Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Dựa vào Nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Bài 1: Phát triển mối quan hệ tự nhiên - đạo lý và pháp lý giữa Đảng và Nhân dân

- Thứ Sáu, 16/04/2021, 17:21 - Chia sẻ

Lời tòa soạn: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy bản chất giai cấp công nhân của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với Nhân dân… là những nhân tố được Đảng ta xác định “có ý nghĩa quyết định thành công sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” . Đây là yêu cầu phát triển, đồng thời cũng là thách thức đặt ra trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Báo Đại biểu Nhân dân giới thiệu loạt bài “Dựa vào Nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng” của TS. Nhị Lê, nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

Tối 5.1.1960, trong Diễn văn tại Lễ mít-tinh kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đảng là đứa con nòi xuất thân từ giai cấp lao động”. Đó là lẽ tự nhiên trên đời. Và, 9 năm trước đó, ngày 3.3.1951, trong lời kết thúc buổi ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam, Hồ Chí Minh thay mặt Đảng tuyên bố trước toàn thể dân tộc: “Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm trong 8 chữ là: ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN, PHỤNG SỰ TỔ QUỐC”. Đó là đạo lý Việt Nam. Ngày 10.5.1969, trong bản Di chúc của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân” và được hiến định. Đó là pháp lý Việt Nam.

“Vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ”

Nhìn trong suốt 91 năm qua, lẽ tự nhiên, truyền thống đạo lý và tinh thần pháp lý đó luôn xuyên thấm, quyện chặt, hài hòa và phát triển không ngừng trên mỗi bước phát triển của Đảng trong lòng dân tộc, với tư cách là “đứa con nòi”, “vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ”; và dân tộc vững bước mạnh mẽ trên con đường độc lập tự do và xã hội chủ nghĩa, dưới ngọn cờ của Đảng. Dù ở bất cứ thời điểm nào của lịch sử “… quyền lợi của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động và của dân tộc là một. Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam". Và, dù ở bất kỳ khúc quanh nào của dân tộc, “ Đảng Lao động là tổ chức cao nhất của giai cấp cần lao và đại biểu cho lợi ích của cả dân tộc… Đảng là đảng của giai cấp lao động, mà cũng là đảng của toàn dân” và “Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc, không thiên tư thiên vị”.

Đảng tự nguyện sống trong lòng dân tộc, sống chết vì dân tộc và dân tộc chở che, bảo vệ, nghiêm khắc đòi hỏi Đảng phải luôn xứng đáng là “đứa con nòi của giai cấp lao động” và cùng nhau “lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà” suốt 91 năm đầy thử thách thăng trầm của đất nước. Lúc này, càng nhớ lời Chủ tịch Hồ chí Minh căn dặn: Đoàn kết làm ra sức mạnh; Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta; Đoàn kết là thắng lợi; Đoàn kết là điểm mẹ. Điểm này mà thực hiện tốt thì đẻ ra con cháu đều tốt.

Xác lập nền văn hóa của sự phát triển toàn diện, bền vững

Công cuộc đổi mới 35 năm vừa qua, một cách tự nhiên, không ai không thấy, đó là cuộc chuyển mình lịch sử: Hợp quy luật và hợp lòng Dân và đã làm nên Thế nước Việt Nam Đổi mới.

Suy cho cùng, sự thành hay bại về quy mô, tính chất, tốc độ và chiều sâu của công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ hiện nay, với sự tự do phục tùng chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của gần 100 triệu đồng bào ta, sự phụng sự hạnh phúc của Nhân dân, vì đất nước hùng cường của Đảng ta tự do hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào việc hành xử ở tầm mức nào mối quan hệ tự nhiên - đạo lý - và pháp lý này, xét từ mọi phía, phù hợp với thời cuộc hiện nay. Đó chính là sự đáp lại đòi hỏi phát triển của lịch sử, của dân tộc Việt Nam, dưới ngọn cờ của Đảng!       

Trước thách thức mới, để trở nên hùng cường, chúng ta dứt khoát chuyển mạnh từ tư duy tồn tại sang tư duy cơ cấu đồng thời với tư duy động lực (nguồn động lực, hệ động lực, vùng động lực…) nhằm phát triển kinh tế thị trường hiện đại hoàn bị, với xung lực là kinh tế tri thức, kinh tế số, với động lực lớn là kinh tế tư nhân cùng các thành phần kinh tế khác, bằng những đột phá chủ lực, dưới sự dẫn dắt của kinh tế nhà nước là chủ đạo, làm nền tảng căn bản đổi mới toàn diện, đồng bộ và mạnh mẽ nền kinh tế quốc gia. Điều cần khắc sâu là, đổi mới kinh tế thông qua đổi mới văn hóa, bằng tư duy chính trị và các quyết sách chính trị mang tầm văn hóa. Theo một nghĩa nào đó, văn hóa là cội nguồn của mọi mục đích và động cơ phát triển đối với chính trị, kinh tế, xã hội và các phương diện khác. Đó là bản chất nhân văn của công cuộc đổi mới.

Đó là văn hóa của sự phát triển mạnh mẽ và bền vững Việt Nam, chứ không đơn thuần là tăng trưởng một cách cơ học dù kinh tế hay văn hóa. Tiếp tục xác lập cho kỳ được nền văn hóa của sự phát triển toàn diện, bền vững nói chung, sự tăng trưởng kinh tế và phát triển của văn hóa, trong một tổng thể phát triển thống nhất, hài hòa, mạnh mẽ và bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, với con người là hạt nhân của mọi sự phát triển, nhân tố quyết định vị thế chính trị, sức mạnh và danh dự Việt Nam trên vũ đài quốc tế.

Nhân dân là nguồn gốc của mọi sức mạnh của lịch sử. Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó. Sức Dân, tài dân, khát vọng và liêm sỉ của nhân dân làm nên vị thế, sức mạnh và uy tín đất nước Việt Nam 35 năm Đổi mới! Vì, Dân là Dân nước - Nước là Nước dân!

Đó cũng chính là con đường đúng đắn và độc đáo để dân tộc Việt Nam đi đến văn hóa, đạt tới tầm văn hóa, thông qua chính trị, kinh tế và đối ngoại, để phát triển kinh tế, xã hội, chống mọi sự xâm lăng đất nước bằng “sức mạnh mềm”, “xâm lược mềm” bằng văn hóa và hội nhập cùng với các quốc gia dân tộc toàn cầu, trong công cuộc đổi mới toàn diện đồng bộ hiện nay và tương lai!

Rằng, “Sông phía Bắc, biển phía Đông/ Nếu không dân cũng là không có gì”. Công cuộc đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc tựa vào “chúng chí thành thành” (ý chí của Nhân dân như bức tường thành vững nhất), trên nền móng đại đoàn kết toàn dân tộc, đã, đang đi và tiếp tục kiên định như thế, không gì cản nổi, làm nên và rạng rỡ vị thế, sức mạnh và uy tín mới Việt Nam đổi mới.

Đó cũng chính là Đạo lý phát triển Việt Nam!

Từ lịch sử 35 năm qua, bài học vô giá nổi bật làm nên thành công của sự nghiệp đổi mới chính là: Tất cả mọi sự phát triển đều xoay quanh Nhân dân, vì Nhân dân và cho Nhân dân. Vì, Nhân dân là ngọn nguồn sức mạnh quốc gia, là chủ thể của công cuộc đổi mới, dưới ngọn cờ của Đảng. Đó là Vận nước Việt Nam Đổi mới. Vì, đó là hiện thân của mối quan hệ tự nhiên máu thịt giữa Đảng và Nhân dân, không gì có thể bôi nhọ, là đạo lý sống của dân tộc không gì có thể chia cắt và là pháp lý Việt Nam không ai có thể phá vỡ.

TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản