Khen thưởng đại biểu dân cử

Bài 1: Ý tưởng xây dựng cơ chế khen thưởng độc lập

- Thứ Năm, 14/10/2021, 06:43 - Chia sẻ
Hiện nay, việc khen thưởng đại biểu dân cử được quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003 (sửa đổi, bổ sung năm 2005, 2009, 2013), các luật về tổ chức cơ quan dân cử và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đáng chú ý, các quy định về việc khen thưởng đại biểu HĐND không gắn với các chức danh, vị trí việc làm đại biểu dân cử đó đang đảm nhiệm là ý tưởng để thiết lập một hệ thống tiêu chí đánh giá “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, từ đó có cơ chế khen thưởng độc lập, ghi nhận đóng góp kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ đặc thù của đại biểu dân cử.
Lãnh đạo tỉnh Long An trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân đại biểu HĐND tỉnh có thành tích xuất sắc trong hoạt động nhiệm kỳ 2016-2021 Ảnh: Công Thành
Lãnh đạo tỉnh Long An trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân đại biểu HĐND tỉnh có thành tích xuất sắc trong hoạt động nhiệm kỳ 2016-2021
Ảnh: Công Thành

Rõ hơn ở các văn bản hướng dẫn thi hành

Theo các quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003 (sửa đổi, bổ sung năm 2005, 2009, 2013 - sau đây được gọi tắt là Luật Thi đua, khen thưởng) và các văn bản hướng dẫn thi hành, việc khen thưởng ĐBQH chỉ áp dụng đối với đại biểu chuyên trách ở Trung ương. Tuy nhiên, Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31.7.2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Thi đua, khen thưởng quy định việc khen thưởng cả đại biểu chuyên trách ở Trung ương và Phó trưởng Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương. Các hình thức khen thưởng được xét căn cứ vào tổng thời gian công tác của đại biểu đó trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị (không chỉ tính riêng thời gian làm tại các cơ quan dân cử).

Đối với đại biểu HĐND: Luật Thi đua, khen thưởng không quy định hình thức khen thưởng đối với đại biểu HĐND. Tuy nhiên, Nghị định số 91 quy định Văn phòng HĐND cấp tỉnh có nhiệm vụ tổng hợp hồ sơ, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh khen thưởng hoặc trình cấp trên khen thưởng đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, các Ban của HĐND, đại biểu HĐND chuyên trách. Đối với đại biểu HĐND kiêm nhiệm đang công tác tại cơ quan tổ chức nhà nước, các tổ chức Đảng, đoàn thể thì cấp quản lý về tổ chức, cán bộ công chức và quỹ lương của đại biểu dân cử có thẩm quyền xét khen thưởng hoặc trình cấp khen thưởng đại biểu dân cử đó theo các hình thức đã được quy định.

Khen thưởng đại biểu HĐND không gắn với chức danh, vị trí

Theo các quy định của những văn bản pháp luật về tổ chức cơ quan dân cử gồm: Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) không đề cập đến nội dung khen thưởng đối với cả tập thể, cá nhân thuộc các cơ quan dân cử. Tuy nhiên, tại các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về chế độ chính sách, điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu dân cử đã quy định đến việc khen thưởng ĐBQH và đại biểu HĐND.

Cụ thể, đối với ĐBQH: Nghị quyết số 353/2017/UBTVQH14 ngày 17.4.2017 của UBTVQH quy định bổ sung một số chế độ và điều kiện bảo đảm hoạt động của ĐBQH là văn bản pháp luật đầu tiên đề cập đến việc khen thưởng ĐBQH thông qua quy định về thẩm quyền cơ quan quản lý ĐBQH. Đối tượng được khen thưởng là nhóm ĐBQH chuyên trách tại địa phương. Cụ thể, điểm b Khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 353 quy định: “ĐBQH hoạt động chuyên trách ở địa phương do UBTVQH bảo đảm lương, phụ cấp và các chế độ khác trong thời gian làm nhiệm vụ đại biểu. Cơ quan có thẩm quyền quản lý đối với cán bộ ở địa phương theo phân cấp chịu trách nhiệm quản lý đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách của địa phương mình về việc… thi đua, khen thưởng và các công việc khác có liên quan đến công tác cán bộ”.

Nếu như việc khen thưởng ĐBQH mới được quy định từ năm 2016 (thời Nghị quyết số 353 có hiệu lực) thì khen thưởng đại biểu HĐND đã được đề cập tại các nghị quyết của UBTVQH về hướng dẫn tổ chức và hoạt động của HĐND từ cách đây hơn 20 năm. Điều 50 Nghị quyết số 310/NQ-UBTVQH ngày 25.6.1996 của UBTVQH ban hành Quy chế hoạt động của HĐND các cấp quy định: HĐND, Thường trực HĐND, Chủ tịch HĐND cấp xã, đại biểu HĐND, các tổ đại biểu HĐND, các ban của HĐND hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì được xét khen thưởng theo quy định của pháp luật. Cơ quan có thẩm quyền đề nghị khen thưởng đại biểu có thành tích xuất sắc là Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân.

Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02.4.2005 của UBTVQH ban hành Quy chế hoạt động của HĐND thay thế Nghị quyết số 310 đã sửa đổi các nội dung về khen thưởng. Theo đó, việc khen thưởng đại biểu HĐND được quy định đối với các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Thường trực, Trưởng ban, Phó Trưởng ban của HĐND hoạt động chuyên trách.

Để thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương, ngày 13.5.2016, UBTVQH ban hành Nghị quyết số 1206/2016/NQ-UBTVQH13 quy định về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu HĐND đã mở rộng đối tượng tất cả đại biểu HĐND hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được khen thưởng theo quy định Luật Thi đua, khen thưởng. Lần đầu tiên, pháp luật ghi nhận việc khen thưởng đại biểu HĐND không gắn với các chức danh, vị trí việc làm đại biểu dân cử đó đang đảm nhiệm tại các cơ quan nhà nước, tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội. Đây là ý tưởng để thiết lập một hệ thống tiêu chí đánh giá “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, từ đó có cơ chế khen thưởng độc lập, ghi nhận đóng góp kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ đặc thù của đại biểu dân cử.

TS. Hoàng Thị Lan