VietinBank với sự phát triển của Thừa Thiên Huế

Bài 1: Huế - trên đường trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

- Thứ Ba, 05/01/2021, 06:40 - Chia sẻ
Bước sang nhiệm kỳ XVI (2020 - 2025), Thừa Thiên Huế tiếp tục xây dựng và phát triển trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. Trong hành trình này, luôn có sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) - với tư cách người bạn, người đồng hành trên từng nấc thang quan trọng của địa phương.

Từ xây nền cho Chính quyền điện tử…

Còn nhớ, tháng 12.2016, VietinBank được tỉnh Thừa Thiên Huế lựa chọn là ngân hàng hợp tác xây dựng Cổng Thanh toán trực tuyến và Chính quyền điện tử; phối hợp triển khai thành công thu hộ dịch vụ công, tạo điều kiện cho người dân trong quá trình tham gia dịch vụ công của tỉnh. Ngay sau đó, “Đề án Thẻ điện tử công chức, thẻ điện tử cá nhân/doanh nghiệp” và “Giải pháp Thanh toán hóa đơn trên Hệ thống quản lý Thông tin điện tử của tỉnh” tiếp tục được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai và VietinBank một lần nữa được chọn là đơn vị hợp tác.

Công ty Honda Phú Xuân (Thừa Thiên Huế) được hình thành trên nguồn vốn của VietinBank
Ảnh: Việt Hà

Theo kế hoạch, năm 2020, VietinBank sẽ dành khoảng 4.000 tỷ đồng thu nhập để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân thông qua việc hạ lãi suất cho vay hoặc cắt, giảm, miễn phí dịch vụ... Những đóng góp của VietinBank đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đồng thời, là yếu tố quan trọng đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc TƯ vào năm 2025..

Gần một năm sau, vào tháng 4.2019, VietinBank và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ ký kết hợp tác triển khai Giải pháp thanh toán dịch vụ của VietinBank trên hệ thống thẻ điện tử công chức của tỉnh. Sự kiện này đã trở thành dấu mốc quan trọng, không chỉ với chính quyền và người dân Huế mà còn là của cả nước bởi đây là mô hình Chính phủ điện tử đầu tiên được triển khai trên toàn quốc. Thanh toán dịch vụ của VietinBank trên hệ thống thẻ điện tử công chức là giải pháp đem lại lợi ích thiết thực cho cơ quan quản lý Nhà nước; các cán bộ, viên chức, doanh nghiệp, người dân được sử dụng các dịch vụ điện tử trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.

Tại thời điểm diễn ra Lễ ký kết triển khai, VietinBank đã hoàn thành và sẵn sàng phối hợp với các cơ quan để triển khai dịch vụ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như các tỉnh, thành của Việt Nam, góp phần mở rộng và cung cấp dịch vụ kết nối Thẻ điện tử với Chính quyền điện tử và thành phố thông minh. Từ đó góp phần triển khai Đề án Thanh toán không dùng tiền mặt, xây dựng Chính phủ điện tử, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân các địa phương.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, VietinBank là ngân hàng thương mại tiên phong phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ, Cục Cảnh sát Giao thông, Tập đoàn VNPT xây dựng Giải pháp thanh toán trực tuyến dịch vụ thu phạt xử lý vi phạm giao thông, phí, lệ phí, thuế trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đây là những giải pháp thuận tiện, đem lại sự minh bạch, công khai trong quá trình cải cách thủ tục hành chính cho người dân, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19.

Đến cung ứng vốn cho các đại công trình

Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ cho biết, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Thừa Thiên Huế đã nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh, khắc phục thiên tai, lũ lụt hoàn thành vượt mức 15/17 chỉ tiêu của Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh lần thứ XV. Nổi bật là kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá, bình quân ước đạt 6,5%/năm; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 2.169 USD, đứng thứ 3 ở vùng duyên hải miền Trung. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 105.180 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 11%/năm. Giai đoạn này, nhiều dự án đầu tư lớn được cấp phép, triển khai, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh trong các giai đoạn tiếp theo.

“Trong thành quả này có đóng góp lớn từ hệ thống ngân hàng, đặc biệt là VietinBank” - Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ khẳng định.

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cũng nhấn mạnh, ở góc độ kinh tế, ngân hàng là mạch máu, không có ngân hàng thì kinh tế không thể phát triển. Thời gian qua, ngoài việc cùng địa phương triển khai xây dựng chính quyền đô thị thông minh, tích hợp các dịch vụ thẻ điện tử… thì VietinBank và một số ngân hàng khác trên địa bàn đã đồng hành cùng các doanh nghiệp trong vay vốn, nhằm phát triển các dự án quan trọng như giao thông, thủy lợi, đầu tư các khu công nghiệp.

Đơn cử, Công ty Thủy điện Rào Trăng 3 có tổng mức đầu tư là trên 500 tỷ đồng, trong đó có 319 tỷ đồng là nguồn vốn vay của VietinBank. Ngoài Rào Trăng 3, phần lớn nguồn vốn xây dựng Thủy điện Rào Trăng 4 cũng do VietinBank cung ứng. Hay, ở phân khúc kinh doanh xe máy, ô tô, VietinBank cũng là đơn vị đầu tư lớn nhất cho Công ty Honda Phú Xuân, với tổng số vốn lên tới gần 150 tỷ đồng; hay ở lĩnh vực du lịch, VietinBank cũng đầu tư cho Công ty TNHH Sen Trắng Huế hơn 140 tỷ đồng, chiếm 70% tổng mức đầu tư của toàn bộ Công ty…

Nói về vai trò của VietinBank đối với sự phát triển của đội ngũ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế Dương Tuấn Anh cho biết, toàn tỉnh hiện có 7.000 doanh nghiệp, trong đó, có 6.000 doanh nghiệp tham gia Hiệp hội; phần lớn các doanh nghiệp đều được tiếp cận nguồn vốn vay của VietinBank.

“Tôi đánh giá cao sự tận tụy, đồng hành với các doanh nghiệp của VietinBank trong cung ứng, thiết kế các chính sách ưu đãi về lãi suất, thời gian, thủ tục vay vốn… Điều đó, đã giúp cho các doanh nghiệp có cơ hội xây dựng và mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương” - Ông Dương Tuấn Anh nói.

Đức Kiên