Nâng cao hiệu quả bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu Hội đồng nhân dân

Bài 1: Chưa đạt được mục đích, yêu cầu

- Thứ Năm, 23/09/2021, 04:33 - Chia sẻ
Sau khi trúng cử, đại biểu HĐND rất cần bồi dưỡng kỹ năng, phương thức hoạt động cho cả nhiệm kỳ, nhất là đại biểu mới lần đầu tham gia hoạt động ở cơ quan dân cử. Yêu cầu là vậy, tuy nhiên việc tổ chức và nội dung các lớp bồi dưỡng trên thực tế chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra.

                                                                                     Trần Đình Huề

Nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình

Một hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu HĐND cấp huyện tỉnh Hà Giang - Ảnh: Hoàng Huyền
Một hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu HĐND cấp huyện tỉnh Hà Giang
 Ảnh: Hoàng Huyền

Nội dung chưa phù hợp

Cứ đầu nhiệm kỳ của HĐND, Bộ Nội vụ lại thực hiện nhiệm vụ cung cấp tài liệu và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đại biểu HĐND cấp tỉnh và báo cáo viên để bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp dưới. Sau đó, tỉnh giao cho ngành nội vụ chủ trì tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đại biểu HĐND cấp huyện. Còn huyện tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đại biểu HĐND cấp xã. Thời gian và chương trình càng đi xuống càng rút ngắn lại. Tỷ lệ đại biểu HĐND được bồi dưỡng nói chung rất cao, nhưng kết quả còn hạn chế.

Để nâng cao vị trí, vai trò của HĐND các cấp, chất lượng đại biểu HĐND trúng cử ngày càng được tăng cường để bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định. Bởi vậy, điều khác biệt với nhiều lớp học khác, đại biểu HĐND các khóa đều có trình độ học vấn, chuyên môn, chính trị rất khác nhau, nên yêu cầu cần bồi dưỡng cũng không giống nhau. Hơn nữa, đại biểu HĐND tái cử có yêu cầu bồi dưỡng khác với đại biểu mới trúng cử lần đầu. Trong một lớp tập huấn có nhiều nhóm đại biểu như vậy mà báo cáo viên cứ theo nội dung tài liệu biên soạn từ Học viện Hành chính Quốc gia trình bày thì không phù hợp với người học. Những đại biểu có trình độ cao, nhận thức rộng ít tập trung nghe giảng, đại biểu hoạt động ở cơ quan dân cử nhiều, không muốn nghe về HĐND nữa. Trong lúc đó, đại biểu mới lại muốn hiểu nhiều kỹ năng, phương pháp và kinh nghiệm hoạt động ở cơ quan dân cử hơn tình hình quốc tế, kinh tế - xã hội chung chung.

Giảng viên bồi dưỡng đại biểu HĐND cấp tỉnh chủ yếu ở Học viện Hành chính Quốc gia, bồi dưỡng cho đại biểu HĐND cấp huyện và cấp xã chủ yếu do Trường Chính trị tỉnh và Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị cấp huyện đảm nhiệm. Đây là những giảng viên chuyên nghiệp có trình độ học vấn, đầy đủ lý luận và kỹ năng sư phạm chuẩn mực nhưng phần lớn lại chưa từng tham gia đại biểu HĐND cấp nào và chắc chưa có nhiều kinh nghiệm hoạt động ở cơ quan quyền lực nhà nước. Hơn nữa, những cơ sở đào tạo này chủ yếu bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, công chức, viên chức - những người thực hiện chủ trương pháp luật và thực thi công vụ. Còn đại biểu HĐND cần kiến thức thực hiện chức năng quyết định những chủ trương, giải pháp chủ yếu của địa phương, đồng thời giám sát việc thực thi pháp luật và nghị quyết của HĐND.

Thiếu sự phối hợp

 Khá nhiều nhiệm kỳ, Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thường xuyên tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đại biểu HĐND các cấp, tập trung nhiều cho đại biểu HĐND cấp tỉnh và huyện. Các khóa bồi dưỡng của Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử tổ chức có sự tham gia của các chuyên gia quốc tế và chuyên gia trong nước. Với những người có nhiều kinh nghiệm hoạt động ở cơ quan dân cử xây dựng chương trình, trực tiếp biên soạn tài liệu tập huấn rất phù hợp với đại biểu dân cử. Nội dung bồi dưỡng thiết kế theo chuyên đề riêng cho từng đối tượng của từng khóa bồi dưỡng khác nhau: Với lãnh đạo HĐND, tập trung vào kỹ năng, phương pháp tổ chức, chủ tọa điều hành các kỳ họp, phiên họp; đối với các Ban của HĐND, tập trung vào phương thức giám sát chuyên đề, chuẩn bị báo cáo thẩm tra. Có nội dung bồi dưỡng đi sâu chuyên đề về nhiệm vụ TXCT, tiếp dân tại cơ sở... Rất tiếc, những nội dung thiết thực này lại ít được đưa vào phần bồi dưỡng ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Những người biên soạn tài liệu bồi dưỡng đại biểu dân cử, chủ yếu dựa vào những tài liệu tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức chung. Quá trình biên soạn ít nghiên cứu, sưu tầm, chọn lọc nhiều tài liệu tập huấn, bồi dưỡng đại biểu HĐND ở Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử, nên nội dung các bài giảng còn nặng về lý thuyết. Bên cạnh đó, Ban Công tác đại biểu thường tập trung nhiều cho việc chuẩn bị bồi dưỡng ĐBQH khóa mới nên chưa thật tích cực phối hợp với Học viện từ thiết kế chương trình, biên soạn tài liệu và tham gia giảng dạy các lớp bồi dưỡng cho đại biểu HĐND đầu nhiệm kỳ, như nhiều địa phương trông chờ.

Thường trực HĐND các cấp luôn mong muốn tăng cường kỹ năng, phương thức hoạt động của đại biểu HĐND, nhưng còn lúng túng chưa biết dựa vào đâu. Thậm chí, khi có yêu cầu cử báo cáo viên dự các lớp tập huấn cũng chưa được quan tâm, chỉ cử người cho có danh sách. Có địa phương, Thường trực HĐND phó mặc hay giao trắng cho ngành nội vụ tổ chức những lớp tập huấn, bồi dưỡng; lãnh đạo Thường trực HĐND chỉ đến dự, chỉ đạo lúc khai mạc và đến tổng kết khóa học. Hơn nữa, lãnh đạo của địa phương thường cho đó là công việc của Trường Chính trị và các Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị.

Đầu nhiệm kỳ, đại biểu HĐND rất mong muốn được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, phương thức và kinh nghiệm hoạt động ở cơ quan dân cử. Ngành nội vụ nhiều nhiệm kỳ đã thực hiện kế hoạch, chương trình tổ chức các lớp bồi dưỡng đại biểu HĐND theo từng cấp với quy mô khá lớn. Các địa phương cũng tích cực triển khai rầm rộ, với khá nhiều kinh phí. Nhưng kết quả đại biểu HĐND chưa thỏa mãn, Thường trực HĐND các địa phương cũng băn khoăn về chất lượng thu được. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu đổi mới để tập huấn, bồi dưỡng đại biểu HĐND đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra.