; Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy (huyện Đông Anh); Tổ hợp vui chời giải trí đa năng - Trường đua ngựa Sóc Sơn; đầu tư 1 - 2 trung tâm mua sắm dành cho khách du lịch; phát triển, mở rộng từ 3 - 5 khu vực thành không gian, tuyến phố đi bộ phục vụ khách du lịch.

Bốn là, triển khai chuyên đề nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề trên địa bàn Thành phố; phát triển sản phẩm ẩm thực; sản phẩm quà tặng phục vụ hoạt động du lịch; tổ chức các cuộc thi sáng tạo các mẫu mã quà tặng du lịch gắn với lĩnh vực công nghiệp văn hóa sáng tạo.

Năm là, đẩy mạnh liên kết, kết nối các tỉnh, thành phố xây dựng sản phẩm du lịch an toàn giữa các địa phương, các điểm đến trong cả nước; cùng quảng bá, thu hút khách du lịch đến với Hà Nội và ngược lại nhằm thực hiện tốt các Thỏa thuận hợp tác, liên kết phát triển du lịch đã ký kết.

Sáu là, triển khai thực hiện đề án chuyển đổi số trong du lịch và ngành du lịch. Xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch Thủ đô nổi bật trong nước và có khả năng cạnh tranh với du lịch Thủ đô các nước trong khu vực, trên thế giới.

Phát triển thị trường nội địa, tạo lực đẩy phục hồi du lịch

Trước mắt, trong các năm 2022 - 2023, ngành du lịch Thủ đô ưu tiên phát triển thị trường khách du lịch nội địa, lấy thị trường khách du lịch nội địa làm động lực, tạo lực đẩy phục hồi du lịch; chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế trong năm 2022.

Trong đó, chú trọng triển khai các chương trình, sự kiện, lễ hội du lịch độc đáo, có tính tiêu biểu, lan tỏa cao, như: Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực Hà Nội; Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội; Festival Áo dài Hà Nội. Phối hợp với các tỉnh, thành phố thực hiện các chương trình quảng bá, xúc tiến trong và ngoài nước dưới nhiều hình thức.

Để đạt được mục tiêu trên, theo bà Đặng Hương Giang, Chính phủ cần xem xét ban hành chính sách khuyến khích hỗ trợ phát triển du lịch triển khai thống nhất trên toàn quốc theo quy định tại Điều 5, Luật Du lịch, tạo cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh du lịch.

Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cần tiếp tục xem xét có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp theo hướng thúc đẩy phát triển tạo động lực phục hồi nhanh chóng doanh nghiệp như: Quyết định chính thức giảm giá bán điện từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho sản xuất đối với các cơ sở lưu trú du lịch duy trì ổn định lâu dài theo đúng tình thần Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị; thực hiện giảm thuế VAT năm 2022.

Hà Nội cũng đề nghị Bộ Ngoại giao sớm trao đổi song phương mở cửa các thị trường khách quốc tế trọng điểm, có độ bao phủ vaccine cao.

H.Hà