Phụ nữ tham gia vào cơ quan dân cử - Hướng tới bình đẳng thực chất

Bài 1: Đại biểu đại diện cho phái đẹp

- Thứ Sáu, 22/10/2021, 12:55 - Chia sẻ

Bình đẳng giới và công tác phụ nữ có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình phát triển của đất nước, là thước đo của sự văn minh, tiến bộ, công bằng xã hội trong suốt tiến trình cách mạng. Chính vì lẽ đó, Ðảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, trong đó có bình đẳng giới trong lĩnh vực tham chính.

Sau nhiều nỗ lực tiến tới bình đẳng giới thực chất, Việt Nam được ghi nhận có nhiều điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, trong tất cả các lĩnh vực đều có sự tham gia của nữ giới. Đặc biệt, trong lĩnh vực chính trị, tỷ lệ nữ được bầu giữ các chức vụ quản lý, tham gia ĐBQH, ĐB HĐND ngày càng cao.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao Nghị quyết của Quốc hội cho Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Từ chính sách, pháp luật

Trong những năm qua, các mục tiêu bình đẳng giới luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ. Hệ thống chính sách, pháp luật của nhà nước về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị cũng không ngừng được hoàn thiện để bảo đảm mục tiêu xóa dần khoảng cách giữa nam và nữ.

Cụ thể, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2010-2020 và Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27.4.2007 của Bộ Chính trị là những chương trình, chủ trương thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực tham chính đã chỉ rõ: “Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ ĐBQH và HĐND các cấp từ 35- 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Ðảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới”; phấn đấu đến năm 2020 đạt 95% bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, UBND các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và các nữ đại biểu
Nguồn INT

Bình đẳng giới trong chính trị cũng được khẳng định tại các kỳ Đại hội Đảng gần đây. Cụ thể, tại Đại hội XII, Đảng ta đã nhấn mạnh, phải “tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia vào cấp ủy và bộ máy quản lý nhà nước”. Tiếp theo đó, Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30.5.2019 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nêu rõ: “Phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, Khóa XII đã xác định rõ mục tiêu đến năm 2030: “Phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp. Tỷ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20-25%.”

Từ các chủ trương của Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới. Sự nghiệp giải phóng phụ nữ để “nam nữ bình quyền” được khẳng định nhất quán từ Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 đến Hiến pháp năm 2013, quy định rõ: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới”, “Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội”, “Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”. Đồng thời, Việt Nam đã ký kết tham gia Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (Công ước CEDAW) và đã  từng bước luật hóa trong các văn bản pháp luật và các chính sách có liên quan đến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, như Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và gia đình; Bộ luật Hình sự; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

Đại biểu tham dự Đại hội XIII của Đảng
Nguồn INT

Đến những điểm sáng  

Báo cáo Khoảng cách giới năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về cho thấy, Việt Nam đạt 0,701 điểm trên thang điểm từ 0 đến 1 ở chỉ số lấp đầy khoảng cách giới, đứng thứ 87 trên 156 quốc gia. Chất lượng, hiệu quả, uy tín của cán bộ nữ đã ngày càng chứng tỏ nỗ lực cá nhân phụ nữ cũng như nỗ lực của cả xã hội trong quá trình thực hiện bình đẳng giới.

Đã là người đại biểu dân cử, dù nam hay nữ trước hết phải lắng nghe tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, theo đuổi đến cùng những kiến nghị đó. Cuộc sống luôn diễn ra và những đòi hỏi của cử tri luôn không ngừng. Vì thế, để thực hiện đúng và làm tốt chức năng đại diện dân cử, không cách nào khác, mỗi đại biểu phải hòa mình vào đời sống của cử tri và Nhân dân, phát hiện, đi cùng những bức xúc, những khó khăn của người dân, theo đuổi, lắng nghe, suy xét, phân tích để từ đó có những kiến nghị để thay đổi chính sách, góp phần thay đổi những bất cập trong quản lý nhà nước. Điều này đòi hỏi thời gian, năng lực, tâm huyết của người đại biểu. (ĐB Đoàn Thị Lê An, Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng)

Cụ thể, tỷ lệ nữ giới đại diện trong cơ quan lập pháp của Việt Nam luôn thuộc nhóm có thứ hạng cao nhất trong khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung và tỷ lệ này ngày càng tăng. Điển hình, tỷ lệ nữ ĐBQH luôn duy trì ở mức cao và có xu hướng ngày càng tăng lên và dần được trẻ hóa: Kết quả bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua cho thấy: tỷ lệ nữ ĐBQH Khóa XV là 30,26%, cao nhất từ trước đến nay;  tỷ lệ nữ ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đều tăng so với nhiệm kỳ 2010-2015 ở cả 3 cấp tỉnh, huyện và xã ( tỷ lệ nữ ĐB HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 là 29%; cấp huyện là 29,8%; cấp xã là 28,98%).

Trưởng bộ môn Khoa học xã hội, Khoa Công tác xã hội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Ths Phạm Thị Thanh Mai phân tích, kết quả này cho thấy chúng ta đã làm rất tốt công tác cán bộ nữ thể hiện ở sự tích cực, chủ động, sáng tạo trong tham mưu đề xuất chính sách cho cán bộ nữ như: đưa vào Luật Bầu cử ĐBQH, ĐB HĐND năm 2015 quy định tỷ lệ phụ nữ ứng cử ĐBQH, ĐB HĐND đạt ít nhất 35%; chủ động giới thiệu, quy hoạch, bồi dưỡng nguồn cán bộ cán bộ nữ cho Đảng, Nhà nước, đặc biệt trước các kỳ đại hội Đảng và bầu cử ĐBQH, ĐB HĐND các cấp qua các nhiệm kỳ.

ĐB Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) 

Ở góc nhìn của công dân, chị Moong Thị Ngân, Bản Nạ Tổng, xã Tam Thái, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An khi bày tỏ về vấn đề này cũng nhìn nhận: “Nghị trường QH mấy khóa gần đây ngày càng có nhiều gương mặt mới, để lại ấn tượng tốt đẹp đối với cử tri. Nhất là các đại biểu đại diện cho phái đẹp. Cùng với Nguyên Chủ tịch Quốc hội Khóa XIV Nguyễn Thị Kim Ngân và các nữ ĐBQH chuyên trách như Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thúy Anh, Trần Thị Quốc Khánh, Nguyễn Thị Thanh Hải... sự xuất hiện các nữ đại biểu địa phương như ĐB Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) ở nhiệm kỳ vừa qua với những phát ngôn gây nóng nghị trường đã phần nào đó làm thay đổi cách nhìn nhận của xã hội dành cho nữ ĐBQH. Họ không phải được bầu vào cho đủ số lượng, đủ cơ cấu mà vì sự cần thiết cho đất nước, cho Nhân dân.

Nhóm PV Bạn đọc - Pháp luật