Tên trang: Pháp luật các nước về bảo vệ thông tin cá nhân

Dữ liệu cá nhân - tài sản cần bảo vệ trong kỷ nguyên số

- Chủ Nhật, 29/11/2020, 07:36 - Chia sẻ
Ngày 10.8 vừa qua, Cơ quan Giám sát quyền bảo mật dữ liệu Pháp cho biết, đã mở cuộc điều tra sơ bộ với ứng dụng chia sẻ video TikTok của Trung Quốc sau khi nhận một đơn kiến nghị về hoạt động của ứng dụng này.

Ủy ban Quốc gia Thông tin và Tự do (CNIL) của Chính phủ Pháp vừa tuyên bố bắt đầu quá trình điều tra TikTok, một sản phẩm của Công ty ByteDance, sau khi họ nhận được nhiều lời phàn nàn liên quan đến ứng dụng chia sẻ video clip ngắn của Trung Quốc. Bản thân ByteDance, chủ quản mạng xã hội TikTok cũng đang bị Mỹ, Ủy ban châu Âu và Hà Lan điều tra về vấn đề quyền riêng tư của người dùng dịch vụ. Ủy ban này được thành lập để bảo đảm quyền riêng tư của người dùng các dịch vụ internet có trong luật pháp được thực hiện nghiêm túc, xoay quanh việc thu thập, lưu trữ và sử dụng dữ liệu cá nhân.

Người phát ngôn của CNIL cho biết: “CNIL bắt đầu điều tra trang web tiktok.com và ứng dụng TikTok từ tháng 5.2020. Cho đến thời điểm hiện tại, CNIL vẫn đang thực hiện điều tra riêng và cùng lúc hỗ trợ công việc của Ủy ban châu Âu”. TikTok thì cho biết: “Bảo vệ quyền riêng tư và sự an toàn của người dùng TikTok là mục tiêu hàng đầu của chúng tôi. Chúng tôi biết rất rõ CNIL đang làm gì và đang hợp tác chặt chẽ với họ”.

Cuộc điều tra của phía Pháp được thực hiện liên quan đến lượng thông tin về việc thu thập dữ liệu mà người dùng TikTok biết, cũng như cách họ bảo vệ quyền riêng tư của bản thân, lượng dữ liệu cá nhân của người dân châu Âu bị mạng xã hội Trung Quốc thu thập và những cách bảo vệ trẻ vị thành niên tham gia mạng xã hội này.

Ứng dụng TikTok cũng đang bị các cơ quan quản lý của Mỹ, Liên minh châu Âu và Hà Lan điều tra nghi vấn vi phạm luật bảo mật. Giới chức Mỹ lo ngại với những dữ liệu cá nhân mà công ty này đang xử lý, TikTok có thể gây ra nguy cơ an ninh. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng đe dọa cấm TikTok hoạt động tại thị trường nước này và cho ByteDance 45 ngày để đàm phán bán lại cho tập đoàn Microsoft.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Trước đó, hồi tháng 6, Cơ quan Bảo vệ dữ liệu châu Âu (EDPB) thông báo lập một đội điều tra đặc biệt để đánh giá hoạt động của TikTok tại châu lục này theo đề xuất từ một nghị sĩ EU do lo ngại các cách thức thu thập dữ liệu cùng các nguy cơ an ninh và bảo mật từ ứng dụng này. Một tháng trước cuộc điều tra của EDPB, cơ quan chức năng Hà Lan cũng thông báo điều tra cách thức TikTok xử lý dữ liệu của hàng triệu người dùng trẻ tuổi ở nước này.

Không chỉ có TikTok của ByteDance mà nhiều công ty công nghệ khác đã từng bị điều tra hoặc chịu các án phạt hàng tỷ USD vì những hành vi thu thập trái phép dữ liệu người dùng qua các ứng dụng di động.

Hồi cuối năm 2018, Ủy ban Bảo vệ dữ liệu (DPC) của Ireland - cơ quan thực hiện giám sát các công ty theo Luật Bảo vệ dữ liệu chung châu Âu (GDPR) đã mở hơn một chục cuộc điều tra vào các công ty công nghệ lớn bao gồm Facebook, Apple, Google và Twitter. Ông Graham Doyle - người đứng đầu truyền thông DPC cho biết DPC hiện đã kết thúc cuộc điều tra về WhatsApp mở ra vào năm ngoái liên quan đến tính minh bạch dữ liệu. DPC đã kiểm tra xem WhatsApp của Facebook có cung cấp thông tin một cách minh bạch cho người dùng và người dùng không sử dụng dịch vụ ứng dụng hay không. Trong khi đó, cuộc điều tra Twitter để làm rõ những thông tin vi phạm dữ liệu mà DPC nhận được vào tháng 1.2019.

Tại Mỹ, Chính phủ nước này cũng tăng cường xử lý đối với các hành vi thu thập trái phép thông tin người dùng của Google, Facebook. Tháng 7.2019, Facebook bị Ủy ban Thương mại Mỹ (FTC) phạt 5 tỷ USD vì bê bối dữ liệu Cambridge Analytica để lộ dữ liệu của hơn 50 triệu người dùng. Tháng 9.2019, FTC đã phạt Google 150 triệu USD vì thu thập dữ liệu trẻ em trái phép qua ứng dụng Youtube.

Những vụ việc trên cho thấy bảo vệ dữ liệu cá nhân đang là vấn đề đặt ra đối với các nước, đặc biệt là trong kỷ nguyên số khi mọi ứng dụng di động hoặc các giao dịch điện tử đều yêu cầu chúng ta phải cung cấp thông tin.

Chính vì vậy, từ khi Luật Bảo vệ Dữ liệu của EU có hiệu lực vào tháng 5.2019, một nền tảng pháp lý mới đã được thiết lập nhằm bảo vệ quyền riêng tư của các công dân châu Âu trong kỷ nguyên số, mặc dù luật này bị các “ông lớn” như Google hay Facebook phản đối quyết liệt. Ngay tại Mỹ, nơi có các tiêu chuẩn khác biệt về bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, vẫn có nhiều tiếng nói kêu gọi hãy lấy luật mới của châu Âu làm tấm gương để noi theo.

Dù gì chăng nữa thì các nhà lập pháp của những quốc gia hàng đầu đã thức tỉnh rằng vấn đề lớn nhất nổi lên chi phối cuộc sống con người trong kỷ nguyên số không phải là các tiện ích tuyệt vời do Cách mạng Công nghiệp 4.0 mang lại, mà chính là sự xâm phạm các quyền riêng tư. Theo đó, cần lưu ý rằng nếu chọn hướng đi làm chủ công nghệ để ứng phó với tội phạm mạng (Cybercrime) hay chiến tranh mạng (Cyberwarfare), thì người ta vẫn phải sử dụng công cụ pháp lý để bảo vệ quyền riêng tư.

Đạt Quốc