Quảng Nam nâng tầm giá trị “Quốc bảo” sâm Ngọc Linh

Bài 1: Hướng phát triển hiệu quả cho vùng khó

- Thứ Hai, 10/01/2022, 06:34 - Chia sẻ
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu phát triển dược liệu là một trong nhóm giải pháp căn cơ phát triển kinh tế khu vực miền núi phía Tây của tỉnh; trọng tâm nhất là phát triển cây sâm Ngọc Linh. Mới đây, tỉnh đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xây dựng và phê duyệt "Chương trình Quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) giai đoạn 2021 - 2030 và định hướng đến 2045". Trong đó, đặt mục tiêu phát triển cây sâm Ngọc Linh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước giai đoạn 2025 - 2030, ngang tầm với ngành sản xuất Sâm Hàn Quốc.

Những nhiệm kỳ gần đây, Quảng Nam đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội các địa phương khu vực miền núi phía Tây của tỉnh, giúp người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số từng bước xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống. Một trong số những chủ trương đã đi vào thực tiễn, có kết quả rõ nét là phát triển dược liệu dưới tán rừng, đặc biệt là phát triển cây sâm Ngọc Linh, dược liệu được xem là Quốc bảo của Việt Nam.

Đổi đời nhờ sâm Ngọc Linh

Những năm trước đây, nếu muốn đến được các thôn, nóc xa xôi của xã Trà Linh, huyện vùng cao Nam Trà My phải mất cả ngày đường đi bộ. Nhưng giờ đây, mọi chuyện đã đổi khác nhờ các tuyến đường giao thông được đầu tư xây dựng kiên cố dẫn vào tận các thôn, nóc. Bộ mặt những bản làng vùng cao Trà Linh như khoác lên mình một diện mạo mới. Những ngôi nhà xây kiên cố có giá trị hàng tỷ đồng cũng mọc lên ngày một nhiều. Tất cả đổi thay ở vùng đất này đều đến từ sâm Ngọc Linh - một loại dược liệu quý phân bố ở vùng núi cao giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.

Nhờ cây sâm Ngọc Linh, nhiều hộ gia đình đã vươn lên khá giả
Ảnh: Phi Nguyễn

Cây sâm Ngọc Linh (sâm K5, sâm Đốt trúc) vẫn thường được đồng bào dân tộc Xê Đăng gọi bằng cái tên thân thuộc: Cây thuốc giấu. Anh Nguyễn Văn Dũng (thôn 2, xã Trà Linh) cho biết, loài dược liệu quý hiếm này đã gắn bó với nhiều thế hệ người Xê Đăng. Hơn 20 năm trước, ít ai nghĩ rằng người Xê Đăng nơi đỉnh trời Trường Sơn quanh năm mây phủ sẽ đổi đời từ loài cây rừng mọc tự nhiên này. Anh Nguyễn Văn Dũng và rất nhiều hộ dân tại xã Trà Linh giờ đã mua sắm ô tô, xây nhà cao tầng. “Nhờ cây sâm mới xóa cái đói, cái nghèo và đời sống, tập tục lạc hậu để bước sang một trang mới. Trước đây nói đến Trà Linh, Nam Trà My là người ta nghĩ đến một nơi nghèo khó nhất của Việt Nam, nay thì đã khác, nhiều người đã thoát nghèo và vùng đất này giờ đã có rất nhiều tỷ phú”, anh Dũng chia sẻ.

Huyện miền núi cao Nam Trà My từng là một trong số huyện nghèo nhất của cả nước ở thời điểm năm 2003. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn đã giảm xuống còn hơn 31%. Chỉ tính riêng 5 năm qua, huyện đã có hơn 2.300 hộ thoát nghèo bền vững. Cứ mỗi diện tích trồng sâm tăng thêm là tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn lại được kéo giảm. Nếu như năm 2014, toàn huyện mới chỉ có 150ha trồng sâm Ngọc Linh, đến nay đã tăng lên hơn 1.600ha.

Chủ tịch UBND xã Trà Linh Hồ Văn Thể cho biết, khuyến khích và hỗ trợ người dân trồng sâm Ngọc Linh được địa phương xác định làm giải pháp then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững trong những năm tới. “Chủ trương của xã là vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới rồi xây dựng các khu dân cư, đường giao thông nông thôn đến các điểm làng, thôn, nóc. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã đã giảm xuống còn 27,51%. Đây là một kết quả rất đáng mừng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương”, ông Hồ Văn Thể cho biết thêm.

Bảo tồn, nhân lên nguồn gene quý

Nhận thấy giá trị kinh tế và những tác động tích cực của cây Sâm Ngọc Linh đối với người dân, nhất là đồng bào DTTS, những năm qua, Trạm Dược liệu tỉnh Quảng Nam và Trạm Dược liệu huyện Nam Trà My đã tích cực hỗ trợ, cấp phát sâm giống cho bà con các xã vùng cao trên địa bàn. Việc cấp sâm giống cho người dân được chính quyền địa phương xác định là giải pháp hiệu quả tăng diện tích trồng sâm theo Đề án Sâm quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ông Đinh Ngọc Thắng (xã Trà Linh) cho biết: “Việc Nhà nước cấp sâm giống cho người dân để nhân rộng diện tích trồng là hết sức cần thiết. Bởi, tự người dân đi mua cây giống hết sức khó khăn”.

Theo giá Nhà nước, mỗi cây sâm Ngọc Linh một năm tuổi có giá 220 nghìn đồng. Tuy nhiên, nhờ chủ trương hỗ trợ của tỉnh Quảng Nam, người dân địa phương được giảm đến 80% tiền mua cây con giống. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trần Út cho biết: để tiếp tục phát triển diện tích trồng sâm Ngọc Linh những năm tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu, bảo tồn nguồn gene quý hiểm và phát triển cây sâm giống. “Chúng ta có thể làm chủ được việc sản xuất cây giống, cho ra cây giống đạt tỷ lệ cao, bảo đảm sinh trưởng một cách tốt nhất. Không những vậy, cây sâm giống gốc trong vườn có khả năng sinh hạt, sinh trưởng và phát triển tốt hơn qua từng năm”, ông Trần Út cho biết thêm.

PHI NGUYỄN - TUẤN NGUYÊN