Tên trang: Pháp luật về quyền ngắt kết nối thế giới

Xu hướng thời công nghệ

- Chủ Nhật, 07/02/2021, 07:04 - Chia sẻ
Quyền ngắt kết nối đang được đề xuất là một quyền của con người liên quan đến khả năng ngắt kết nối khỏi công việc của người lao động, trong đó chủ yếu là không phải tham gia vào các giao tiếp điện tử liên quan đến công việc như e-mail hoặc tin nhắn ngoài giờ làm việc. Trong bối cảnh làm việc từ xa đang trở thành xu hướng trong thời đại dịch Covid-19, quyền này càng được các nhà lập pháp và hoạch định chính sách trên toàn thế giới quan tâm hơn bao giờ hết.

Tương đồng với nhiều quyền con người hiện hành

Môi trường làm việc hiện đại đã được thay đổi mạnh mẽ nhờ công nghệ thông tin và truyền thông mới. Vì thế, ranh giới giữa cuộc sống công sở và cuộc sống gia đình bị thu hẹp lại với sự ra đời của nhiều công cụ kỹ thuật số trong thế giới việc làm. Một mặt, các công cụ đó mang lại sự linh hoạt và tự do cho con người động, nhưng mặt khác chúng lại tạo ra những vấn đề không có giới hạn, dẫn đến việc can thiệp quá mức vào cuộc sống riêng tư của người lao động.

		Nguồn ITN
Nguồn ITN

Quyền ngắt kết nối có những điểm tương đồng với một số quyền con người hiện có. Đáng chú ý nhất trong số này là quyền được nghỉ ngơi và giải trí được quy định trong Điều 24 của Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người (UDHR). Quyền này đặt ra những giới hạn rõ ràng về lượng thời gian mọi người có thể làm việc, giúp quyền bị ngắt kết nối ngày càng đi xa hơn và được đặt ra trong thời đại hiện nay. Quyền ngắt kết nối cũng nằm trong điều 23 của UDHR, rằng mọi người đều có quyền làm việc, nhận thù lao công bằng và tham gia công đoàn để bảo vệ lợi ích của họ.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cũng là một nguồn có liên quan của các biện pháp và quyền bổ sung cho quyền ngắt kết nối. Một nghiên cứu gần đây được ILO xác nhận đã khẳng định sự cần thiết cho người lao động có thể ngắt kết nối với công nghệ nhằm tránh làm mờ ranh giới giữa cuộc sống công việc và cuộc sống cá nhân.

Thực tiễn đa dạng

Một số quốc gia, chủ yếu ở châu Âu, có một số hình thức liên quan đến quyền ngắt kết nối được ghi trong luật, trong khi ở một số trường hợp khác, chúng nằm trong chính sách của nhiều công ty lớn.

Pháp là quốc gia đầu tiên trên thế giới đưa ra khung pháp lý phù hợp bảo vệ “quyền được ngắt kết nối” của cá nhân. Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2001 khi Tòa án Tối cao Pháp ra phán quyết rằng, không nhân viên nào có nghĩa vụ phải mang công việc về nhà làm và cùng với thời gian khi công nghệ phát triển, Tòa tiếp tục hiện đại hóa phán quyết của mình.

Ngày 1.1.2017, Pháp ban hành luật El Khomri, một loại như Bộ luật Lao động sửa đổi. Điều 55 của bộ luật này yêu cầu các công ty có hơn 50 công nhân phải thương lượng về nghĩa vụ với người lao động và bảo đảm cho họ “quyền được ngắt máy” hoặc không phải trả lời các cuộc điện thoại ngoài giờ hành chính. Tuy nhiên, nó khá mơ hồ và không hạn chế giao tiếp sau giờ làm việc, thay vào đó bắt buộc các tổ chức phải thương lượng rõ ràng các điều khoản này với các nhân viên tương lai.

Ngoài Pháp, Italy có luật tương tự liên quan đến quyền ngắt kết nối, yêu cầu trong hợp đồng lao động ghi rõ trách nhiệm giao tiếp ngoài giờ làm việc chung về cơ bản của nhân viên. Ở Tây Ban Nha, luật bảo vệ dự liệu của đất nước xứ bò tót có điều khoản quy định về quyền kỹ thuật số của công dân và người lao động, trong đó ghi rõ người lao động không phân biệt công tư đều có quyền ngắt kết nối để bảo đảm tôn trọng khoảng thời gian nghỉ ngơi, nghỉ phép cũng như sự riêng tư cá nhân.Văn hóa “quyền được ngắt kết nối” đang lan khắp thế giới và thành phố New York không phải là ngoại lệ. New York thậm chí đang suy tính về một dự luật tương tự, không chỉ giới hạn ngắt kết nối trong “giờ làm việc” mà còn cho các kỳ nghỉ.

Đức là quốc gia đã phải vật lộn với những câu hỏi trên trong nhiều năm qua rằng, làm thế nào để giảm căng thẳng liên quan đến công việc và cố gắng cân bằng cuộc sống và công việc tốt hơn. Bà Andrea Nahles, lúc bấy giờ đang là Bộ trưởng Việc làm Đức, từng kêu gọi xây dựng các luật “chống căng thẳng” tương tự như “quyền được ngắt kết nối” kể từ năm 2014. Thực tế, nhiều công ty ở Đức đã đi trước giai đoạn này khi tự điều chỉnh để xây dựng văn hóa làm việc nói chung tốt hơn. Volkswagen là công ty đầu tiên đưa ra quy tắc đóng băng tất cả các email liên quan đến công việc trong giờ không làm việc. Vì vậy, công ty sắp xếp sao cho các máy chủ nội bộ không bao giờ định tuyến email đến các tài khoản cá nhân.

Trong khi đó, một số công ty ở Nhật Bản nghĩ ra triển khai "khuôn khổ ngắt kết nối" đầy sáng tạo, trong đó một nhân viên đảm nhận trách nhiệm của một nhân viên khác đã ngắt kết nối. Thời gian làm việc và ngày nghỉ được sắp xếp theo cách để quy trình làm việc không bị cản trở… Còn tại Hàn Quốc, Hội đồng Thủ đô Seoul vào năm 2016 từng đề xuất bảo đảm sự riêng tư của người lao động trước cuộc gọi, tin nhắn, mạng xã hội và công cụ truyền thông khác liên quan đến công việc sau giờ làm. Mục tiêu  là giảm bớt gánh nặng công việc và căng thẳng đè lên vai công chức địa phương.

Trong những diễn biến mới nhất, hồi tháng 7.2020, nghị sĩ Melvin Yong đã trình bày ý kiến về quyền kết nối trước Quốc hội Singapore để giúp người lao động bảo vệ thời gian nghỉ ngơi và tái tạo sức lao động. Cũng trong năm này, tại khu vực Mỹ Latinh, Chile là quốc gia đầu tiên ngoài châu Âu đã luật hóa quyền ngắt kết nối, liên quan đến luật mới về làm việc từ xa trong thời kỳ Covid-19, và một vài tháng sau Argentina đã đi theo động thái trên.

Ngọc Minh