Linh hoạt giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế

Bài 1: Chất lượng quy trình tố tụng chưa cao

- Thứ Hai, 13/09/2021, 07:10 - Chia sẻ
Đối với vấn đề giải quyết tranh chấp giữa các doanh nghiệp thuộc các quốc gia thành viên, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) quy định các quốc gia thành viên có nghĩa vụ “cố gắng hết mức có thể để khuyến khích và tạo thuận lợi đối với việc sử dụng trọng tài và các phương thức giải quyết tranh chấp khác cho việc giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế giữa các bên tư nhân trong khu vực tự do hóa thương mại”. Như vậy, CPTPP đã “mở” cho các doanh nghiệp có thể linh hoạt sử dụng phương thức giải quyết tranh chấp thương mại quốc tế phù hợp.

Hiện nay, việc giải quyết tranh chấp thương mại và đầu tư ở các nước thành viên CPTPP đều được thực hiện thông qua hai cơ chế là tòa án cơ chế giải quyết tranh chấp ngoài tòa án (hay còn gọi là cơ chế lựa chọn/thay thế, gồm thỏa thuận/thương lượng, hòa giải và trọng tài thương mại). Trong khi việc giải quyết tranh chấp bằng cơ chế tòa án vẫn chiếm tỷ lệ lớn thì chất lượng quy trình tố tụng của Việt Nam là vấn đề còn nhiều điểm phải quan tâm.

CPTPP mở ra nhiều cơ hội, đồng thời thúc đẩy quá trình tố  tụng phù hợp với thông lệ quốc tế. 
Nguồn: ITN

Thiếu cơ chế giải quyết tranh chấp có giá trị nhỏ

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2020 do Ngân hàng Thế giới thực hiện trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá 12 lĩnh vực liên quan đến hoạt động kinh doanh ở 190 nền kinh tế cho thấy, Việt Nam có thời gian giải quyết tranh chấp tại Tòa án là 400 ngày, trong đó giai đoạn thụ lý là 50 ngày, giai đoạn xét xử và tuyên án là 200 ngày, giai đoạn thi hành án là 150 ngày.

Việt Nam đứng thứ 5 trong các thành viên CPTPP về số ngày giải quyết vụ án kể từ khi nộp đơn cho đến khi kết thúc thi hành án, xếp sau Singapore (164 ngày), New Zealand (216 ngày), Mexico (341 ngày) và Nhật Bản (360 ngày). Nếu xét riêng từng giai đoạn tố tụng, trong các thành viên CPTPP, Việt Nam lần lượt đứng thứ 8 về thời gian thụ lý, thứ 4 về thời gian xét xử và tuyên án, thứ 7 về thời gian thi hành án.

Theo Chủ tịch Trung tâm hòa giải Thương mại Quốc tế Việt Nam (VICMC) Nguyễn Hồng Quang, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thời gian giải quyết tranh chấp tại tòa án của nước ta kéo dài là do trong khi phần lớn các thành viên CTTPP đều có thiết chế (tòa án hoặc thủ tục tố tụng riêng biệt) để giải quyết các tranh chấp có giá trị nhỏ thì Việt Nam lại chưa có cơ chế này. Điều 317, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã có quy định về thủ tục rút gọn nhưng không có tiêu chí áp dụng đối với giá trị của tranh chấp. Vì thế quy định về thủ tục rút gọn đã có hiệu lực hơn 4 năm nhưng vẫn chưa được áp dụng rộng rãi trên thực tế vì các khái niệm “tình tiết đơn giản”, “đương sự thừa nhận nghĩa vụ” chưa được quy định rõ ràng nên dẫn đến thực trạng không thống nhất trong cách hiểu quy định pháp luật về việc áp dụng thủ tục rút gọn. Hơn nữa, việc áp dụng thủ tục rút gọn chưa phải là bắt buộc áp dụng nên Tòa án lựa chọn việc áp dụng giải quyết theo trình tự, thủ tục tố tụng thông thường để tránh việc giải quyết tranh chấp có thể bị kháng cáo, kháng nghị.

Việt Nam đạt 62,1 điểm, xếp thứ 68 trong số 190 nền kinh tế được đánh giá. Trong số 11 thành viên CPTPP, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 9, theo sau đó là Peru (59.1 điểm, thứ hạng 83) và Canada (57.1 điểm, thứ hạng 100). Mặc dù Canada có thứ hạng thấp hơn so với Việt Nam về tổng điểm số, nhưng nhiều cấu phần về điểm số của Canada cho thấy cũng cần phải nghiên cứu, tham khảo chất lượng tư pháp của Canada (Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2020 của Ngân hàng Thế giới).

Nhiều chỉ số đạt thấp

Chỉ số chất lượng quy trình tư pháp là chỉ số đánh giá tổng hợp của cấu trúc tòa án và thủ tục tố tụng, quản lý vụ án, tòa án tự động và giải quyết tranh chấp theo phương thức tự chọn. Cũng theo Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong hai nước có chất lượng quy trình tố tụng thấp nhất trong các quốc gia CPTPP.

Bà Nguyễn Trần Lan Hương, Thành viên Ban Thư ký VICMC cho biết, chỉ số “Cấu trúc tòa án và thủ tục tố tụng” đánh giá 5 vấn đề của hệ thống tòa án như: tòa án thương mại chuyên biệt; tòa án cho những tranh chấp có giá trị nhỏ và/hoặc thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp có giá trị nhỏ; tài sản lưu động của bị đơn bị phong tỏa trước khi xét xử cho thấy Việt Nam đạt 3/5 điểm cho chỉ số này, ngang bằng với 4 nước khác và có điểm thấp nhất so với các thành viên CPTPP khác. Hơn nữa, quy định vụ việc mới được phân công ngẫu nhiên cho các thẩm phán chưa được thực hiện triệt để mà vẫn còn có những điều kiện nhất định và chưa rõ ràng dẫn đến quá trình này còn mất nhiều thời gian và khó có thể đoán định.

Báo cáo trên còn cho thấy: Chỉ số “Quản lý vụ án” đánh giá 6 vấn đề của hệ thống quản lý hồ sơ tòa án, bao gồm: quy định thời hạn trong quá trình tố tụng; Quy định về đình chỉ, tạm đình chỉ giải quyết vụ án và tiếp tục lại thủ tục tố tụng; Có biện pháp đánh giá hoạt động tố tụng; cho phép thỏa thuận giữa các bên trước khi xét xử; có hệ thống quản lý vụ án điện tử cho thẩm phán; có hệ thống quản lý vụ án điện tử cho luật sư. Việt Nam chỉ đạt 1/6 điểm ở chỉ số này nhờ có quy định về các thời hạn trong quá trình tố tụng trong khi đó phần lớn các nước thành viên CPTPP còn lại đều đạt số điểm khá cao.

Đối với chỉ số “Tòa án tự động” đánh giá 4 vấn đề : cho phép nộp đơn khởi kiện bằng phương thức điện tử; có hệ thống xử lý đơn trực tuyến, điện tử; án phí có thể được thanh toán bằng phương thức điện tử; bản án được công bố rộng rãi. Việt Nam xếp hạng 8 trong các thành viên CPTPP chỉ với 1 điểm nhờ công khai các bản án trong các vụ việc thương mại ở tất cả các cấp tòa án trực tuyến…

Hoàng Tuấn