HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế giám sát việc thực hiện các năm doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Bài 1: Chuyển biến rõ nét

- Chủ Nhật, 09/08/2020, 08:00 - Chia sẻ
5 năm qua, các cấp, các ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai các nghị quyết của Chính phủ, nghị quyết của HĐND tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh. Nhờ vậy, Chỉ số cải thiện môi trường kinh doanh, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI) đã có những chuyển biến rõ nét. Năm 2019 đứng thứ 20/63 tỉnh, thành, tăng 10 bậc so với năm 2018; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI - 2019) xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX-2019) xếp hạng thứ 13/63 tỉnh, thành phố (tăng 3 bậc so với năm 2018).

Đó là nội dung được nhấn mạnh trong Báo cáo Kết quả giám sát tình hình kết quả thực hiện các năm doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Chỉ số năng lực cạnh tranh tăng 10 bậc

Qua giám sát cho thấy, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh quyết tâm cao trong việc hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó đã lựa chọn “Năm Doanh nghiệp” làm chủ đề của năm 2016 và 2017; quyết định Chương trình phát triển doanh nghiệp, chương trình cải cách thủ tục hành chính vào các năm tiếp theo. Giai đoạn 2016 - 2020, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa... Các nghị quyết này đã được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt và từng bước đi vào cuộc sống, góp phần tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư.

Theo đánh giá của Đoàn giám sát, 5 năm qua, các cấp, các ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai các nghị quyết của Chính phủ, nghị quyết của HĐND tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhờ vậy, Chỉ số về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét. Năm 2019, đứng thứ 20/63 tỉnh, thành, tăng 10 bậc so với năm 2018; Chỉ số PAPI - 2019 xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số PAR INDEX-2019 xếp hạng thứ 13/63 tỉnh, thành phố (tăng 3 bậc so với năm 2018).

Kết quả cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, ước toàn tỉnh có 3.750 doanh nghiệp (DN) thành lập mới, tăng 58% so với giai đoạn 2011 - 2015, tăng bình quân 750 DN/năm. Số doanh nghiệp đang hoạt động năm 2020 đạt khoảng 5.600 doanh nghiệp, tăng 1.600 DN so với năm 2015, tăng bình quân hơn 300 DN/năm. Tính đến năm 2020, tổng vốn doanh nghiệp đạt 21.000 tỷ đồng, tăng 252% so với năm 2015. Giai đoạn 2015 - 2020, nhiều dự án lớn đi vào hoạt động với nguồn vốn đầu tư lớn. Năm 2019, đóng góp của khu vực doanh nghiệp cho ngân sách tỉnh đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 135% so với đóng góp của năm 2015, chiếm tỷ trọng 64,39% trong tổng thu ngân sách trên địa bàn. Trong đó, nguồn thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn thu ngân sách của tỉnh.

HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế giám sát việc thực hiện các năm doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tại Sở Kế hoạch và Đầu tư

Ảnh: Võ Công 

Quyết liệt cải cách hành chính

Giai đoạn 2016 - 2020, trên cơ sở nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các sở, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động nguồn lực hỗ trợ DN trên địa bàn. Nhiều chính sách được triển khai hiệu quả, được cộng đồng DN đánh giá cao như: Hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ hoạt động khuyến công; chính sách phát triển sản xuất doanh nghiệp; chính sách xã hội hóa trong các lĩnh vực ưu đãi đầu tư... Hỗ trợ nâng cao năng lực đội ngũ doanh nhân cho gần 3.000 lượt DN; hỗ trợ tiêu thụ, kết nối thị trường cho hơn 200 DN, hỗ trợ sở hữu trí tuệ, đổi mới công nghệ cho hơn 170 lượt DN. Ngoài hỗ trợ trực tiếp, công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp cũng rất được quan tâm, góp phần thu hút nhiều nhà đầu tư lớn.

Qua làm việc với các ngành, địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Đoàn giám sát HĐND tỉnh nhận thấy công tác cải cách hành chính được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp rút ngắn thời gian các thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận các thủ tục hành chính.

UBND tỉnh đã đưa vào vận hành thành công Cổng thông tin điện tử tỉnh, Cổng dịch vụ công tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; các Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp huyện được thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả, tập trung giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Đồng thời, đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành đô thị thông minh nhằm tiếp nhận, giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư, phản ánh thái độ phục vụ của công chức và giải quyết những vấn đề “nóng” của xã hội; đưa chỉ số DCCI - chỉ số năng lực cạnh tranh của các sở, ngành, địa phương vào đánh giá kết quả hoạt động của đơn vị. Bên cạnh đó, thực hiện thủ tục hành chính liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế cấp huyện trong giải quyết thủ tục hành chính về đăng ký hộ kinh doanh, hợp tác xã và đăng ký mã số thuế trên địa bàn.

Giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ công dân và DN. Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ nhằm nâng cao chất lượng thực thi công vụ và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN đã giảm thời gian giải quyết hồ sơ cho DN từ 10 ngày xuống còn 3 ngày. Thời gian cấp giấy phép xây dựng được rút ngắn xuống 7 ngày; đối với các trường hợp cần lấy ý kiến thời gian giải quyết giảm từ 15 ngày xuống 12 ngày. Đối với thủ tục hành chính thẩm định thiết kế xây dựng đối với nhóm B rút ngắn xuống còn 15 ngày làm việc (giảm 5 ngày), nhóm C xuống còn 12 ngày làm việc (giảm 3 ngày). Cơ quan thuế đã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính đối với toàn bộ hồ sơ liên quan đến thời gian khai thuế, nộp thuế giảm 381 giờ/năm (từ 498 giờ/năm xuống còn 117 giờ/năm); thời gian cấp mã số thuế rút ngắn 2 ngày làm việc, thời gian giải quyết hồ sơ hoàn thuế rút ngắn 9 ngày làm việc…

HÀ VĂN