Công tác dân số trong tình hình mới

Bài 1: Nhiều thành công và không ít thách thức

- Thứ Năm, 23/12/2021, 09:54 - Chia sẻ
Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới với trọng tâm là dân số và phát triển, công tác dân số đã đạt được những thành công nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức... 

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25.10.2017 về công tác dân số trong tình hình mới với những mục tiêu và giải pháp cụ thể đã chỉ ra đúng và trúng phương hướng giải quyết những vấn đề dân số. Tuy nhiên, biến những mục tiêu của nghị quyết thành hành động, đòi hỏi ngành chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp: đẩy mạnh thông tin và truyền thông để lãnh đạo các cấp quán triệt hơn nữa nghị quyết; tăng cường 3 trụ cột của công tác dân số (chính sách, tổ chức bộ máy, nguồn lực)... 

Triển khai các chương trình, cụ thể hóa mục tiêu

Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, công tác dân số ở nước ta đã có bước chuyển mạnh mẽ. Các chương trình đề án trọng tâm đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành và được ngành dân số triển khai như: chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, Chương trình Truyền thông Dân số đến năm 2030; Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030; Chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến năm 2030; Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030; Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030; Chương trình củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số đến năm 2030...

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Nguyễn Doãn Tú: để cụ thể các mục tiêu đề ra, ngành dân số đã triển khai đồng bộ các hoạt động trên các lĩnh vực quy mô, cơ cấu và nâng cao chất lượng dân số, phù hợp yêu cầu chuyển hướng công tác dân số trong tình hình mới. Cụ thể, ngành dân số đã tìm các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số có hiệu quả nhất, phù hợp từng đối tượng cụ thể, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng có mức sinh cao, tập trung cho nhóm đối tượng là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, vị thành niên và thanh niên. Bên cạnh công tác truyền thông, ngành dân số đã chú trọng mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Nhờ đó, hiệu quả và chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân nói chung và chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình ở các địa phương đã có những bước chuyển biến đáng kể.

Cũng trong thời gian qua, ngành dân số các cấp đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các chương trình, đề án hướng tới mục tiêu dân số và phát triển đồng thời các chương trình: Kế hoạch hóa gia đình;  kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; tầm soát dị tật, bệnh tật bẩm sinh và nâng cao chất lượng dân số; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi... tiếp tục được đẩy mạnh. Trong đó, Chương trình kế hoạch hóa gia đình sẽ tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt... Các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số được tiếp tục duy trì và phát triển hiệu quả tích cực, như Đề án sàng lọc trước sinh và sau sinh đang mở rộng triển khai tại các cơ sở y tế công lập...

 

Một trong những công tác trọng tâm của ngành Dân số là đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức sinh học tự nhiên

Còn những khó khăn, thách thức

Tuy vậy, từ kết quả triển khai Nghị quyết 21-NQ/TW đã cho thấy, công tác dân số vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn: tổ chức bộ máy về dân số của nhiều địa phương thiếu ổn định, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác dân số ở cấp cơ sở còn thấp; nguồn lực đầu tư cho công tác dân số còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu...

Đặc biệt, một số cơ chế, chính sách về dân số chậm đổi mới, một số văn bản quy phạm chưa phù hợp; một số địa phương còn áp dụng cứng nhắc, không thống nhất đã ảnh hưởng không nhỏ trong việc triển khai công tác dân số. Đó là chưa kể, mạng lưới cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng chưa phát triển; việc tiếp cận dịch vụ dân số của một số nhóm đối tượng, địa bàn cũng như việc khai thác, chia sẻ thông tin số liệu dân số còn hạn chế...

Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Nghệ An Nguyễn Bá Tân nêu thực tế, hiện mức sinh của tỉnh còn cao, chất lượng dân số tuy đã được cải thiện song còn nhiều hạn chế; mạng lưới cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số, dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng chưa phát triển...

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, công tác dân số của tỉnh mặc dù đã có sự quan tâm, song do địa hình và điều kiện dân cư vùng sâu vùng xa, khó khăn, đặc biệt là tình trạng di dân tự do nên trong vấn đề quản lý, tuyên truyền, và nâng cao nhận thức cho người dân về công tác dân số còn nhiều hạn chế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết.

Từ thực tế này, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để những người làm công tác dân số, người dân hiểu và nhận thức được trọng tâm chính sách dân số trong giai đoạn hiện nay. Đó là chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang “dân số và phát triển” và đặt dân số trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Trong khi công tác dân số không phải là những việc làm có kết quả ngay trước mắt mà là những hoạt động có tính lâu dài, tác động đến sự phát triển bền vững cho 10 năm, 20 năm, thậm chí là 50 năm sau?

Để triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25.10.2017 về công tác dân số trong tình hình mới có hiệu quả, nhiều đề án, chương trình đã được xây dựng, thực hiện. Tuy nhiên theo Bộ Y tế, đến nay, nhiều đề án đã quá hạn phê duyệt 1 hoặc 2 năm, nhưng vẫn chưa xây dựng xong.

Bảo Hân